Phân luồng học sinh vẫn bế tắc

Trên 70% học sinh THPT không được giáo dục hướng nghiệp một cách đầy đủ. Chỉ có 8,1% học sinh dự định thi vào các trường trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề, còn có tới 82% muốn vào đại học

Viện Khoa học giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa công bố những thông tin đáng quan tâm này.

Hoạt động hướng nghiệp yếu

Tại hội thảo các giải pháp phân luồng học sinh (HS) sau THCS và THPT, các đại biểu cho rằng, chất lượng và hiệu quả của các giờ hoạt động giáo dục hướng nghiệp còn thấp. Hoạt động hướng nghiệp để hình thành tiềm năng nghề nghiệp cho HS còn mờ nhạt, chưa tạo sự khác biệt về chất ở các năng lực, phẩm chất, điều kiện cốt lõi chi phối tiềm năng nghề của các cá nhân như năng lực ứng phó, các kỹ năng/năng lực xã hội. Điều này đã gây sức ép rất lớn lên các kỳ thi tuyển sinh ĐH hằng năm và gây nên tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong giáo dục đào tạo cũng như cơ cấu lao động ở nước ta.

Đại bộ phận HS không thích học nghề ngay cả khi năng lực hạn chế. TS. Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) dẫn chứng: “Theo thống kê kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ liên tục tám năm gần đây, mỗi năm đều có hàng trăm ngàn thí sinh đi thi nhưng không đạt nổi... 1 điểm/môn”. Theo ông Ngọc, kết quả này phản ánh một thực tế là hằng năm có hàng trăm ngàn học sinh đã “ngồi nhầm chỗ” ở bậc THPT, những học sinh đó đã lãng phí thời gian, sức lực cho ba năm học nhưng không thu được hiệu quả. Đáng lẽ những học sinh đó cần phải đi theo một con đường khác ngay sau khi tốt nghiệp THCS.

Nhiều lãnh đạo các sở GD-ĐT địa phương cũng cho biết, phân luồng học sinh sau bậc THCS và sau THPT đều đang bế tắc trong khi Bộ GD-ĐT lại bó tay trong việc giải quyết những trở ngại để “thông luồng”. “Mỗi năm có trên 400.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào học THPT. Một phần trong số đó có thể vào học trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, phần còn lại ra thị trường lao động mà chưa được đào tạo lấy một nghề” - ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD - ĐT) cho biết.

Cần có chiến lược phát triển…

Ông Nguyễn Văn Học, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT) thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân của tình trạng yếu kém trên là do chúng ta chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển công tác giáo dục hướng nghiệp dài hạn đủ căn cứ khoa học. Trên thực tế, đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp, dạy nghề còn quá thiếu về số lượng, rất yếu về chất lượng. Do hầu hết các giáo viên đều kiêm nhiệm, chưa có người chuyên trách hướng nghiệp nên đến nay chúng ta chưa có cơ sở giáo dục nào làm nhiệm vụ đào tạo hướng nghiệp cho các trường phổ thông.

Một bất cập khác là, ngay bản thân các đơn vị đào tạo nghề cũng không đủ điều kiện thu hút học sinh. Theo thống kê của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cả nước hiện có 300 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, có khả năng đáp ứng 800.000 học sinh học nghề trong khi số lượng học sinh cần học nghề hằng năm là 1,6 triệu em. “Nếu có vận động được hết học sinh đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS và THPT thì cũng không đủ trường lớp do hiện nay hệ thống trường nghề thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên...” - ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP. Hồ Chí Minh nhận định. Ông Thanh kiến nghị nên thành lập ban chỉ đạo công tác hướng nghiệp - phân luồng để huy động nguồn lực của cả xã hội tham gia như giao chỉ tiêu vận động học sinh đi học nghề cho từng phường, xã chẳng hạn.

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Cần thay đổi tâm lý chuộng bằng cấp, nhất là từ các bậc phụ huynh. Đồng thời tiền lương là chính sách tác động mạnh mẽ nhất đến phân luồng, đến định hướng nghề nghiệp của đông đảo người học. Vì vậy, muốn tạo ra hiệu quả trong phân luồng, trước hết phải thay đổi từ chính sách trả lương, thu nhập đối với người học nghề, học trung cấp”. Bên cạnh đó, theo ông Sâm, Nhà nước cần tập trung ngân sách để xây dựng trường, trung tâm dạy nghề, nâng cấp trang thiết bị dạy học... để trường nghề thu hút học sinh và đào tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng, được doanh nghiệp tin cậy.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định hiệu quả của phân luồng phụ thuộc nhiều vào hoạt động hướng nghiệp trong trường phổ thông. Thời gian tới, cần có khóa đào tạo giáo viên hướng nghiệp, rà soát lại chương trình hướng nghiệp cho phù hợp với thực tế. Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp quản lý giáo dục tập trung tạo ra sự thay đổi trong hoạt động hướng nghiệp trong thời gian tới. Các nhà trường phải xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đối với các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp là một đơn vị hướng nghiệp, thông qua việc tiếp nhận học sinh đến tham quan, thực tập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên