Chỉ giao quyền tự chủ cho trường ĐH đảm bảo chất lượng

Trường ĐH hoạt động kém hiệu quả có thể bị đình chỉ hoạt động.  

Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ từng bước giao quyền tự chủ về tài chính và tuyển sinh cho các trường ĐH công lập và ngoài công lập. Đây là một trong những nội dung quan trọng được đề cập đến trong Dự án Luật Giáo dục đại học (ĐH).

Theo đó, Dự án Luật gồm 12 chương, 67 điều. Trong quá trình xây dựng Luật, Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục ĐH đã nhận được 173 ý kiến đóng góp bằng văn bản và thư điện tử; hơn 220 ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội giáo dục.

Những nội dung quan trọng của Luật Giáo dục ĐH tập trung đề cập đến việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể, cho phép, đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH; chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh; văn bằng giáo dục ĐH.

Dự thảo Luật Giáo dục ĐH cũng nhấn mạnh đến quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH; quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH.

Tại cuộc họp báo chiều 26/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết: Việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH sẽ được Bộ Giáo dục-Đào tạo giao theo hướng thực hiện từng bước, dưới sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các trường. Việc giao quyền tự chủ nhằm giúp các trường tự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giáo dục.

Đi kèm với việc giao quyền tự chủ cho các trường, dự án Luật Giáo dục ĐH cũng nhấn mạnh đến vấn đề tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH. Cơ sở giáo dục ĐH không có đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế thì quyền tự chủ bị thu hồi; cơ sở giáo dục ĐH vi phạm thực hiện quyền tự chủ thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Những trường nào hoạt động có uy tín, hiệu quả thì sẽ được giao toàn quyền tự chủ trong tài chính, tuyển sinh.

Ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho biết: Dự án Luật Giáo dục ĐH ưu tiên, khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH tư thục và cơ sở giáo dục ĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, khuyến khích đầu tư cho hoạt động giáo dục.

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho rằng: Dự thảo luật đề cập đến việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường ĐH. Như vậy, ước tính, số lượng các trường ĐH sẽ ngày càng nhiều. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, sẽ có những cơ quan kiểm định chất lượng ngoài ngành Giáo dục để kiểm tra, giám sát hoạt động của các trường ĐH. Việc làm này sẽ giúp cho các trường luôn phải cạnh tranh về chất lượng, hoạt động hiệu quả, vì lợi ích người học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên