Những thách thức của giáo dục ĐBSCL

Học sinh bỏ học, chất lượng giáo dục không đồng đều; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ… là những khó khăn lớn của giáo dục khu vực này. 

Sáng 19/10, tại tỉnh Trà Vinh, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị giao ban vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ I. Đến dự có đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, các Sở GD-ĐT của 12 tỉnh trong vùng. GS. TS. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì Hội nghị.  

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, từ đầu năm học đến nay, Sở GD-ĐT của 12 tỉnh khu vực ĐBSCL đã thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo về triển khai nhiệm vụ năm học trên địa bàn. Trong vùng hiện có 7/12 tỉnh đã triển khai Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Các tỉnh cơ bản làm tốt công tác đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới.

Toàn vùng có hơn 6.500 trường học, trong đó có gần 1.400 phòng học được sửa chữa, xây mới với tổng kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng việc học tập cho hơn 3,1 triệu học sinh trong vùng. Đặc biệt, bước vào năm học mới, các Sở GD-ĐT đã thực hiện tốt “3 công khai” đúng theo Thông tư 09 của Bộ GD-ĐT về chấn chỉnh tình hình lạm thu trong các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ những khó khăn lớn của các địa phương như: tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; biên chế trong ngành còn ít so với nhu cầu công việc; chế độ làm việc của giáo viên mầm non, nhân viên phục vụ ngành giáo dục còn bất cập; cơ sở vật chất, trường lớp vẫn còn khó khăn. Một số địa phương có lũ lớn, hoạt động dạy và học bị gián đoạn; chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Hội nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành, cũng như các giải pháp chống tình trạng học sinh bỏ học; đẩy nhanh tiến độ kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; xây dựng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học, quản lý giáo dục…

Phần lớn các Sở GD-ĐT đều cho rằng, việc cắt giảm mua sắm thiết bị, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên theo Nghị quyết 11 của Chính phủ áp dụng vào ngành giáo dục là không hợp lý, vì việc mua sắm thiết bị dạy học, việc xây trường, lớp là cần thiết cho một năm học.

GS. TS. Bùi Văn Ga cũng lưu ý, tình hình học sinh bỏ học sau đợt lũ có nguy cơ tăng cao, vì vậy các địa phương, các trường cần tiến hành mọi biện pháp cần thiết để giảm số lượng học sinh bỏ học ở các cấp, đặc biệt những cấp học đang trong giai đoạn phổ cập.

Nhân dịp này, lãnh đạo Sở GD-ĐT 12 tỉnh trong khu vực đã ký giao ước thi đua, đăng ký hoàn thành xuất sắc các lĩnh vực công tác trong năm học 2011-2012./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên