Lùm xùm vụ khoá cổng trường không cho học sinh vào học ở Kiên Giang

VOV.VN -Việc hơn 100 học sinh thuộc điểm trường Ngã Sáu, tỉnh Kiên Giang phải nghỉ học do bị chủ đất đóng cửa trường đang khiến người dân lo lắng.

Liên quan đến việc hơn 100 học sinh mẫu giáo, tiểu học thuộc điểm trường Ngã Sáu, xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang phải nghỉ học do bị chủ đất đóng cửa trường trong 3 ngày (từ ngày 9-11/10), sáng 12/10, sau khi được chính quyền địa phương vận động và Phòng giáo dục cam kết đưa học sinh về trường học đông đủ, bà Nguyễn Thị Măng, chủ đất đã mở cổng điểm trường Ngã Sáu (trước là trường THCS Bình Minh) ở xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã để các cháu vào học.

Trước mắt, địa phương cũng chỉ vận động được 9 học sinh lớp 1 và 8 học sinh lớp 2 từ trường Tiểu học Tân Thuận 2 thuộc xã Vĩnh Thuận về điểm trường này học. Theo bà Măng, nếu học sinh đến trường lác đác và ngành giáo dục không thực hiện đúng cam kết trong việc vận động học sinh đến trường, vẫn bỏ trống phòng học thì bà sẽ còn đóng cửa trường lần nữa.

Bà Nguyễn Thị Măng, chủ đất hiến đất xây dựng trường bên ngôi trường THCS Bình Minh cũ

Nhiều khuất tất quanh ngôi trường mới

Sở dĩ có câu chuyện đóng cửa trường là do trước đó, Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận chuyển toàn bộ học sinh, thầy cô trường THCS xã Bình Minh về trường Tiểu học – THCS thị trấn Vĩnh Thuận. Ngôi trường cũ bị bỏ hoang trong nửa năm học còn lại và chuyển thành điểm phụ của trường Tiểu học Bình Minh với tên gọi điểm trường Ngã Sáu. Sau đó, ngành Giáo dục vận động được hơn 100 em học sinh tiểu học và mẫu giáo từ trường ở xã khác đến học, trường vẫn còn bỏ trống vài phòng học. Từ đó, bà Nguyễn Thị Măng, người hiến đất bức xúc nên đóng cửa trường.

Ngôi trường mới mà các em học sinh THCS xã Bình Minh bị buộc phải chuyển về học là trường Tiểu học – THCS thị trấn Vĩnh Thuận cách đó hơn 4km.  

Khoảng tháng 8/2013, trường hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng không hoạt động cho đến đầu học kỳ 2 năm học 2015 – 2016, Phòng Giáo dục huyện quyết định chuyển toàn bộ học sinh, giáo viên từ trường THCS Bình Minh về trường này, gây xáo trộn mạnh đến việc học tập, đi lại của học sinh trên địa bàn xã; khiến việc học của học sinh xã Bình Minh phải chịu tốn kém cho việc đi học xa nhà, thậm chí nhiều cháu phải bỏ học giữa chừng.

Trường Tiểu học và THCS thi trấn Vĩnh Thuận

 

Tổng số học sinh của trường THCS Bình Minh chuyển về trường tiểu học – THCS thị trấn là 192 em, đến cuối năm học có 12 em học sinh bỏ học, 14 em chuyển đến trường khác. Đến năm học 2016-2017, ngôi trường mới chỉ còn 187 học sinh, cuối năm học có thêm 9 em bỏ học, 8 em chuyển trường.

Ông Phan Văn Đoàn, một phụ huynh có con nghỉ học nói: “Gia đình tôi khổ quá, hồi đó ở đây học cấp hai, cháu mới học tới lớp 7 thì  phải chuyển trường đi xuống dưới, gia đình cũng khổ không có điều kiện sắm xe cho cháu đi học nên cháu nghỉ luôn. Đi xa học thì chi phí cũng nhiều, lo không nổi”.

Còn bà Phạm Thị Hằng, một phụ huynh ở trường THCS Bình Minh đã cho con nghỉ học khi đang học lớp 8 bức xúc: “Nhà bà ở gần, chỉ cần bơi xuồng qua sông là tới trường. Dù rất nghèo nhưng bà vẫn cố gắng cho con đi học. Nhưng việc bắt các cháu học trường khác, xa tới mấy cây số là quá vô lý. Bởi nếu các cháu đi xe đạp thì nguy hiểm, mà xe buýt  mỗi ngày phải tốn từ 10.000 đến 20.000 đồng nên bà đành cho con nghỉ học.

“Hồi đó nói học hết lớp 9, rồi chuyển trường tôi lo không nổi, bữa nào cũng đi xe buýt, còn không thì phải sắm xe, mà sắm xe cho con gái đi tôi rầu quá, sợ lắm vì đi đường phức tạp quá, tôi không cho đi nữa”. 

Có dấu hiệu hợp thức hoá hồ sơ?

Theo hồ sơ mà ông Huỳnh Minh Tâm, Trưởng phòng giáo dục huyện cung cấp cho phóng viên thì ngày 6/5/2016 UBND thị trấn Vĩnh Thuận làm tờ trình xin thành lập trường. Trong đề án xin thành lập, trường có diện tích 30 ngàn m2, quy mô 13 lớp, trong đó có 5 lớp tiểu học và 8 lớp THCS với 280 em. Ngày 7/6/2016, UBND huyện ra quyết định số 746 đồng ý cho thành lập trường tiểu học và THCS thị trấn Vĩnh Thuận.

Trong đề án xin thành lập, UBND thị trấn cho rằng, việc “xin thành lập thêm trường tiểu học và THCS thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em của thị trấn học  tập, đáp ứng nhu cầu phát triển đào tạo nhân lực tại chỗ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các địa bàn lân cận”.

Quy trình làm hồ sơ thủ tục xin thành lập trường từ tờ trình, đề án của thị trấn, của phòng giáo dục  đến quyết định thành lập của UBND huyện chỉ vỏn vẹn 1 tháng. Thời gian nhanh kỷ lục.

Tuy nhiên, điều bất thường là trường đã xây dựng và hoàn thành từ trước đó gần 3 năm, tức tháng 8/2013 nhưng đến 9/2015 UBND huyện mới ra quyết định phê duyệt tổng mặt bằng công trình nhà trường.

Từ năm 2013 đến nay, trường không tuyển sinh được bất cứ lớp tiểu học nào, còn học sinh THCS thì gần như là học sinh của xã Bình Minh bị buộc chuyển sang.  Trong khi đề án thành lập trường này chủ yếu là để phục vụ cho con em thị trấn.

Để hợp thức hoá cho câu chuyện này, sau khi học sinh xã Bình Minh bị bắt buộc chuyển về trường thị trấn học hơn 1 năm, phòng giáo dục huyện mới làm tờ trình xin giải thể trường THCS Bình Minh. Trong đó, phòng giáo dục lấy lý do giải thể là “qua 12 năm hoạt động, hàng năm quy mô trường chỉ ở mức 6 lớp học THCS với gần 200 học sinh.

Do điều kiện dân cư sống phân tán, cách xa trường nên  trường THCS Bình Minh không có khả năng để mở rộng quy mô. Nhưng trong biên bản họp phụ huynh học sinh ( ngày 20/4/2016) do Hiệu trưởng Nguyễn Phước Thủy làm Chủ tọa thì lại nêu lý do giải thể là : “Trường chỉ còn 173 học sinh/7 lớp so với điều lệ thì số lượng học sinh quá ít  không đủ điều kiện hoạt động cho 1 trường THCS. Từ đó, lãnh đạo phòng giáo dục chỉ đạo nhà trường tổ chức họp PHHS để lấy ý kiến giải thể trường THCS Bình Minh”.

Ông Huỳnh Minh Tâm, Trưởng phòng giáo dục huyện Vĩnh Thuận cho rằng: “Lý do chính là mình thực hiện công tác phổ cập tạo điều kiện vận động số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở khu vực đó. Thứ hai là giải thể trên cơ sở hướng dẫn là trước khi muốn thành lập trường mới thì phải giải thế trường kia”.

Ngay cả bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, Phó phòng phụ trách chuyên môn của Phòng giáo dục huyện Vĩnh Thuận cũng cho rằng, bản thân không hề biết thời điểm chuyển trưởng và cho rằng tới đây xã Bình Minh sẽ gặp khó khăn trong việc phổ cập THCS cho con em trên địa bàn khi xã không còn trường THCS.

Xây dựng gấp gáp, chuyển học sinh gấp gáp, nhưng đến nay gần 5 năm, phòng giáo dục vẫn chưa làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà trường, các thủ tục như giấy phép xây dựng, biên bản thẩm định công trình…vẫn chưa xong. Đặc biệt, trước đó, vào khoảng năm 2012, ông Huỳnh Minh Tâm, Trưởng phòng giáo dục huyện ký hợp đồng mua bán đất với các hộ dân có đất nằm trong khu vực xây dựng trường.

Một người dân cho biết: “Chúng tôi bán hơn 12 công đất cho ông Tâm để xây dựng trường bằng hợp đồng mua bán. Tôi nhận tiền mặt tại phòng giáo dục. Khi nhận tiền, chúng tôi giao bằng khoán đất cho ông Tâm, chúng tôi không nhận biên lai gì cả. Khi ông Tâm đến mua đất chúng tôi bán mỗi công 2 cây vàng nhưng khi tính tiền thì tính 1.296m2 là 1 công chứ không phải 1.000m2”.

Trường THCS Bình Minh được xây dựng từ tấm lòng của bà Nguyễn Thị Măng khi bà hiến hơn 4.000m2 (đất mặt tiền quốc lộ 63) xây trường. Sau đó, một công dân Mỹ vì tình hữu nghị Việt – Mỹ đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nên ngôi trường THCS Bình Minh.

Biệt thự và dãy nhà của một lãnh đạo Phòng giáo dục huyện đang được xây dựng án ngữ ngay trước cổng trường và dọc theo con đường dẫn vào trường Tiểu học – THCS thị trấn

Lấy lý do học sinh ít để giải thể một ngôi trường được xây dựng bằng sự tâm huyết và đóng góp của những tấm lòng vàng rồi chi tiền tỷ từ ngân sách để xây dựng một ngôi trường khác nhưng cũng chỉ dạy học cho gần 200 em học sinh như ở ngôi trường cũ, gần như không tuyển sinh được học sinh mới ở thị trấn.

Trong khi ngôi trường tiểu học THCS thị trấn chưa xong về một số thủ tục pháp lý thì ngay trước cổng trường, một ngôi thiệt thự lớn và dãy ki-ốtcủa một lãnh đạo Phòng giáo dục huyện Vĩnh Thuận đang được xây dựng. Gia đình bà Măng và nhiều phụ huynh băn khoăn đặt vấn đề: liệu trong việc xây mới trường tiểu học và THCS thị trấn có điều gì khuất tất? Điều này rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra để làm rõ./.

                           

                                                
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều khu đô thị mới ở TPHCM không có quy hoạch trường học
Nhiều khu đô thị mới ở TPHCM không có quy hoạch trường học

VOV.VN - Dù TPHCM đã tăng số phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, nhiều khu đô thị mới xây dựng không có quy hoạch trường học.

Nhiều khu đô thị mới ở TPHCM không có quy hoạch trường học

Nhiều khu đô thị mới ở TPHCM không có quy hoạch trường học

VOV.VN - Dù TPHCM đã tăng số phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, nhiều khu đô thị mới xây dựng không có quy hoạch trường học.

Vì sao phụ huynh, giáo viên phản đối mô hình trường học mới VNEN?
Vì sao phụ huynh, giáo viên phản đối mô hình trường học mới VNEN?

VOV.VN - Thời gian qua, mô hình trường học mới VNEN đã tạo ra những luồng dư luận trái chiều, sự phản đối trong phụ huynh, và cả giáo viên.

Vì sao phụ huynh, giáo viên phản đối mô hình trường học mới VNEN?

Vì sao phụ huynh, giáo viên phản đối mô hình trường học mới VNEN?

VOV.VN - Thời gian qua, mô hình trường học mới VNEN đã tạo ra những luồng dư luận trái chiều, sự phản đối trong phụ huynh, và cả giáo viên.

Tiền Giang yêu cầu giải quyết vụ doanh nghiệp đóng cửa trường học
Tiền Giang yêu cầu giải quyết vụ doanh nghiệp đóng cửa trường học

VOV.VN -Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ trì cuộc họp với UBND thành phố Mỹ Tho để giải quyết vụ doanh nghiệp đóng cửa trường học.

Tiền Giang yêu cầu giải quyết vụ doanh nghiệp đóng cửa trường học

Tiền Giang yêu cầu giải quyết vụ doanh nghiệp đóng cửa trường học

VOV.VN -Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chủ trì cuộc họp với UBND thành phố Mỹ Tho để giải quyết vụ doanh nghiệp đóng cửa trường học.