Trăn trở với cuộc vận động không “đọc – chép”

Câu chuyện không đọc - chép trên lớp sẽ thực hiện từ năm học này. Thật đáng mừng! Song, đội ngũ những người thầy và những nhà quản lý giáo dục đã sẵn sàng đến đâu?

Lần đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị bắt đầu từ năm học này (2009 – 2010) chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua đọc chép ở bậc học phổ thông.

Đây là chủ trương phù hợp với tiến trình đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng sự mong đợi bấy lâu nay của nhiều giáo viên tâm huyết với giáo dục, giúp học sinh chủ động học tập và sáng tạo. Song, nếu triển khai thiếu đồng bộ, thì cuộc vận động sẽ kém hiệu quả và chỉ dừng lại ở việc hô hào.

Có thể nói, nhiều năm qua việc giáo viên đọc cho học sinh chép bài đã trở thành thói quen của phần lớn thầy - trò bậc phổ thông, kể cả đại học. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục và dư luận lên tiếng không đồng tình, thậm chí phản đối gay gắt và đề nghị chấm dứt việc dạy học theo kiểu đọc chép, nhưng có lẽ do còn nhiều việc phải giải quyết, nên mãi đến năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có ý kiến chính thức bằng văn bản.

Dạy theo kiểu “đọc cái có sẵn cho học sinh chép vào vở” cứ lặp đi lặp lại nhiều năm, khiến công việc của các nhà giáo trở nên nhàm chán, không có động lực để đổi mới. Còn với học sinh, dẫu biết rằng phải chép bài của thầy đọc từ sách giáo khoa, cái mà các em có thể tự đọc -  là một sự miễn cưỡng. Nhưng biết làm sao, khi thầy yêu cầu trả bài phải đúng, thậm chí đúng nguyên văn những lời thầy đọc.

Đã có những bài thi ngây ngô đến mức khó tin, bởi thiếu phương pháp tư duy, rập khuôn máy móc do việc học lệ thuộc hoàn toàn vào thầy, còn thầy thì lệ thuộc sách giáo khoa. Cách dạy và học này còn tiếp tay cho nạn quay cóp, gian lận trong thi cử, tạo ra sự thiếu công bằng giữa những người học nghiêm túc và những người thầy thực sự muốn đổi mới cách dạy học.

Thầy đọc, trò chép trên lớp, cộng với việc học quá tải liên miên khiến các em không đủ thời gian suy ngẫm và tự học, thì lấy đâu ra việc tìm tòi, suy luận để có kiến thức thực sự? Nhưng vấn đề đặt ra, thế nào là thầy không đọc, trò không chép? Không đọc kiến thức đã có sẵn trong sách giáo khoa, thì thầy sẽ nói gì để các em ghi lại và phát triển tư duy?

Câu chuyện không đọc - chép trên lớp sẽ thực hiện từ năm học này. Thật đáng mừng! Song, đội ngũ những người thầy và những nhà quản lý giáo dục đã sẵn sàng đến đâu?

Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng với một tinh thần hưởng ứng nhiệt tình, có thể xảy ra tình trạng, giáo viên photo bài giảng và bộ câu hỏi rồi phát cho học sinh tự đọc, tự trả lời để tránh tiếng “thầy đọc, trò chép”. Và cũng không loại trừ xảy ra chuyện, thầy cứ giảng, trò muốn ghi gì cũng được mà không biết đâu là nội dung chính để tập trung học hỏi. Rồi khi thi kiểm tra chất lượng, thầy có chấp nhận nội dung bài thi khác với ý của mình hay không…

Đội ngũ giáo viên hiện nay phần lớn cũng được đào tạo bằng phương pháp “đọc – chép” nên để thay đổi cách giảng dạy cũng khó có thể đạt kết quả một sớm một chiều. Trong khi đó, bộ sách giáo khoa bậc phổ thông đang tiếp tục được thay đổi và nội dung còn khá nặng nề cũng là một lực cản trong quá trình nói không với “đọc – chép”.

Phát động phong trào rồi, nhưng lấy gì làm tiêu chí? Khi cuộc vận động được triển khai, nếu các nhà quản lý giáo dục đánh giá chất lượng phương pháp dạy và học không có tiêu chí rõ ràng, không đặt vấn đề thi đua khen thưởng nghiêm túc thì đây là cơ hội cho bệnh thành tích tiếp tục len lỏi và phát triển trong ngành giáo dục. Thực tế những năm qua có nhiều giáo viên (kể cả bậc đại học) đã áp dụng phương pháp giảng dạy không đọc chép cho học sinh, sinh viên và đem lại hiệu quả rõ nét. Nhưng vì không có động lực, thiếu sự khuyến khích, động viên và tiêu chí rõ ràng, nên cách làm này chỉ có tính tự phát ở một số ít người. 

Cuộc vận động chấm dứt cách dạy học “đọc, chép” nếu thành công, sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Theo GS-TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội,  để cuộc vận động này thành công, thì đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định. Do vậy ngay từ khâu đào tạo giáo viên ở các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo họ biết cách “không đọc chép”.

Chấm dứt tình trạng không đọc chép sẽ trở thành hiện thực nếu đội ngũ giáo viên được coi trọng, nếu đội ngũ giáo viên có động lực và sự đánh giá nghiêm túc, công bằng từ các cơ quan quan quản lý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên