Kết thúc đợt 2 kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011

Cả nước có 203 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật, trong đó 36 thí sinh bị khiển trách, 7 thí sinh bị cảnh cáo, 160 thí sinh bị đình thi thi.  

Sáng 10/7, các thí sinh thi khối B, C, D thi môn cuối (gồm Hoá học, Địa lý và Ngoại ngữ), kết thúc đợt 2 kỳ thi Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2011. Nhìn chung, đợt 2 của kì thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, kỉ luật phòng thi được siết chặt.

Thí sinh chăm chú làm bài thi

Kết thúc đợt thi, cả nước có 203 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật, trong đó 36 thí sinh bị khiển trách, 7 thí sinh bị cảnh cáo, 160 thí sinh bị đình thi thi. Trong số thí sinh bị đình chỉ thi có 56 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi. Trong 3 buổi thi của đợt thi thứ 2 có 2 cán bộ coi thi bị xử lý, trong đó 1 giám thị bị cảnh cáo, 1 giám thị bị đình chỉ.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, đề thi các môn trong đợt 2 được bảo mật tuyệt đối ở tất cả các khâu, nội dung đề thi năm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, không có sai sót, không có hiện tượng nhầm mã đề môn thi trắc nghiệm. Các trường đã tập huấn kỹ cho cán bộ tham gia công tác tuyển sinh nên đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và tổ chức tốt công tác coi thi đợt 2, không khí trường thi trật tự, an toàn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Bùi Văn Ga, Trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 khẳng định: “Nói chung đợt 2 diễn ra rất là an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Rút kinh nghiệm đợt 1, đợt 2 không có những sơ suất về kỹ thuật. Giám thị thực hiện nghiêm các quy chế theo công điện của Bộ nên không có sự nhầm lẫn giống như kỳ trước. Tất cả những thí sinh nào vào phòng thi mà có những gian lận như mang điện thoại hoặc tài liệu đã bị giám thị phát hiện và đình chỉ thi ngay lập tức. Đợt 2 này có nhiều môn tự luận nên có nhiều thí sinh vi phạm, vì vậy số lượng các em vi phạm tăng hơn so với đợt 1”.

Tuy nhiên, trong đợt thi ĐH lần 2, số thí sinh bỏ thi ở từng môn vẫn xảy ra, đến buổi thi sáng 10/7, số thí sinh đến dự thi giảm 0,39% so với môn thi đầu tiên, chỉ còn 80,10%. Tại các Hội đồng thi vẫn còn thí sinh đến muộn không được vào phòng thi. Tình hình ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực có điểm thi vào thời điểm trước giờ thi và kết thúc thi vẫn diễn ra ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Các lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện tiếp tục ra quân hỗ trợ các trường, làm việc tích cực, tham gia phân luồng, giảm ùn tắc giao thông, hướng dẫn các thí sinh đến địa điểm thi, giữ gìn trật tự bên ngoài các khu vực thi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh trong kỳ thi.

Tại Hà Nội, ở hầu hết các địa điểm thi, có rất đông phụ huynh ngồi chờ con. Trong câu chuyện của họ, chủ yếu nói về chuyện học hành, thi cử của con em mình. Từ sáng đưa con đi thi, nhiều người đã thu dọn luôn đồ đạc, trả phòng, đợi con thi xong để về nhà luôn.

Bà Đinh Thị Nhung, ở huyện Lý Nhân, Hà Nam, đưa con đi thi trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tâm sự: “Ở quê tôi đang mùa gặt nhưng có con đi thi ĐH nên tôi phải bỏ dở hết các công việc lại và đi cùng con ra Hà Nội. Tôi muốn đi cùng cháu để động viên cháu cố gắng thi tốt”.

Tin, bài liên quan:

Sau 90 phút làm bài thi trắc nghiệm môn Hóa học, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với gương mặt rạng rỡ. Hầu hết thí sinh đều thấy thoải mái sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng.

Đề thi vừa sức, có sự phân loại cao

Vui vẻ rời điểm thi trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thí sinh Thanh Bình (Phú Thọ) nhận định, đề thi Hóa học năm nay khá vừa tầm với em. 50 câu trắc nghiệm em đều hoàn thành cả. Tuy nhiên, Bình phỏng đoán, chỉ 60-70% trong số đó là em chắc chắn câu trả lời. Số còn lại, em chỉ mang máng đúng sai.

Theo Bình, đề thi Hóa học có sự phân loại thí sinh khá cao. Ngoài câu bài tập, nhiều câu hỏi lý thuyết đòi hỏi thí sinh không chỉ “học vẹt” là có điểm mà cần có sự suy luận thì mới có đáp án đúng. “Hai môn trước em đã làm khá tốt rồi, chỉ còn môn cuối này thôi, em mong mình được 7 điểm,” Bình chia sẻ.

Cùng tâm trạng này, em Nguyễn Minh Chiến (Thanh Hóa) thở phào vì hoàn thành bài thi khá tốt sáng nay. Theo Chiến, với đề thi này, học lực khá hoàn toàn có thể hoàn thành 70% đề thi bởi phần lớn câu hỏi đều nằm trong chương trình đã học. Tất nhiên, nhiều câu đòi hỏi thí sinh phải hiểu sâu hơn về bản chất để có đáp án đúng.

Tuy nhiên, Chiến cũng tiết lộ, với hình thức trắc nghiệm, có một vài câu em không thực sự nhớ lý thuyết nhưng nhờ những gợi ý trong bài mà thí sinh có thể luận ra đáp án khả quan. “Em nghĩ mình làm được 70-80%. Thêm hai môn trước nữa. Có lẽ cũng có hy vọng đỗ” - Chiến cười nói.

Vui vẻ vì vượt qua môn cuối khá nhẹ nhàng cũng là tâm trạng của thí sinh Trần Khánh Linh khi bước ra khỏi điểm thi của Đại học Y Thái Bình. Linh cho biết, em ôn chính khối A nên đề thi môn Hóa không phải là một thách đố nặng nề. Theo Linh, các bạn trong phòng em cũng làm bài khá tốt và đa số là dân khối A "lấn sân" khối B. "Em thích Đại học Mỏ và đã thi khối A vào trường này, nhưng bố mẹ và anh chị lại không muốn em theo học vì sợ vất vả. Nếu đỗ cả hai trường, em sẽ cân nhắc thêm" - Linh phấn khởi nói.

Về đề thi môn Hoá khối B sáng nay, thí sinh Đào Thị Hải Yến, ở Bắc Giang, dự thi trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Về lý thuyết vẫn bài tập thì rất sát chương trình. Các bạn cùng phòng em thì cũng làm được tương đối. So với đề hóa khối B năm ngoái, đề năm nay dễ hơn”.

Đề thi môn Ngoại ngữ ở cả tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga đều được nhiều thí sinh đánh giá là tương đối hay, có nhiều câu hỏi nâng cao, có tính chất phân loại. Tuy nhiên, nhiều thí sinh được hỏi cũng cho rằng, đề thi ngoại ngữ nếu chỉ học trong chương trình phổ thông thì khó đạt điểm cao.

Thí sinh Lê Thị Vân, dự thi khối D1 trường ĐH Hà Nội nói: Nói chung là đề năm nay tương đối như năm 2010. Phần này khó hơn thì phần khác dễ hơn. Tiếng Anh là môn năng khiếu của khối D nên cần phải học hết kiến thức ở ngoài hơn là chỉ ở trong sách. Nếu chỉ học ở sách giáo khoa chỉ được khoảng 5 điểm. Bởi vì môn tiếng Anh không như môn Toán hay các môn khác, học chương trình ở sách phổ thông là có thể làm được cơ bản”.

Theo báo cáo nhanh từ một số Hội đồng tuyển sinh, sáng nay, tại trường ĐH Công đoàn có một thí sinh bị đình chỉ vì sử dụng tài liệu khi thi môn Địa lý ở điểm thi ĐH Lao động Xã hội. Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội có một thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi.

Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, nhiều phụ huynh và thí sinh về quê luôn, dẫn đến tình trạng một số tuyến đường ở Hà Nội ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông đã có mặt kịp thời để phân luồng, không để ách tắc kéo dài.

** Tại Sơn La, sáng nay, trên 6.000 thí sinh thi các khối B, C, D ở trường Đại học Tây Bắc đã hoàn thành môn thi cuối cùng. Riêng các môn Thể dục và Năng khiếu thuộc các khối M, T nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức thi vào ngày mai (11/7).

Đánh giá sơ bộ của Hội đồng tuyển sinh nhà trường cho biết, kỳ tuyển sinh ĐH năm nay tại trường đã thành công tốt đẹp. Trong cả hai đợt thi, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại 2 cụm thi của trường ở thành phố Sơn La và huyện Thuận Châu đều được đảm bảo. Tổng hợp trong 2 đợt, tại Hội đồng thi trường ĐH Tây Bắc có 16 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó 6 thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu vào sử dụng trong phòng thi.

PGS, TS, Nhà giáo Nhân dân Đặng Quang Việt, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Tây Bắc cho biết: “Năm nay, tỷ lệ thí sinh dự thi vào trường đạt 82%. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước và sự giúp đỡ của các sở, ban ngành của tỉnh Sơn La, đặc biệt là lực lượng công an thì chúng tôi đã tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Đến giờ phút này, đánh giá một cách tổng quát thì kỳ thi tuyển sinh năm 2011 ở trường ĐH Tây Bắc đã diễn ra một cách hết sức thuận lợi và đạt kết quả tốt đẹp”.

Niềm vui nở rộ trên khuôn mặt thí sinh khi làm được bài thi

Thí sinh mang điện thoại di động giảm

Sáng nay, các thí sinh ở khu vực miền Trung thi môn cuối cùng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2, với tỷ lệ dự thi đạt trên 86%. Nhìn chung, kỳ thi đã diễn ra suôn sẻ, nghiêm túc. Tình trạng vi phạm quy chế thi đã hạn chế đáng kể so với đợt 1.

Sau những ngày nắng nóng gay gắt, sáng nay, thời tiết tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung có phần dịu mát, thuận lợi cho thí sinh làm bài thi. Cùng với đó, việc tổ chức thi vào 2 ngày nghỉ cuối tuần cũng đã khắc phục được tình  trạng kẹt xe gây ùn tắc giao thông vào trước và sau mỗi buổi thi.

Rút kinh nghiệm từ những sai sót ở khâu giám thị ở đợt 1, ngay trước kỳ thi đợt 2, các Hội đồng thi tại khu vực miền Trung đã tổ chức tập huấn, quán triệt kỹ nội quy, quy chế thi đến từng cán bộ giáo viên và thí sinh dự thi. Nhiều nơi còn tổ chức các điểm giữ điện thoại di động cho thí sinh. Nhờ đó, trong đợt 2 này không có trường hợp giám thị nào vi phạm quy chế, tình trạng thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng  cũng đã giảm đáng kể.

Theo báo cáo nhanh của Hội đồng thi ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, kỳ thi đợt 2 đã diễn ra an toàn, đúng quy chế, kỷ luật trường thi được siết chặt.

Kết thúc đợt 2, tại ĐH Đà Nẵng, Huế, Nha Trang và cụm thi liên trường thành phố Quy Nhơn, có 16 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó có 5 trường hợp bị đình chỉ do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi, 4 cảnh cáo và 7 trường hợp bị khiển trách. Như vậy, kết thúc 2 đợt thi ĐH, CĐ, tại miền Trung có 28 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó có 17 trường hợp bị đình chỉ do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi. Ông Nguyễn Văn Toàn Chủ tịch Hội đồng thi ĐH Huế cho rằng: “Để có kỳ tuyển sinh tốt thì công tác chuẩn bị hết sức quan trọng. Đặc biệt là biên soạn những tài liệu liên quan đến xử lý tình huống mà các kỳ thi trước vấp phải. Trong quá trình thi, tất cả những tình huống đều báo về hội đồng tuyển sinh nên đến giờ phút này, không có trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Theo nhận xét của phần đông thí sinh tại khu vực miền Trung, đề thi ĐH, CĐ đợt 2 bám sát chương trình và có phần nâng cao để phân loại trình độ thí sinh.

Em Nguyễn Thành Phương, ở Đắk Lắk, dự thi vào khối D trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng nhận xét: Đề thi khá bám sát chương trình. Toán có câu 3 và câu 5 khó, có khả năng phân loại học sinh; Đề thi môn văn thì rất hay, đặc biệt là câu hỏi về nghị luận xã hội, có thể giúp học sinh liên hệ thực tế. Còn đề thi Anh văn thì phần ngữ pháp và từ vựng khá khó đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức và làm nhiều bài tập, có khả năng phân loại học sinh rất cao.

TP HCM: Công tác coi thi nghiêm túc

Sáng 10/7, các thí sinh tại cụm thi TP HCM tiếp tục đến 199 điểm thi thuộc 22 trường đại học để bước vào các môn thi cuối cùng của đợt thi thứ 2, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011

Sáng nay, tình hình giao thông và thời tiết tại TP HCM thuận lợi. Do buổi thi đúng vào ngày nghỉ nên lượng xe lưu thông ít hơn, vì thế không có thí sinh nào đến muộn vì lý do kẹt xe. Thời tiết mát mẻ, trời nắng nhẹ cũng giúp cho các thí sinh và phụ huynh rất nhiều trong việc làm bài và chờ đợi con em mình.

Trong buổi sáng, các thí sinh thi môn hóa ở khối B, môn tiếng Anh ở khối D theo hình thức trắc nghiệm, thời gian 90 phút. Thí sinh dự thi khối C thi môn địa lý theo hình thức tự luận với thời gian làm bài 180 phút. Theo nhận xét của các thí sinh, đề môn Hóa dài và có nhiều câu khó, trong khi đó, đề Anh văn cũng được các thí sinh nhận xét là không khó lắm nhưng khá dài, ít có thí sinh nào hoàn thành trọn vẹn bài thi và ra sớm như các buổi thi trước.

Em Đỗ Lê Thùy Dung quê Lâm Đồng, thi vào ngành kinh tế đối ngoại, trường ĐH Ngoại thương, cơ sở 2 cho biết: “Em thấy đề không khó lắm. Hai môn trước, em làm không tốt lắm, môn Văn ở mức bình thường nhưng Toán thì tương đối khó. Công tác coi thi nghiêm túc, các thầy cô tận tình, chu đáo”.

** Sáng nay, tại 2 hội đồng thi tuyển sinh ĐH ở tỉnh Đồng Nai là trường ĐH Lạc Hồng và trường ĐH Đồng Nai, gần 5.000 thí sinh tham gia dự thi thi các khối B, C, D đã hoàn thành môn thi cuối cùng của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Tại Trường ĐH Lạc Hồng có 78,7% số thí sinh dự thi trong số trên 3.270 thí sinh đăng ký, trong đó khối B đạt cao nhất 80,2%, thấp nhất là khối C 71,7%. Qua 3 buổi thi không có trường hợp thí sinh và giám thị nào vi phạm Quy chế thi.

Ông Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho biết: “Nhà trường đã hướng dẫn quy chế chặt chẽ, cẩn thận, nhắc nhở thí sinh và các thầy cô giáo coi thi để tránh sai sót. Chỉ những gì được phép mang vào phòng thi thì mang vào, tránh việc lập biên bản làm ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Nhìn chung, kỳ thi nghiêm túc, an toàn không có sự cố gì xảy ra”.

Còn tại trường ĐH Đồng Nai có 81% số thí sinh dự thi trong tổng số 1.875 thí sinh đăng ký. Hội đồng thi nhà trường đã phát hiện và đình chỉ thi 2 trường hợp thí sinh mang điện thoại và mang tài liệu vào phòng thi.

Ông Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Đồng Nai nhận định: “Xác định đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức thi tuyển sinh nên từ lãnh đạo đến cán bộ giảng viên rất quan tâm chuẩn bị kỳ thi tốt và coi thi tốt. Nhìn chung là an toàn và nghiêm túc, đảm bảo đúng theo quy chế của Bộ Giáo dục - Đào tạo”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên