Phân ban, vẫn học lệch?

Năm học 2008-2009, tỷ lệ chọn ban cơ bản tăng lên 83,84%, ban KHTN còn 14,2% và ban KHXH&NV còn chưa đến 2%...

Sau ba năm thực hiện chương trình phân ban THPT đại trà, ban cơ bản và lựa chọn học nâng cao các môn theo khối A, B, C, D, đã trở thành sự lựa chọn số 1 của đa số học sinh (vì nó vừa đáp ứng cho mục đích tốt nghiệp THPT, vừa cho tuyển sinh đại học) trong khi những ban còn lại (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) đang có nguy cơ bị xóa sổ.

Giáo viên… “đuối”

Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, tại tổ chức hội thảo “Đánh giá ba năm chương trình - sách giáo khoa (SGK) trung học phổ thông”, Bộ GD-ĐT đã thừa nhận, mặc dù tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn là gần 98%, nhưng thực tế khi giảng dạy, vẫn còn một bộ phận giáo viên bị xếp loại yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ giáo viên hiện nay vẫn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là ở vùng khó khăn còn thiếu nhiều giáo viên ở một số môn. Nhìn chung, đội ngũ chưa được chuẩn bị tốt về kỹ năng đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá.

Sự lựa chọn ban học của học sinh vẫn tạo độ chênh lệch

Ông Nguyễn Trường Giang, Hiệu trưởng Trường chuyên Lào Cai nêu ví dụ: “Bộ đổi mới cách dạy, cách học, tránh “đọc - chép” nhưng mới chỉ tuyên truyền ở việc định hướng, nhiều giáo viên yếu kém dạy máy móc sẽ làm cho chương trình thêm nặng và rất khó thay đổi phương pháp học…”.

Theo lý giải của Bộ, một trong các nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống các trường sư phạm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên vẫn còn bất cập giữa các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất với quy mô đào tạo, yêu cầu nâng cao chất lượng. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phương pháp dạy học của các trường sư phạm còn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học ở phổ thông.

Trong khi tiến hành đổi mới giáo dục phổ thông, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ, đặc biệt ở vùng khó khăn tỉ lệ giáo viên chưa chuẩn còn cao; Giáo viên vừa yếu lại vừa thiếu, chưa đồng bộ về loại hình đào tạo; Một bộ phận không nhỏ giáo viên các cấp học còn non yếu để đáp ứng yêu cầu khi phải dạy chương trình SGK mới.

Chương trình - SGK đều nặng

Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Trung học (Bộ GD- ĐT), thừa nhận: “Nội dung ở một số bài trong chương trình còn nặng, chưa phù hợp với số đông học sinh (HS). Trong chương trình, một số môn học yêu cầu còn cao về một số chủ đề, đặc biệt với bộ phận HS có học lực yếu kém, HS nhóm dân tộc thiểu số và HS sinh sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn. Nội dung chương trình một số môn học cấp THPT chưa thực sự cơ bản, làm cho khối lượng kiến thức gia tăng; Còn có sự trùng lặp nội dung ở một số môn học như: Sinh học và công nghệ, giáo dục hướng nghiệp và nghề phổ thông. Đặc biệt, có sự không phù hợp giữa chương trình giáo dục với điều kiện cơ sở vật chất nhà trường và trình độ giáo viên.           

Nhiều ý kiến cũng bức xúc về việc không đồng nhất giữa SGK nâng cao và sách chuẩn gây lúng túng, khó khăn cho giáo viên. Theo đại diện Sở GD - ĐT Nam Định, xu thế các môn thiết kế “tham” - môn nào cũng có một chút. Không ít khái niệm ở các môn hóa, lý hai sách viết hoàn toàn khác nhau. Giáo viên vừa dạy lớp học chương trình nâng cao nói theo đúng sách nâng cao, hết tiết bước qua lớp chương trình chuẩn phải nói khác cho đúng sách. Bộ GD-ĐT cũng nhận định: Cách dùng từ, thuật ngữ, khái niệm, cách tiếp cận giữa SGK theo chương trình chuẩn và SGK nâng cao ở một số môn học, một số có chỗ chưa thống nhất gây khó khăn cho giáo viên và HS như môn Vật lý, Ngữ văn, Toán.

Thứ  trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, để giải quyết những tồn tại này, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức đánh giá toàn diện về chương  trình và SGK ở các năm học tiếp theo, từ đó có hướng dẫn điều chỉnh nội dung và cách dạy từng môn một cách phù hợp./. 

Trong năm học đầu tiên thực hiện phân ban (2006-2007) chỉ có 74,22% học sinh lớp 10 chọn ban cơ bản, 6,41% chọn ban KHXH&NV và số còn lại là ban KHTN. Đến năm học 2008-2009, tỷ lệ chọn ban cơ bản tăng lên 83,84%, ban KHTN còn 14,2% và ban KHXH&NV còn chưa đến 2%... Thậm chí, ở không ít trường, việc phân ban gần như vô nghĩa bởi 100% học sinh đều chọn ban cơ bản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên