Sẵn sàng cho ngày toàn dân đưa trẻ đến trường

Đây là hoạt động hàng năm, một phong tục tốt đẹp của người dân Việt Nam, nhằm chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ.

Ngày mai (5/9), hơn 22 triệu học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền Tổ quốc tưng bừng bước vào năm học mới 2009 - 2010; toàn xã hội thực hiện Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

Chuẩn bị cho năm học mới 2009-2010, đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo, các cấp, các ngành chức năng, cùng các địa phương trong cả nước đã chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng cho ngày hội lớn, từ cơ sở vật chất, trường lớp, đến bàn ghế, sách vở, đội ngũ giáo viên…

Tại những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hoặc vùng chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ thời gian qua, như Pác Nặm (tỉnh Cao Bằng), Bắc Mê (tỉnh Hà Giang), Yên Thành, Tương Dương (tỉnh Nghệ An)… các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân tập trung xây dựng, sửa chữa lại trường lớp, thậm chí có nơi ở mức tạm, nhưng vẫn đảm bảo bằng mọi giá cho học sinh kịp đến trường trong ngày khai giảng.

Theo Phó thủ tướng- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, chủ đề của năm học 2009-2010 là "Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục "; trong đó đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá: “Khâu đổi mới này liên quan đến việc trước tiên phải có quy hoạch, chiến lược phát triển giáo dục. Song song với đó là xây dựng hệ thống quy định quản lý giáo dục, như mở trường, quy chế hoạt động của các trường như thế nào, nhiệm vụ và trách nhiệm của giáo viên như thế nào. Rồi phân cấp: Bộ làm gì, các sở làm gì, các trường làm gì…”.

Để đạt được mục tiêu này, ngành Giáo dục và Đào tạo quyết định không duy trì phương pháp quản lý tập trung, mà phân cấp cho các địa phương và từng nhà trường chịu trách nhiệm. Bộ chỉ định hướng, đề ra chủ trương, rồi kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.

Quyết tâm của Bộ là trong 3 năm tới, tạo được sự chuyển biến đột phá về nội dung và phương thức quản lý giáo dục; cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục quốc dân nhằm phục vụ tốt hơn chiến lược phát triển kinh tế và quốc phòng, an ninh của đất nước. Bậc học phổ thông đổi mới theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động. Riêng bậc Đại học, Cao đẳng- khu vực quyết định chất lượng nguồn lực quốc gia- đẩy mạnh mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đặc biệt, năm học mới 2009 - 2010, Bộ Giáo dục và Ðào tạo yêu cầu tất cả các bậc tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên tăng cường tổ chức giảng dạy cho học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh khuyết tật. Ðây là những học sinh cần có hình thức giáo dục linh hoạt và đầy tính nhân văn, giúp các em tự tin hoà nhập cuộc sống cộng đồng.

Cùng với việc triển khai những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện “Dạy tốt, học tốt”, triển khai sâu rộng các cuộc vận động “Hai không- Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, cuộc vận động “Học sinh tích cực, nhà trường thân thiện”…

Đặc biệt, khi chuẩn bị bước vào năm học mới, nhiều trường học cũng chủ động đề ra kế hoạch tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, theo hướng chuyển mạnh nội dung từ “học tập” sang “làm theo” lời Bác. Bà Lê Minh Sơn, Hiệu trưởng trường tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Cuộc vận động có tác dụng rất lớn đến giáo viên, cũng như học sinh. Các thầy, cô giáo lấy tấm gương của Bác soi rọi vào bản thân mình để ngày càng phấn đấu tốt hơn. Còn học sinh thì noi theo tấm gương của Bác, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi”.

Trong thư gửi giáo viên và học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới 2009-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Các nhà quản lý giáo dục, các thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên, phải tích cực phát huy thành tựu, khắc phục yếu kém, cố gắng hơn nữa, nỗ lực và tâm huyết hơn; dấy lên phong trào thi đua mới trong giảng dạy và học tập, theo hướng chất lượng, hiệu quả, toàn diện, phấn đấu thực hiện thành công các nhiệm vụ đề ra cho năm học mới 2009 - 2010 và những năm tiếp theo.

Đây vừa là nhiệm vụ vinh quang, vừa là trách nhiệm nặng nề đối với ngành Giáo dục và Đào tạo. Nhớ tới lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, năm học này, các bậc phụ huynh, các thầy giáo, cô giáo và toàn xã hội càng chung tay, góp sức cùng ngành Giáo dục và Đào tạo, phấn đấu đào tạo những chủ nhân tương lai của đất nước có lối sống đẹp, đạo đức tốt, đầy đủ tri thức, có trình độ khoa học, tay nghề kỹ thuật cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần đưa đất nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu, như lời Bác dạy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên