Phải vì lợi ích người học

Nhà báo Hải Yến, Trưởng phòng Chương trình Giáo dục - Đào tạo của Đài TNVN: Hãy đặt mục tiêu vì lợi ích người học, vì lợi ích cộng đồng và toàn xã hội, khi đó chúng ta sẽ có cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề đúng đắn.  

Là phóng viên có thâm niên theo dõi mảng giáo dục gần 30 năm, đồng thời giữ vai trò Trưởng phòng Chương trình Giáo dục - Đào tạo của Đài TNVN, chương trình từ lâu đã được đánh giá là có tính giáo dục cao, tạo được uy tín, sự tin cậy đối với người nghe. Nhà báo Hải Yến tâm sự những trăn trở về nghề…

- Theo chị, làm phóng viên phát thanh về lĩnh vực giáo dục bây giờ dễ hay khó?

Vừa dễ, vừa khó.  Tôi nói vậy là bởi, giáo dục đào tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, là chuyện của mọi nhà, được cả xã hội (XH) quan tâm. Theo dõi giáo dục đã lâu, tôi thấy chưa bao giờ giáo dục được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, chăm lo nhiều như bây giờ và cũng chưa bao giờ XH đòi hỏi ở giáo dục cao và nhiều như bây giờ. Cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen. Ngay công tác truyền thông về lĩnh vực giáo dục cũng được các cơ quan báo chí quan tâm, lực lượng phóng viên, cộng tác viên viết về giáo dục rất đông đảo. Nhưng chính lực lượng đông đảo này lại là áp lực đối với phóng viên. Anh không thể chậm trễ, hay lười nhác, khi các đồng nghiệp lăn lộn phát hiện vấn đề… Trong khi các đề tài giáo dục thì phong phú, đa dạng, nhưng lựa chọn được cách tiếp cận thế nào để thông tin mình đưa ra mang lại hiệu quả, cũng không đơn giản. Nhất là trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ các loại hình báo chí hiện nay, làm sao để các tin, bài của mình đảm bảo tính chính xác, kịp thời, đồng thời đảm bảo tính định hướng dư luận tốt của cơ quan truyền thông lớn của Chính phủ là điều không đơn giản. Cho dù theo dõi giáo dục đã lâu, nhưng để thực hiện song hành cả hai yêu cầu: tính thời sự và tính chuyên sâu trong mỗi bài viết, mỗi chương trình vẫn là một yêu cầu khó, phải phấn đấu.

Với các bạn phóng viên trẻ bây giờ, tôi còn thấy họ có cái khó, cái lúng túng trong tác nghiệp, nhất là việc tiếp cận các “đối tác” giáo dục. Ở đây có nguyên nhân do tay nghề, những hiểu biết của phóng viên về giáo dục chưa sâu, chưa đầy đủ, cộng thêm chiếc micro và máy móc ghi âm cồng kềnh khiến nhiều “đối tác” dè dặt trong làm việc, thậm chí có người né tránh phóng viên. Kết quả thì bạn biết rồi, khi không có nguồn tin chính thống, phóng viên phải tự tìm tòi, mày mò, rất khó tránh được tình trạng viết theo kiểu “thầy bói xem voi” không đi vào bản chất sự việc, hiện tượng… Giáo dục là vấn đề XH nhạy cảm, nếu thông tin đưa ra không chính xác, rất nguy hiểm, dễ gây hoang mang, bất ổn XH.

Nhà báo Hải Yến

- Những vấn đề giáo dục gây bức xúc cho xã hội hiện nay thường xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau, vậy theo chị, phóng viên cần làm gì để có thông tin chính xác, đúng bản chất sự việc?

Giáo dục là chuyện “sát sườn” của mọi người, mọi nhà, nên dường như ai cũng có thể bàn thảo, phê phán, góp ý. Có lẽ, vì theo dõi giáo dục đã lâu, nên tôi luôn luôn giữ được bình tĩnh khi lắng nghe các luồng ý kiến khác nhau, nhất là các ý kiến phản biện. Tuy nhiên, để đưa ra được những thông tin chính xác, kịp thời, mang tính định hướng cao, phóng viên phải nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước, chú ý thiết lập mối quan hệ tốt với ngành giáo dục (từ Bộ xuống đơn vị trường học), các chuyên gia. Đặc biệt là phải đeo bám các hoạt động giáo dục, nắm bắt kịp thời những phản hồi từ đời sống giáo dục ở các cơ sở… Hãy đặt mục tiêu: vì lợi ích người học, vì lợi ích cộng đồng và toàn xã hội, khi đó chúng ta sẽ có cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề đúng đắn.

- Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình báo chí, nhưng nhiều năm qua, Chương trình Giáo dục - Đào tạo của Đài vẫn tạo được uy tín, độ tin cậy và kéo thính giả đến với mình, theo chị bí quyết là gì?

Cái khó của người làm phát thanh hiện nay là làm sao phải vừa nhanh, vừa đúng, lại phải sâu, đó chính là thách thức không nhỏ, mà nếu phóng viên không có sự say mê nghề nghiệp, không am hiểu giáo dục thì khó đáp ứng được. Mỗi phóng viên trong phòng tôi đều ý thức được điều này. Với tôi, họ là các chuyên gia trên từng cấp học, bậc học… Chúng tôi thường xuyên thảo luận, trao đổi, kể cả phản biện lẫn nhau về các vấn đề giáo dục nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề, nhất là những vấn đề gai góc của ngành như: thi cử, chương trình SGK, đổi mới phương pháp giảng dạy…

Với vai trò là người phụ trách phòng, tôi thường xuyên cập nhật các chủ trương và những hiểu biết về ngành giáo dục. Luôn cẩn thận trong từng thông tin, nhất là trong khi duyệt chương trình. Cũng chính vì vậy, các chương trình phát thanh Giáo dục - Đào tạo, nhìn chung không có sai sót. Sự thành công của Chương trình phát thanh Giáo dục - đào tạo hôm nay chính là tạo được uy tín, sự tin cậy của đông đảo bạn nghe đài xa gần. Mỗi người ở những vị trí khác nhau, nhưng cùng chung trách nhiệm với làn sóng của Đài, trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”, đặc biệt luôn đặt lợi ích người học, lợi ích xã hội lên hàng đầu, cho nên đứng trước những luồng thông tin trái chiều, họ vẫn lựa chọn được cách tiếp cận phù hợp, đảm bảo định hướng đúng trong tuyên truyền, đồng thời có sức thuyết phục và hấp dẫn người nghe.

- Chị là người hiểu rất sâu và thấu đáo về lĩnh vực giáo dục, vậy theo chị, cần làm gì để tạo sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng trong năm học này?

Theo tôi, Bộ Giáo dục - Đào tạo xác định chủ đề cho năm học 2009-2010: “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” là sáng suốt và đúng đắn. Bởi, trong suốt hơn 20 năm đổi mới đất nước, chúng ta đã thực hiện việc xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, nhưng quản lý về giáo dục vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, vì về cơ bản vẫn chưa có sự thay đổi gì. Cái cần quản lý thì không quản lý được, cái cần phân cấp thì lại ôm đồm, làm thay…

Theo tôi, cùng với những đổi mới mạnh mẽ về quản lý, cần có giải pháp đủ mạnh để xây dựng và nâng cao chất lượng cả về phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, đến trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Vì không ai khác, họ chính là nhân tố trực tiếp làm nên chất lượng giáo dục, quyết định sự mạnh - yếu về nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước cũng như tiến trình hội nhập quốc tế của chúng ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên