Đau đầu giải quyết bài toán gửi con cho công nhân ở TPHCM

VOV.VN - Việc bố trí chỗ gửi trẻ chất lượng, phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân tại TPHCM vẫn còn nhiều bất cập.

Hàng năm, ngân sách TPHCM bố trí hơn 3.400 tỷ đồng tổng chi đầu tư cho Giáo dục – Đào tạo. Trong đó, giáo dục mầm non là khoảng 38%, tương đương 1.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đưa ra nhiều kế hoạch, chương trình góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ tại các trường và nhóm lớp tư thục độc lập nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con ngày càng lớn của công nhân, lao động thu nhập thấp.
Công nhân, người thu nhập thấp cần nơi gửi con an toàn, phù hợp.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, việc bố trí chỗ gửi trẻ chất lượng, phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân tại TPHCM vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, vấn đề khiến dư luận bức xúc nhất vẫn là thiếu chỗ gửi trẻ an toàn để công nhân yên tâm công tác.
Theo số liệu của Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 1.208 trường mầm non. Trong đó, tỷ lệ trường mầm non công lập rất hạn chế, chỉ chiếm 38,5%. Để tăng sự hỗ trợ của hệ thống mầm non công lập cho con em công nhân, cách đây 2 năm, TPHCM đã triển khai thí điểm chương trình nhận giữ trẻ ngoài giờ tại 5 trường mầm non công lập thuộc 4 địa phương tập trung nhiều khu chế xuất – khu công nghiệp là: quận Bình Tân, Thủ Đức, quận 7 và huyện Củ Chi.
Tuy nhiên, đến nay, chương trình này vẫn chưa đạt được sự lan tỏa như mong muốn. Sở dĩ công nhân nhiều nơi chưa mặn mà với chương trình này là vì các trường không cân đối được thời gian giữ trẻ phù hợp với nhu cầu thực tế của họ. Các trường chỉ giữ trẻ đến 17h30, trong khi công nhân cần gửi con đến 18h30. Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM, rất khó để gỡ nút thắt này vì hiện tại, đội ngũ giáo viên tại các trường mầm non công lập không đủ. Ngoài ra, việc yêu cầu giáo viên làm thêm giờ phải tính toán kỹ và chỉ thực hiện trên tinh thần tự nguyện, nếu không sẽ vi phạm Luật Lao động.
Bà Bùi Thị Diễm Thu thông tin thêm: “Cần tăng biên chế đối với những trường có tổ chức nhận giữ trẻ cho con công nhân để có thể thực hiện việc chia ca giữ trẻ. Nếu chúng ta cứ giữ tình trạng như hiện tại, áp lực công việc đối với giáo viên mầm non sẽ ngày càng cao”.
Trường công không đáp ứng được, công nhân phải gửi con vào trường tư, nhóm lớp độc lập tư thục và nhóm trẻ gia đình là điều dễ hiểu. Quá tải, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục nuôi dạy trẻ trong môi trường đầy rủi ro. Thế nhưng, vì điều kiện kinh tế và tính chất công việc, đa phần công nhân buộc phải chọn gửi con vào đây để tiếp tục cuộc mưu sinh. Ngay cả khi địa phương hỗ trợ chỗ gửi con ở trường công, nhiều công nhân chỉ biết ngậm ngùi từ chối , bởi họ đâu thể bỏ công việc giữa chừng về đón con vào lúc 16h30 mỗi ngày.
Như trường hợp tại Lớp Mẫu giáo Mầm Xanh ở Quận 12 mới đây, sau khi phát hiện tình trạng giáo viên, bảo mẫu bạo hành trẻ, chính quyền địa phương đã bố trí gửi trẻ vào Trường Mầm non Họa Mi 2, một cơ sở công lập uy tín. Thế nhưng, theo ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Quận 12, chỉ 12 trên tổng số 36 phụ huynh đưa trẻ đến gửi tại địa chỉ nói trên. Số phụ huynh còn lại, phần cho con ở nhà, phần nhờ địa phương giới thiệu cơ sở tư thục khác.
Ông Lê Trương Hải Hiếu cho hay: “Phụ huynh, đặc biệt là công nhân họ muốn gửi con vào các trường mầm non tư thục bởi vì những nơi này đáp ứng được điều kiện làm việc của họ. Trường mầm non công lập hoạt động theo giờ hành chính, trong khi đó đa phần công nhân đều phải làm việc ngoài giờ, làm việc ca 3… Do vậy, thành phố nên có cơ chế nào đó linh động để hệ thống trường mầm non giải quyết thêm được chỗ gửi cho con em công nhân”.
Cơ chế linh động thôi chưa đủ mà theo bà Phan Thị Thanh Phương, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM, việc tăng thời gian giữ trẻ tại các trường công lập là vấn đề cần được ngành Giáo dục – Đào tạo thành phố nghiên cứu để có phương án hỗ trợ tốt nhất cho con em công nhân. Thế nhưng, quan trọng hơn cả vẫn là làm sao siết chất lượng hệ thống mầm non ngoài công lập nhằm hạn chế rủi ro và chấm dứt bạo hành trẻ.
Bà Phan Thị Thanh Phương nói: “Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM cần phối hợp và phát huy thế mạnh của các cơ sở giáo dục chuyên môn như Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, nơi tạo ra các giáo viên mầm non. Từ đó phối hợp với các địa phương mở nhiều hơn những nhóm trẻ tư thục chất lượng với đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản”.
Nhìn nhận những bất cập hiện có trong hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa 9 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thời gian tới thành phố sẽ làm mọi cách để khắc phục thực trạng này. Tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, minh bạch thông tin toàn bộ hệ thống giáo dục mầm non giúp phụ huynh nắm rõ và đưa ra chọn lựa phù hợp, xử lý nghiêm các cơ sở để xảy ra bạo hành, xâm hại trẻ là những giải pháp cơ bản mà chính quyền thành phố đưa ra với mục đích siết lại chất lượng mầm non ngoài công lập. Cùng với đó là việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các dấu hiệu tiêu cực.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Thành phố sẽ kiên quyết đình chỉ các cơ sở giáo dục mầm non không đủ điều kiện hoạt động. Khuyến khích các trường mầm non lắp đặt camera để thuận tiện cho việc quan sát trẻ, có kết nối thông tin với chính quyền địa phương”.
Bằng tất cả các giải pháp từ quyết liệt đến linh hoạt, TPHCM mong muốn tạo ra môi trường nuôi dạy trẻ chất lượng, an toàn, giúp lực lượng công nhân, lao động thu nhập thấp có chỗ gửi con phù hợp để yên tâm công tác./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên