Giải pháp nào cho vấn đề nhân lực của đồng bằng sông Cửu Long?

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực hiện nay ở ĐBSCL rất bức xúc, trong đó nổi lên vấn đề dạy nghề.

Sáng nay (19/6), tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, các Bộ ngành trung ương và Uỷ ban nhân dân 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức “Diễn đàn Hợp tác phát triển nguồn nhân lực đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ hội nhập”.

Diễn đàn được tổ chức với hình thức thông tin và đối thoại tương tác giữa chính quyền và các nhà đầu tư; giữa 3 “nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng lao động.

ĐBSCL có qui mô nguồn nhân lực lớn nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn rất thấp, kỹ năng nghề nghiệp yếu kém. Do vậy, tại diễn đàn, phần lớn ý kiến các đại biểu tham dự đều cho rằng với số lượng và chất lượng lao động như hiện nay thì hiệu quả sử dụng nhân lực là rất thấp so với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập.

Từ thực trạng trên, để khu vực ĐBSCL phát triển trong thời gian tới, phần lớn các ý kiến tại diễn đàn cho rằng nhiệm vụ chính là cần tái cấu trúc mạng lưới trường, lớp, ngành nghề đào tạo theo các cấp học, từng địa phương và đào tạo trên phạm vi toàn vùng để sử dụng tiết kiệm nguồn lực và tăng cường đầu tư chiều sâu về trang thiết bị, công nghệ cũng như đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Ông Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, để hỗ trợ cho các địa phương trong vùng, Bộ đã chỉ đạo trường Đại học Cần Thơ chủ trì chương trình Mekong 1000 và đến nay đã có những tác dụng tích cực. Bên cạnh đó, trong chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ, trong đó một nửa đào tạo ở nước ngoài, Bộ cũng sẽ dành một phần thích đáng cho các tỉnh ĐBSCL.

Về các giải pháp giải quyết việc làm, các tỉnh khu vực ĐBSCL cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu vùng; đồng thời khôi phục, đổi mới và phát triển các làng nghề truyền thống và mới có giá trị kinh tế cao gắn liền với quá trình đô thị hóa nông thôn bằng việc kết hợp công nghệ truyền thống với tri thức hiện đại và công nghệ mới; phát triển hệ thống thông tin về thị trường lao động và nâng cao vai trò quản lý nhà nước về lao động và việc làm. Các tỉnh thành ĐBSCL cần hợp tác định vị lại cho vai trò của Doanh nhân và nông dân. Đó là hướng đến những doanh nhân và nông dân mới, những doanh nhân và nông dân toàn cầu. Ông Lưu Phước Lượng, Phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng ban chỉ đạo diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL nhấn mạnh: “Vấn đề phát triển nguồn nhân lưc hiện nay ở ĐBSCL rất bức xúc, trong đó nổi lên vấn đề dạy nghề. Do vậy qua diễn đàn này, chúng tôi cùng các bộ ngành và các tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ cho đồng bằng một cơ chế đặc thù để làm sao có thể huy động được các nguồn lực cho mục tiêu đề ra.

Cũng tại diễn đàn, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa thường trực Ban chỉ đạo diễn đàn và UBND TPHCM; lễ ký kết tài trợ học bổng giữa VCCI Cần Thơ và Viện Marketing - Quản trị doanh nghiệp Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên