Toán học Việt Nam chưa được đánh giá đúng mức

Việt Nam liên tục đoạt giải cao trong các kỳ thi toán quốc tế. Nhưng một nghịch lý là ngành toán học của nước ta đang bị tụt hậu, nhất là khi số học sinh, sinh viên giỏi theo ngành toán học đã giảm sút nghiêm trọng…

Với thâm niên khoảng 35 năm tham dự các kỳ thi Toán quốc tế (IMO), đến nay, học sinh Việt Nam đã giành được 177 huy chương các loại, trong đó có 42 Huy chương Vàng.

Giải cao… vẫn tụt hậu?

Nhiều năm qua, tại các kỳ thi toán quốc tế, đoàn học sinh của nước ta liên tục “rinh” được nhiều giải và nhiều nhà toán học Việt Nam thành danh ở nước ngoài khiến chúng ta khá tự tin về nền toán học nước nhà.

Nền toán học của ta mới ra đời từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, song hiện đã có một đội ngũ gần 1.000 nhà toán học và đã gặt hái được khá nhiều thành quả. Thế nhưng, so với yêu cầu, nền toán học Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến nguồn nhân lực - một trong những yếu tố có vai trò quyết định đối với chất lượng đào tạo.

“Toán học của nước ta hiện bị tụt hậu khá xa so với một số nước trong khu vực, thậm chí, đang đứng trước nguy cơ bị tiêu vong”- GS. Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học nhận xét.

Hiện nay, có 15 trường đại học (ĐH) hàng đầu của cả nước có đào tạo chuyên ngành toán, trong số 639 cán bộ giảng dạy, chỉ có 3 đơn vị có 50% số giảng viên là tiến sĩ; giảng viên là GS còn thấp hơn nhiều với 20 người (chiếm 3,1%) và chỉ tập trung ở 4 đơn vị; số PGS có tiến bộ hơn, song chỉ nằm rải rác ở 11 đơn vị với tổng số 67 người. Số lượng giảng viên thiếu (các trường ĐH thiếu khoảng 20.000 giảng viên), tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao nên các giảng viên phải đứng lớp quá nhiều (trung bình 15 tiết/tuần), không còn thời gian, sức lực để nghiên cứu khoa học.

“Nên cho phép các trường đại học thành lập những tổ chức chuyên nghiên cứu về toán, có biên chế, kinh phí cho hoạt động này, có thế mới mong muốn các giảng viên quan tâm tới việc nghiên cứu”. GS. Nguyễn Đình Trí, Đại học Bách khoa Hà Nội

Hơn nữa, theo GS. Lê Tuấn Hoa, cách đây 10 năm, khi xác định các hướng khoa học công nghệ trọng điểm, Toán học không còn được đánh giá đúng mức. Thêm vào đó, dưới tác động của kinh tế thị trường, số học sinh, sinh viên giỏi theo ngành toán học đã giảm sút nghiêm trọng. Hậu quả là ngành toán học nước ta vừa ít về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Không những thế, phần lớn các tài năng toán học, sau khi giành vinh quang về toán đã chọn cho mình con đường lập nghiệp ở nước ngoài, tiêu biểu như GS. Đàm Thanh Sơn (ĐH Washington), GS. Ngô Bảo Châu (ĐH Paris)…

Chất lượng đầu vào thấp

Cả nước hiện chỉ có 10 cơ sở đào tạo tiến sĩ về toán như: Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh… Trong đó, Viện Toán học là cơ sở đào tạo lâu đời nhất nhưng trong suốt 10 năm qua chỉ tuyển được tối đa 5 nghiên cứu sinh trong khi chỉ tiêu mỗi năm của Viện là 10. Các cơ sở còn lại hằng năm cũng chỉ tuyển được 15 nghiên cứu sinh để bảo vệ luận án tiến sĩ về toán. Tuy nhiên, GS. Lê Tuấn Hoa cho biết, nếu so với đồng nghiệp ở nước ngoài thì toàn bộ số giảng viên toán đồng thời là những người có công trình công bố quốc tế về toán học của nước ta không bằng một trường đại học lớn ở nước ngoài.

Theo một thống kê gần đây, trong giai đoạn 1995-2004, có tổng cộng 300 bài báo nội dung về toán của các nhà toán học Việt Nam (ở trong nước) có đăng trên tạp chí quốc tế mà không có đồng tác giả người nước ngoài. Tuy nhiên, số bài đăng ở các tạp chí “hạng cao” còn rất ít. Theo một thống kê thì trong 3 năm 2003-2005, ở các tạp chí toán thuộc “top 10” chỉ có đúng 1 bài báo là của một người Việt làm toán trong nước…

Đáng lo ngại hơn, đầu vào của sinh viên sư phạm và cử nhân toán có chênh lệch rất lớn. Sinh viên sư phạm toán có điểm đầu vào cao, ngược lại cử nhân toán có đầu vào rất thấp, chỉ bằng điểm sàn của Bộ. Do vậy, chất lượng cử nhân toán học khi ra trường cũng rất yếu. Chất lượng sinh viên yếu dẫn đến hằng năm không có đủ người để đào tạo tiến sĩ về toán. Rõ ràng, chất lượng cũng như số lượng đầu vào của sinh viên toán rất yếu. Nhiều GS cùng chung một nhận định, hiện nay giới trẻ không thích học toán, ngay cả sinh viên đoạt giải quốc tế về toán khi đi du học nước ngoài toàn chọn ngành kinh tế, chỉ vì học toán sẽ “nghèo”. Đối với nhiều cán bộ trẻ, dường như lòng say mê toán cũng không còn nhiều. Và như vậy, tới đây, chúng ta còn những giảng viên giỏi về toán nữa không?!

Trước thực trạng trên, Viện Toán học đã đưa ra các giải pháp: cử giảng viên đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài; giảm giờ dạy đối với giảng viên để tập trung vào nghiên cứu…; xây dựng lộ trình đào tạo năng khiếu đặc biệt, xuyên suốt từ bậc THPT đến bậc tiến sĩ. Theo đó, hoàn thiện hệ thống các lớp chuyên toán, khôi phục lại hệ thống thi học sinh giỏi toán toàn quốc ở các lớp cuối cấp. Đối với bậc đại học, tạo những học bổng hấp dẫn cho sinh viên, nghiên cứu sinh và cử đi đào tạo ở các trung tâm toán học lớn trên thế giới. Đặc biệt, khi chưa có trường đại học nghiên cứu về toán học thì biện pháp thích hợp và chủ yếu chính là lập viện nghiên cứu và đào tạo cấp cao về toán học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên