Tìm giải pháp giám sát giáo dục

(VOV) -Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thu hút sự quan tâm lớn của những người tâm huyết

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XI đang diễn ra tại Hà Nội sẽ thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Toàn dân, toàn ngành giáo dục đang trông chờ vào những định hướng mới, những giải pháp mạnh mẽ, hữu hiệu của Nghị quyết lần này để thực hiện thành công công cuộc đổi mới sự nghiệp giáo dục, để phát triển giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.

Có thể nói, vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo mà Hội nghị Trung ương 6 lần này thảo luận đã thu hút sự quan tâm lớn của những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bày tỏ mong muốn, trong Nghị quyết của Hội nghị lần này sẽ nêu ra được phương hướng đổi mới, thể hiện sự thay đổi về tư duy để giáo dục Việt Nam không còn trong tình trạng “lạc đường”.

Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh rằng, để đưa ra được mục đích, yêu cầu của đổi mới giáo dục, cần thiết phải đánh giá đúng thực trạng trầm trọng của giáo dục hiện nay.

Nhiều vấn đề lớn của giáo dục đã được các chuyên gia phân tích, đóng góp ý kiến cho Hội nghị Trung ương 6, trong đó tập trung xem xét và chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng gắn kết giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và giáo dục dạy nghề, khắc phục những lệch lạc hiện tại.

Giáo sư Nguyễn Minh Đường - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề- Bộ Lao động Thương binh và xã hội nêu thực tế: “Về quản lý, chúng ta đang có hai cơ quan đầu mối. Một là Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Hai đầu mối này tư duy, chủ trương khác nhau, chồng chéo, nên không thể thực hiện được một chính sách quốc gia thống nhất về giáo dục. Tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân là yêu cầu bức thiết, cốt lõi để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà”.

Bởi vậy, Giáo sư Đường cho rằng, nếu vẫn duy trì thực trạng này thì ngành giáo dục không thể đổi mới được.

Bên cạnh đó, các ý kiến đều cho rằng: Cần tập trung giải quyết dứt điểm những bất cập của chương trình sách giáo khoa, quan tâm đến đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để phát triển giáo dục ngang bằng với các nước.

Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất là đổi mới cho được hệ thống giáo dục, trong đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng về số năm học cũng như có sự phân luồng học sinh một cách đúng đắn ngay từ đầu.

Giáo sư Nhĩ cũng đề xuất: “Giáo dục cơ bản nên 9 năm là vừa. THPT chỉ cần 2 năm. Ngay trong THPT 2 năm đó thì phân luồng ngay, chia ra làm 3 loại. Loại có thể đào tạo ở đại học thành những cán bộ, người nghiên cứu có trình độ cao là khoảng 1/3, 1/3 nữa là đào tạo trực tiếp ra người lao động, người có nghề hẳn hoi. 1/3 nữa là học trung học chuyên nghiệp. Như thế thì việc thi cử của chúng ta cũng giải quyết ngay, bỏ cả vấn đề thi đại học”.

Nhìn lại những lần đổi mới trước đây của nền giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đổi mới lần này cần hướng tới một nền giáo dục thực dụng và dân chủ. Thực dụng để đào tạo ra đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dân chủ có nghĩa là tạo điều kiện để xã hội có thể tham gia phát triển giáo dục, giám sát giáo dục và thụ hưởng những thành quả của giáo dục:

Hiện nay chúng ta đang thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhưng xã hội hóa giáo dục chỉ được hiểu một cách lệch lạc là huy động nguồn lực của xã hội để phát triển giáo dục.

Đó mới là một khía cạnh, còn khía cạnh khác của xã hội hóa giáo dục là xã hội phải giám sát được giáo dục. Có thể nói, hiện nay xã hội chỉ có thể giám sát giáo dục qua một số hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông tin đại chúng, chứ chính quyền địa phương coi giáo dục là của riêng ngành giáo dục. Nghị quyết Trung ương phải tìm ra được các giải pháp để xã hội có thể giám sát được giáo dục

Nhiều ý kiến cũng cho rằng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo tác động sâu sắc đến xã hội nên bên cạnh vai trò quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cả trong và ngoài nước. Đồng thời, Hội nghị Trung ương lần này cần chỉ ra được những biện pháp trong thời gian tới, để từ năm 2015 đến 2020, chúng ta có một đề án tổng thể về thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Không thương mại hóa sách giáo khoa
Không thương mại hóa sách giáo khoa

(VOV) -Thay đổi để sách giáo khoa tương đối ổn định, có chuẩn mực, mang tính thống nhất cao thì không phải dễ dàng.   

Không thương mại hóa sách giáo khoa

Không thương mại hóa sách giáo khoa

(VOV) -Thay đổi để sách giáo khoa tương đối ổn định, có chuẩn mực, mang tính thống nhất cao thì không phải dễ dàng.   

Giáo viên mầm non hợp đồng được hưởng chế độ như viên chức
Giáo viên mầm non hợp đồng được hưởng chế độ như viên chức

(VOV) - Việc tổ chức xét nâng bậc lương hằng năm do UBND quận, huyện, thị xã quyết định.

Giáo viên mầm non hợp đồng được hưởng chế độ như viên chức

Giáo viên mầm non hợp đồng được hưởng chế độ như viên chức

(VOV) - Việc tổ chức xét nâng bậc lương hằng năm do UBND quận, huyện, thị xã quyết định.

Hà Nội tuyển giáo viên hệ chính quy: Đào tạo quá tràn lan?
Hà Nội tuyển giáo viên hệ chính quy: Đào tạo quá tràn lan?

(VOV) - Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương của giáo dục Hà Nội và cho rằng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đào tạo...

Hà Nội tuyển giáo viên hệ chính quy: Đào tạo quá tràn lan?

Hà Nội tuyển giáo viên hệ chính quy: Đào tạo quá tràn lan?

(VOV) - Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương của giáo dục Hà Nội và cho rằng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đào tạo...