Trải thảm đỏ và tâm lý sính bằng cấp

Mấy năm trước, nhiều địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, rầm rộ trải thảm đỏ đón nhân tài, nhưng nay hiện tượng này dường như ắng lại…

Nhân tài là ai? Đó là những Thủ khoa đại học; là Thạc sỹ, Tiến sỹ, là Giáo sư… Nhiều địa phương đã công bố mức hỗ trợ, chính sách ưu đãi để thu hút người tài về địa phương. Chính sách ưu tiên này nêu rõ với mỗi chức danh như Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ…thì được trợ cấp bao nhiêu tiền; chế độ nhà cửa, đất đai… ra sao? 

Chính sách này có thể vẫn còn hiệu lực nhưng nhìn chung đang ắng đi. Thông tin từ báo chí cho thấy, ở nơi này nơi kia, giữa chủ trương và thực tế còn có khoảng cách khiến nhân tài cảm thấy nản. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến người tài chưa thực sự quan tâm tới lời mời gọi của các địa phương, trong đó không loại trừ các yếu tố tiêu cực trong tuyển dụng. Bên cạnh đó,  việc hô hào trải thảm đỏ cũng mang nặng tính hình thức, thể hiện tâm lý thích bằng cấp của các địa phương. 

Ai cũng biết, vị trí thích hợp nhất của Giáo sư, Tiến sỹ là giảng đường và các viện nghiên cứu. Trong khi đó, những địa phương trải thảm đỏ phần lớn là  tỉnh lẻ, còn nhiều khó khăn. Đã là tỉnh khó khăn thì lấy đâu ra nhiều trường, nhiều viện để các Tiến sỹ, Giáo sư làm việc và giảng dạy? Con người không chỉ có nhu cầu vật chất để tồn tại mà còn cần có môi trường làm việc phù hợp để nâng cao chuyên môn của mình. Chính vì thế những người làm khoa học thực sự còn hờ hững với “tấm thảm đỏ” của địa phương trưng ra âu cũng là điều dễ hiểu. Trong khi đó, chính sách này lại là thời cơ vàng cho những kẻ cơ hội, coi bằng cấp là phương tiện để tiến thân. Phải chăng bằng giả, bằng dởm… cũng một phần bắt nguồn từ đây?

Chính vì thế, việc đưa ra các mức tiền hỗ trợ cho Giáo sư, Tiến sỹ… khi về địa phương công tác là rất chung chung, hình thức; thể hiện sự hiểu biết một cách méo mó giá trị của học vị, học hàm. Sẽ hợp lý hơn nếu như các tỉnh nêu cụ thể mình cần bao nhiêu Tiến sỹ, bao nhiêu Giáo sư, cho những vị trí nào, cơ quan nào... Nếu một địa phương mà sản xuất chủ yếu dựa vào nghề cá, có tiềm năng về thuỷ hải sản thì chắc chắn sẽ cần cán bộ trung cấp hay một kỹ sư chế biến thực phẩm hơn một Tiến sỹ có chuyên môn về lâm nghiệp!   

Hiện nay, một số doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng đã trực tiếp đến các trường đại học chọn những sinh viên ưu tú khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường, chu cấp kinh phí để sinh viên học tập, nghiên cứu. Tất nhiên, khi đến trường chọn thì họ đã biết mình thiếu vị trí nào và cần những người như thế nào rồi. 

Phải chăng xuất phát từ mong muốn thực sự cầu hiền và một việc làm chỉ mang tính hình thức, phô trương bằng cấp… nên có thể chung một mục đích, song lại có hai cách thực hiện khác nhau? Và khi chủ trương đúng nhưng thực hiện sai thì không hiệu quả, thậm chí tạo kẽ hở cho tiêu cực có cơ hội len vào; bằng giả, bằng dởm có thêm đất sống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên