Hướng tới đổi mới toàn diện về giáo dục đại học

Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được các chuyên gia giáo dục đưa ra trong Hội nghị Hiệu trưởng Đại học Việt Nam-Nhật Bản lần thứ nhất diễn ra sáng 17/9 tại Hà Nội  

Hội nghị thu hút hơn 100 cơ sở đào tạo với khoảng 300 đại biểu của hai nước tham dự. Đây là dịp để các trường Đại học (ĐH) Việt Nam và Nhật Bản giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chất lượng đào tạo. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các trường ĐH của hai nuớc.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trong công cuộc hội nhập hiện nay, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là ưu tiên hàng đầu ở Việt Nam. Để nhắm bắt những cơ hội trong quá trình hội nhập, ngành GD Việt Nam đã và đang không ngừng tìm kiếm các giải pháp nhằm đổi mới toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội. Theo đó, ngành GD Việt Nam đưa ra 5 giải pháp để cải tiến chất lượng GD ĐH. Đó là từ nay đến năm 2020 tiến hành đào tạo 20.000 tiến sĩ phục vụ giảng dạy tại các trường ĐH. Song song với việc đào tạo tiến sĩ, ngành GD cũng sẽ đưa hơn 1.500 giáo trình điện tử vào giảng dạy tại các trường ĐH.

Kể từ khi Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng được mở rộng và phát triển. Nhật Bản là một trong những quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng 256 trường tiểu học ở những vùng, miền khó khăn. Nhật Bản còn viện trợ nâng cao năng lực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học cho hơn 100 trường ĐH Việt Nam và cấp học bổng hàng năm cho lưu học sinh Việt Nam.

Tháng 3/2008, Bộ GD-ĐT hai nước đã ký văn bản ghi nhớ về việc Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo 1.000 tiến sĩ tại các trường ĐH của Nhật Bản giai đoạn 2008-2010.

Năm học 2009-2010, ngành GD cũng chú trọng tới việc đổi mới cơ chế tài chính trong GD. Trong đó lưu ý tới việc thực hiện chính sách tín dụng, cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn. Đối với các trường ĐH, ngành GD sẽ tiến hành để các trường tự chủ trong tài chính nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo và kiểm định chất lượng đào tạo.

Lộ trình cải cách GD ĐH ở Việt Nam sẽ hướng tới xây dựng các trường ĐH mang đẳng cấp quốc tế, trong đó phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 5 trường nằm trong top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới.

Để GD Việt Nam có thể hội nhập với khu vực và thế giới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Ngoài sự nỗ lực phấn đấu của ngành GD, các trường ĐH, Việt Nam rất cần tới sự hỗ trợ, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm đào tào của ngành GD ở các nước tiên tiến trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.

Phó Thủ tướng mong muốn, thông qua hội nghị này, các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau thẳng thắn chia sẻ quan điểm, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác đào tạo ĐH.

Tại hội nghị, Ngài Shigeharu Kato, Đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, hợp tác đào tạo ĐH với Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để giúp đỡ học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh của Việt Nam sang học tập tại Nhật Bản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên