Người “dì” của sinh viên Việt Nam tại Nantes (Pháp)

Dì Bảy cho biết, chừng nào còn sức lực, dì vẫn sẽ tiếp tục là chỗ dựa những sinh viên Việt Nam xa nhà trong hành trình trau dồi tri thức để xây dựng quê hương  

Vào thời điểm này, nhiều sinh viên Việt Nam đã rời xa gia đình và bắt đầu những ngày du học đầu tiên tại một đất nước xa lạ. Trong những thời điểm khó khăn, nhiều sinh viên Việt Nam đã nhận được sự giúp của bà con Việt kiều sống ở nước bản địa.

Thành phố Nantes yên bình ở phía Tây nước Pháp từ nhiều năm qua là nơi học tập của trên 100 sinh viên Việt Nam. Đến từ nhiều địa phương và theo học nhiều ngành khác nhau, nhưng một điểm chung của các sinh viên Việt Nam là đều gặp khó khăn khi phải một mình lo toan cuộc sống mới ở nước ngoài, không còn sự quan tâm chăm sóc trực tiếp của gia đình và người thân. Bạn Quang Hải, sinh viên kiến trúc trường Đại học Nantes có lẽ là người hiểu rõ khó khăn của sinh viên xa nhà. Không may bị ốm nặng khi mới qua Pháp chưa được 2 tuần, Quang Hải gần như không còn hy vọng tiếp tục học tập nếu không có sự giúp đỡ của dì Bảy. Không phải người ruột thịt, cũng không có họ hàng thân thích, nhưng dì Bảy vẫn tận tình giúp đỡ.

Quang Hải kể: “Em mới qua Pháp nên không biết đường xá nên cứ mỗi sáng dì lại dùng ôtô đưa em đến bệnh viện, phiên dịch giúp, hỏi kết quả xét nghiệm và giờ giấc. Thậm chí, có ông bác sĩ là học sinh ngày xưa của dì nên ông ấy rất nhiệt tình”.

Dì Bảy

Chính nhờ có sự giúp đỡ và những mối quan hệ của dì Bảy, Quang Hải đã vượt qua những ngày khó khăn đầu tiên trên đất Pháp và tiếp tục việc học cho tới nay. Mỗi khi có dịp, Quang Hải lại tới thăm nhà dì Bảy và coi đây như gia đình thứ hai của mình.

Ở Nantes, ít sinh viên Việt Nam biết tên thật của dì Bảy là Lê Ngọc Hương. Ai cũng chỉ biết rằng, dì Bảy năm nay đã ngoài 70 tuổi, sống ở Pháp đã mấy chục năm. Dì từng là Phó Giáo sư dạy ở trường Đại học Y thành phố Nantes. Và có lẽ điều điều đặc biệt mà các sinh viên đều biết, đó là cứ sinh viên Việt Nam nào cần sự giúp đỡ, dì Bảy sẽ có mặt.

Ngôi nhà mang đậm chất Việt Nam của dì Bảy, nơi có bàn thờ tổ tiên và những vật phẩm từ Việt Nam, lâu nay là điểm gặp mặt của các sinh viên Việt Nam du học ở Nantes. Đến đây, các bạn sinh viên như tìm được hơi ấm của quê hương và vơi đi nỗi nhớ nhà. Mọi hoạt động của chi hội sinh viên Việt Nam tại thành phố Nantes đều có sự tham gia của dì Bảy, vừa với tư cách khách mời, lại đồng thời là người giúp sức tích cực trong công tác tổ chức.

Bạn Nguyễn Phương Nga, nghiên cứu sinh năm thứ hai ngành ngôn ngữ Đại học Nantes cho biết: “Các dịp sinh viên chúng em tổ chức dạ hội như ngày 8/3, lễ đón sinh viên mới, Tết... thì khách mời số một chúng em nghĩ tới là dì Bảy. Dì Bảy không biết hết tên chúng em đâu nhưng chúng em thì ai cũng biết gì. Em có thể khẳng định như thế!”.

Được hỏi lý do nào khiến Dì lại dành nhiều sự quan tâm, thời gian và vật chất cho những sinh viên Việt Nam như vậy, dì Bảy chỉ cười và giải thích một cách đơn giản: “Tại vì tôi thương sinh viên Việt Nam. Thấy sinh viên Việt Nam đến Pháp học tập mà không có người giúp đỡ thì tôi giúp. Ai có vấn đề gì khó khăn thì giúp, vì đó là người Việt Nam. Tôi cũng hy vọng là tất cả các sinh viên qua đây học tập về sẽ thành công để giúp cho đất nước”.

Vì những hoạt động giúp đỡ sinh viên Việt Nam và đóng góp cho việc thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa Pháp với trong nước, ngày 6/9, dì Bảy đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng thưởng bằng khen. Đây là một sự ghi nhận đối với những đóng góp của dì Bảy đối với quê hương đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên