Đề mở?

Kỳ thi ĐH năm nay, nhiều người khen đề thi môn văn hay, đề mở, tạo điều kiện cho thí sinh sáng tạo, bộc lộ khả năng của mình.

Và vì thế, không ít người cũng kỳ vọng sau khi chấm thi, những bài văn hay, xuất sắc sẽ được công bố để mọi người thức, tham khảo.  

Nhưng rồi, không ít người đã phải chưng hửng khi đọc trên báo lời nhận xét của một thày giáo chấm thi đại học môn văn ở trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn sau khi chấm hơn 1000 bài thi Văn của thí sinh nhiều trường đại học: “Quá nhiều bài viết vẹt, lảm nhảm vô hồn”…  

Trong số những kẻ chưng hửng ấy có tôi. Chia sẻ với một giáo viên dạy văn, thày bảo: Điều này đâu có gì bất ngờ? Với cách dạy và học văn bấy lâu nay, liệu thí sinh có viết được những bài như chúng ta kỳ vọng?. Cách dạy văn ở các trường hầu như vẫn theo lối mòn. Giáo viên phải chạy theo chương trình, dạy cho đủ khối lượng chương trình nên ít có thời gian dạy cho học sinh những cái sáng tạo. Vì thế nên học sinh đâu có không gian để phát biểu chính kiến, phát huy sự sáng tạo?.  

Mọi năm đề thi văn được ra theo kiểu “bám vào chương trình”. Đáp án liệt kê các ý tưởng để cho điểm. Ngay trong đề thi năm nay, tiếng là đề mở, với tính chất nghị luận xã hội, nhưng khi Bộ Giáo dục- đào tạo công bố đáp án và barem điểm thì điểm chi tiết đến 0,5 (điểm). Mà, nếu mỗi thí sinh có cách cảm nhận và nhận định khác nhau, nếu (giả sử) có được sự sáng tạo và những suy nghĩ khác nhau, một barem chấm điểm chặt chẽ như vậy, là “đóng” chứ không “mở”.  

Cách ra đề thi mở như năm nay được mọi người hưởng ứng (tạm không bàn về độ chính xác: câu nói đó có phải của Lincoln hay không), là điều cần thiết trong quá trình thay đổi cách dạy văn, học văn nhằm phát huy suy nghĩ sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, để làm được điều này, cũng cần phải có thời gian. Học sinh cần được báo trước, được làm quen dần cách ra đề như vậy. Trong quá trình học, các em cần được tạo điều kiện khuyến khích để tư duy độc lập theo cách của mình, phát triển khả năng lập luận, suy diễn, phản bác theo những cảm nhận của riêng.  

Sự thay đổi phải thực chất, căn bản từ cách dạy và học. Nếu sự thay đổi chỉ là hình thức, thì sang năm, sẽ xuất hiện những cuốn sách hướng dẫn cách làm đề văn “mở” (dĩ nhiên theo kiểu “đóng”!) như cảnh báo của nhà giáo chấm thi đại học năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên