Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II:

Hướng tới thực hiện tốt công tác đào tạo nghề

Đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm giúp người dân có một công việc ổn định và góp phần xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.

Khuyến học, khuyến tài đã trở thành một cuộc vận động lớn trong nhân dân cả nước. Cuộc vận động này phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư: Từ những thôn bản xa xôi tới những đô thị sầm uất, đâu đâu cũng rộ lên phong trào khuyến học, khuyến tài.

Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II sẽ diễn ra vào ngày 24/9 tại Hà Nội. Thông qua Đại hội, các địa phương sẽ cùng nhau trao đổi, đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập một cách hiệu quả, thiết thực nhất. Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II sẽ diễn ra vào ngày 24/9 tại Hà Nội. Tại Đại hội, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ biểu dương, khen thưởng 33 tỉnh, thành đã có nhiều thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. 63 đơn vị, cá nhân và 412 đại biểu điển hình sẽ có dịp giao lưu với khán giả về công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện mô hình học tập cộng đồng.

Nhân sự kiện này, phóng viên VOVNews phỏng vấn ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II?

Ông Phạm Tất Dong

Ông Phạm Tất Dong: Mục tiêu chính của Đại hội nhằm hướng người dân học tập để xoá đói giảm nghèo, phát triển ngành nghề, nâng cao dân trí và hướng tới xây dựng xã hội học tập.

Điểm mới của Đại hội lần này là Hội Khuyến học Việt Nam sẽ chỉ đạo các địa phương triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài về giáo dục nghề nghiệp một cách, cụ thể nhằm đem lại hiệu quả thiết thực đến từng người dân để có được việc làm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Đại hội đặt nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài trong hai hệ thống giáo dục ban đầu và tiếp tục.

Khuyến học, khuyến tài trong hệ thống giáo dục ban đầu là đẩy mạnh các hoạt động để thu hút thế hệ trẻ học tập tốt hơn. Còn đối với hệ thống giáo dục tiếp tục huy động nhiều hơn nữa số lượng người lớn đi học.

Trong hệ thống giáo dục ban đầu, ngành Giáo dục và Hội Khuyến học Việt Nam sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm chống lưu ban, bỏ học tại các địa phương.

Hiện nay, hệ thống giáo dục tiếp tục mới chỉ thu hút được khoảng 10 triệu lượt người đi học. Con số này còn khá khiêm tốn so với con số cần khoảng 60 triệu lượt người đi học. Vì vậy, Đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II sẽ chú trọng đến việc đẩy mạnh các hình thức học tập để thu hút người lớn và thế hệ trẻ không ngừng học tập nhằm hướng tới xây dựng mô hình xã hội học tập.

PV: Để xây dựng mô hình xã hội học tập không thể không nói đến giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Ông có thể cho biết hoạt động khuyến học, khuyến tài triển khai ở những nơi này như thế nào?

Ông Phạm Tất Dong: Có thể khẳng định đến thời điểm này, hầu hết các xã, phường, thôn xóm trong cả nước đều có Hội Khuyến học. Nhiều tỉnh, thành đã đưa các phong trào khuyến học, khuyến tài vào nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp… Lực lượng khuyến học không chỉ là những người dân mà còn thu hút nhiều ban, ngành, cán bộ, công nhân viên. Như vậy, thi đua khuyến học không chỉ là nhiệm vụ của Hội Khuyến học mà đã lan rộng tới từng người dân.

Đến nay, phong trào khuyến học, khuyến tài đã phát triển nhanh chóng với 100% các tỉnh, thành đều có Hội Khuyến học, Quỹ Khuyến học; hơn 9.000 Trung tâm giáo dục cộng đồng với 6,5 triệu hội viên sinh hoạt trong khoảng 300.000 chi hội. Với lực lượng lớn mạnh như vậy, có thể nói phong trào khuyến học, khuyến tài đã về đến những vùng miền khó khăn nhất của đất nước.

Mỗi một địa phương đều có những sáng kiến để thu hút người dân đi học. Ví dụ như ở Lào Cai mở trung tâm giáo dục cộng đồng dành cho người dân tộc thiểu số từ các bản làng xa xôi. Những lớp học này được mở ngay gần với nơi người dân sinh sống nên họ không phải đi xa mà vẫn có thể thường xuyên trau dồi kiến thức văn hoá và tham gia vào các hoạt động dạy nghề. Cách làm này đã thu hút hàng chục nghìn người đi học/năm.

Hội Khuyến học Việt Nam vừa thực hiện cuộc điều tra tại 97 xã, 53 phường và 6 thị trấn và nhận thấy, ngoài nhu cầu muốn được đi học, nhiều người dân đều có mong muốn được học nghề ngắn hạn nhằm tìm kiếm thêm một công việc ngoài làm nông nghiệp để tăng thu nhập cho gia đình. Chính vì vậy, Hội Khuyến học Việt Nam đang nghiên cứu cùng với Trung tâm giáo dục cộng đồng, thường xuyên và làng nghề ở các địa phương để liên kết đào tạo những ngành nghề chủ yếu mà người dân có nhu cầu muốn học.

PV: Ngoài công tác đào tạo thì tìm kiếm việc làm cho lao động sau khi học xong sẽ được Hội Khuyến học các địa phương triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Tất Dong: Cơ quan đào tạo và sử dụng lao động phải có sự kết hợp chặt chẽ để tìm kiếm việc làm cho người lao động sau khi học xong.

Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức xã hội, có nhiệm vụ khuyến khích người dân học tập trong đó có học nghề. Trong quá trình phối hợp với các tổ chức đào tạo nghề, Hội đều chú trọng đến tìm kiếm việc làm cho lao động  sau khi học xong. Đặc biệt là Hội Khuyến học sẽ lưu ý tới việc liên kết với một số tổ chức, đơn vị nhận lao động là người khuyết tật, tàn tật vào làm việc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên