Bài 2:

Những hệ lụy của việc cho trẻ học trước vào lớp 1

(VOV)-Thấy học sinh đọc thông, viết thạo, nhiều thầy cô giáo đã cắt xén chương trình để dạy cái khác hoặc học nâng cao, gây nên sự quá tải.

* Bài 1: Bất chấp lệnh cấm, lớp học cho trẻ vào lớp 1 vô tư hoạt động

Mặc dù Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có quy định yêu cầu Sở GD-ĐT các địa phương cấm dạy trước cho trẻ vào lớp 1 nhưng tình trạng các lớp học luyện chữ, dạy trước vẫn diễn ra tràn lan và khó kiểm soát.

Để xảy ra tình trạng trên, theo bà Ngô Thị Hợp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), nguyên nhân đầu tiên thuộc về phụ huynh. Nhiều phụ huynh quá lo lắng và kỳ vọng vào con, muốn con họ phải hơn con người khác. Vì vậy, nhiều người đã cho con mình nghỉ học lớp mẫu giáo lớn hoặc nghỉ kỳ 2 của chương trình mẫu giáo lớn để rồi “ép” các bé phải luyện chữ, làm toán sớm.

“Cầu” nhiều thì “Cung” ắt hẳn sẽ có. Việc phụ huynh đua nhau tìm lớp học trước cho con thì sẽ có các thầy cô giáo sẵn sàng giảng dạy. Với nhiều thầy cô, nếu chỉ trông vào mức lương công chức thì không đủ đảm bảo cuộc sống gia đình, nhất là khi giá cả sinh hoạt, thực phẩm luôn có sự biến động nên việc dạy học thêm cũng là khoản thu nhập tương đối để họ ổn định đời sống.

Nhiều trẻ mới bước chân vào lớp 1 đã đọc thông, viết thạo, làm Toán giỏi


Học thêm để đi thi và lấy bằng cấp

Một nguyên nhân khác quan trọng dẫn đến tình trạng học thêm, dạy thêm trước khi vào lớp 1 tràn lan là do một số trường Tiểu học có tổ chức tuyển chọn đầu vào ngay từ lớp 1. Những trường này được đánh giá là có chất lượng đào tạo tốt và thu phí cao hơn so với quy định thu ở trường công lập. Trong một số kỳ thi tuyển sinh vào lớp 1, nhiều người dân cho rằng, đề thi tương đối khó. Nếu không tìm thầy, tìm lớp học thêm cho trẻ thì các em khó để đỗ vào những trường được đánh giá là “danh tiếng” và có chất lượng cao.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV online, Phó Giáo sư Văn Như Cương- một giáo viên dạy Toán lâu năm và là người nhiều năm liền ôn luyện cho học sinh giỏi cũng đã phải thốt lên rằng: Đề thi đầu vào lớp 1 ở một số trường quá khó, thậm chí học sinh lớp 5, lớp 10 và tham gia cuộc thi thi “Đường lên đỉnh Olympia” cũng phải khó khăn mới tìm được lời giải.

Phó Giáo sư Văn Như Cương cũng nhấn mạnh: Hiện nay, cuộc chạy đua học thêm chủ yếu phục vụ cho mục đích đi thi để lấy bằng cấp và thành tích, đã làm lu mờ đi mục đích cơ bản là học để lấy kiến thức, học để làm người tốt và có việc làm, phục vụ cho bản thân, gia đình và xã hội. Qua đây cũng là bộc yếu kém của ngành Giáo dục khi không định hướng cho phụ huynh là cần giáo dục con em học tập và rèn luyện theo đúng sở trường, khả năng thực tế của bản thân.

Những lớp học trước vào lớp 1 đều là lớp học “chui”

Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT các địa phương luôn khẳng đã có công văn, chỉ thị cấm dạy trước cho trẻ vào lớp 1 và giao cho UBND quận (huyện), phường (xã) chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động dạy thêm ở địa phương mình. Tuy nhiên, theo Giáo sư Văn Như Cương, để xảy ra tình trạng giáo viên mở lớp dạy trước vào lớp 1 ở ngay tại gia đình hoặc ở một nơi khác, thu hút hàng chục học sinh thì không thể nói là chính quyền địa phương không biết. Chắc chắn có sự “thỏa hiệp”, “trao đổi” giữa các cô giáo, trường học và cán bộ thuộc UBND phường, xã.

Đồng ý với quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những giáo viên mở lớp dạy trước cho trẻ vào lớp 1 đều là vi phạm quy chế của Bộ GD-ĐT, bởi không ai, không cơ quan nào được cấp phép để họ dạy học. Các cô giáo mở lớp học thu hút đến hàng chục em chắc chắn là mở lớp dạy “chui’ có thể có sự bảo kê của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội lại cho rằng, UBND quận, phường sẽ rất khó khăn trong kiểm soát những giáo viên đã về hưu ở trong những con hẻm, ngõ ngách sâu, được người dân tin tưởng đưa con đến học với số lượng 2-3 cháu/lớp. Bởi vì UBND quận, phường còn có rất nhiều công việc phải làm chứ không phải lúc nào cũng “nhăm nhe” đi “rình” xem cô giáo nào dạy thêm ở đâu để xử phạt được.

Cho con học trước lớp 1 như “con dao hai lưỡi”

Bà Ngô Thị Hợp, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) cho rằng, chương trình giáo dục ở các trường mầm non là rất cần thiết cho sự hình thành nền nếp và kiến thức để cho các cháu chuẩn bị bước vào lớp 1. Ở lớp mẫu giáo lớn, trong 1 tuần, các cô giáo cũng đã sắp xếp từ 1-2 tiết để cho các cháu quen dần với bảng chữ cái và các con số từ 1-10, cách thức cầm bút và ngồi học cho đúng quy cách, ý thức giữ gìn vệ sinh và tự túc làm những việc có thể. 

Theo nhiều nhà quản lý giáo dục, phụ huynh cứ để cho trẻ vui chơi, phát triển tâm sinh lý tự nhiên theo đúng độ tuổi

Theo bà Ngô Thị Hợp, việc phụ huynh cứ chạy đua đưa con đi học trước lớp 1 là phản khoa học bởi vì khi trẻ em học trước và biết trước so với nhiều bạn khác thì khi vào học chính thức sẽ dẫn đến bệnh chủ quan và lười học. Nếu tình trạng này kéo dài thì về sau này còn đuối hoặc chậm hơn học sinh chưa học trước.

Phó Giáo sư Văn Như Cương cho rằng, việc học tập của một con người là quá trình rèn luyện suốt đời chứ không phải là trong chốc lát, thời gian ngắn. Chính vì vậy, phụ huynh không cứ gì phải “chạy ma-ra-tông” để tìm lớp học thêm và bắt con phải “chạy nước rút” từ trước khi vào lớp 1. Các ông bố, bà mẹ hãy để cho con mình được vui chơi, phát triển tâm sinh lý một cách tự nhiên theo đúng độ tuổi.

Thay vì cho con đi học trước, nhà trường cần có những buổi tư vấn cho phụ huynh cách thức giáo dục con những kiến thức cơ bản về nền nếp, lối sống, những gì là tốt nhất để chuẩn bị vào lớp 1.

Theo Phó Giáo sư Văn Như Cương, để khắc phục tình trạng dạy thêm trước cho trẻ vào lớp 1 thì nhà trường và chính quyền địa phương phải cương quyết kiểm soát chặt chẽ giáo viên dạy học trước. Ngoài ra, ngành Giáo dục nên cấm một số trường Tiểu học tổ chức thi đầu vào cho trẻ vào lớp 1.

Phải tăng cường kiểm soát chương trình giảng dạy cấp Tiểu học

Theo GS.TSKH Đào Trọng Thi, việc phụ huynh cho con học trước chương trình lớp 1 sẽ chỉ làm “hư” thầy cô giáo trong trường. Bởi vì, khi vào học chính khóa, giáo viên thấy nhiều học sinh đọc thông, viết thạo rồi sẽ giảng dạy lướt qua những kiến thức cơ bản và không nhiệt tình uốn nắn cho học sinh. Điều này sẽ khiến các cô có thể cắt xén chương trình học tập để chuyển sang những phần học khác hoặc làm bài tập nâng cao. Như vậy là việc cắt xén chương trình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những học sinh nào không được học trước lớp 1.

Dựa vào việc giao bài tập nâng cao, có nhiều cô giáo sẽ mở lớp dạy thêm. Nếu học sinh nào không đi học thêm sẽ không làm được bài tập, trong đó có cả những bài cô giáo đưa ra trong các kỳ thi học kỳ. Chính vì vậy, mới có tình trạng phụ huynh nháo nhào đưa con đi học thêm, bắt con học ngày, học đêm, thứ Bảy, Chủ nhật vẫn phải đi học thêm.

Ông Đào Trọng Thi nêu ý kiến: Để khắc phục tình trạng dạy thêm trước khi vào lớp 1 tràn lan thì phải bắt nguồn từ sự kiểm soát chương trình giảng dạy cấp Tiểu học. Sở GD-ĐT, UBND các quận (huyện), phường (xã) cần tăng cường thanh tra, kiểm soát chương trình giảng dạy cấp Tiểu học nói chung và lớp 1 nói riêng. Nếu thấy trường nào, giáo viên nào cắt xén chương trình chính khóa để tập trung giảng dạy cái khác, giảng dạy chương trình nâng cao dẫn đến quá tải thì phải xử lý ngay, xử lý cương quyết và triệt để.

Việc hạn chế học thêm trước cho bé vào lớp 1 sẽ chỉ có hiệu quả khi trường học, cô giáo giảng dạy theo đúng chương trình sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục ban hành.

Song song với việc kiểm soát giảng dạy chương trình học ở cấp Tiểu học, Bộ GD-ĐT nên yêu cầu các trường cấm giáo viên được dạy thêm cho chính học trò của lớp mình. Điều này sẽ khắc phục được thực trạng, học sinh phải đi học thêm của cô giáo thì mới biết được những bài tập cô giáo sẽ ra và mới đạt được điểm cao trong kỳ thi. Ngoài ra, cũng sẽ khắc phục được tình trạng học sinh phải học tập quá tải, quá khó so với độ tuổi và chương trình được Bộ GD-ĐT ban hành.

Để hạn chế giáo viên tổ chức dạy thêm nói chung và dạy trước cho trẻ vào lớp 1 thì Bộ GD-ĐT cần có sự nghiên cứu với những Bộ, ngành liên quan nhằm đảm bảo mức lương cho giáo viên có thể sống được bằng nghề, không phải dạy thêm.

Còn giáo viên nào dạy giỏi được phụ huynh và nhân dân tin tưởng gửi con học thêm thì phải đăng ký và phải vượt qua sự sàng lọc của trung tâm tổ chức dạy thêm. Trung tâm này phải được ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương cấp phép. Chương trình giảng dạy học thêm sẽ do Trung tâm ban hành và dưới sự kiểm soát, đồng ý của ngành giáo dục.

Tình trạng học thêm-dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1 còn dẫn theo những tiêu cực như “chạy trường, chạy lớp” cùng những hệ lụy trong công tác giảng dạy bậc Tiểu học. Những vấn đề này sẽ được phóng viên VOV online đề cập trong bài 3: Cho trẻ học trước lớp 1: Mua “đơn trái tuyến” giá nghìn đô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bé vào lớp 1
Bé vào lớp 1

Xúng xính trong bộ quần áo đồng phục học sinh mới, bé náo nức tới trường. Ngày khai giảng năm học, cánh cổng trường mở ra, bao niềm vui đón đợi bé vào lớp 1.

Bé vào lớp 1

Bé vào lớp 1

Xúng xính trong bộ quần áo đồng phục học sinh mới, bé náo nức tới trường. Ngày khai giảng năm học, cánh cổng trường mở ra, bao niềm vui đón đợi bé vào lớp 1.

Học thêm - Nỗi ám ảnh của trẻ lớp 1
Học thêm - Nỗi ám ảnh của trẻ lớp 1

Bất cứ ai có tâm huyết với việc dạy dỗ con trẻ đều cảm thấy xót xa khi chứng kiến những gương mặt ngây thơ vừa ngơ ngác, vừa mệt mỏi khi phải chen chúc vào những lớp học thêm.

Học thêm - Nỗi ám ảnh của trẻ lớp 1

Học thêm - Nỗi ám ảnh của trẻ lớp 1

Bất cứ ai có tâm huyết với việc dạy dỗ con trẻ đều cảm thấy xót xa khi chứng kiến những gương mặt ngây thơ vừa ngơ ngác, vừa mệt mỏi khi phải chen chúc vào những lớp học thêm.

Hà Nội quá tải vào lớp 1 đúng tuyến
Hà Nội quá tải vào lớp 1 đúng tuyến

Năm học 2011-2012, toàn thành phố Hà Nội sẽ có hơn 110.000 học sinh vào lớp 1.  

Hà Nội quá tải vào lớp 1 đúng tuyến

Hà Nội quá tải vào lớp 1 đúng tuyến

Năm học 2011-2012, toàn thành phố Hà Nội sẽ có hơn 110.000 học sinh vào lớp 1.  

Vào lớp 1 như thi đại học
Vào lớp 1 như thi đại học

Tỷ lệ chọi của các bé cũng gay cấn, căng thẳng không kém gì các sĩ tử thi đại học…

Vào lớp 1 như thi đại học

Vào lớp 1 như thi đại học

Tỷ lệ chọi của các bé cũng gay cấn, căng thẳng không kém gì các sĩ tử thi đại học…