Vì sao học sinh sợ đi học?

(VOV) -Sự hứng thú học hành của học sinh ngày càng mất đi khi chịu sức ép nặng nề của chương trình, nội dung học tập và thi cử.

Mới vào đầu năm học, nhưng nhiều học sinh ở Hà Nội đã vùi mình trong đống bài tập ở lớp. Học thêm ở trường vẫn chưa đủ, nhiều phụ huynh tiếp tục tìm các lớp học thêm cho con, thuê gia sư đến tận nhà để học vào buổi tối.

Nhìn lịch học của một học sinh lớp 5 ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, chúng tôi không khỏi giật mình. Ngoài việc học bán trú 2 buổi/ngày, các buổi tối trong tuần em còn học thêm các môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Đó là chưa kể gia đình còn cho em đi học lớp kĩ năng sống vào thứ 7, Chủ nhật.

Lịch học càng dày đặc hơn khi học sinh càng học lên lớp cao, đặc biệt là lớp 12. Dường như nếu không đi học thêm, các phụ huynh và học sinh đều cho rằng không thể thi đỗ được đại học.

Có một thực tế đáng buồn hiện nay là phần lớn học sinh không còn cảm thấy hứng thú, thích học, thích đến trường, mà học vì thi cử, vì đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ.

Nhiều học sinh không ngần ngại cho biết, đi học chỉ mong được nghỉ…Trả lời câu hỏi: Vì sao các em lại phải học thêm quá nhiều? Tất cả những học sinh được hỏi đều cho rằng: Học thêm để còn thi được đại học. Như thế rõ ràng, đi học hiện nay không còn vì kiến thức, vì sự ham hiểu biết, mà chỉ vì để thi cử.

Học sinh không thích học cũng bởi nội dung sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy quá nặng và chưa hấp dẫn, kích thích được sự sáng tạo. Điều này không phải các nhà quản lý không biết.

Đầu năm học trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cắt giảm một số nội dung trong chương trình sách giáo khoa, song sự cắt giảm đó không đáp ứng được bởi chỉ cắt giảm một cách manh mún, nhỏ lẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Công Khanh- Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí- Đại học Sư phạm Hà Nội: Có một thực tế đang tồn tại là việc ép con học quá sức đang trở thành xu hướng của nhiều bậc phụ huynh. Thấy các cháu khác đi học thêm, mình cũng phải cho con đi học thì mới yên tâm. Việc cho trẻ học quá tải ngay từ những năm đầu tiên sẽ gây cảm giác mất hứng thú, thường xuyên sợ hãi với việc học, từ đó những năm học sau sẽ sinh ra chán nản”.

PGS.TS Khanh nói: “Chúng ta phải hiểu tâm lý của phụ huynh là lo lắng cho các con khi thấy các trẻ khác đều đi học thêm. Con mình khi về nhà chỉ thấy con chơi và xem tivi nhiều. Lo lắng này có thể cảm thông được. Tuy nhiên, các phụ huynh cần phải hiểu rõ tâm lý của học sinh, khi phụ huynh thấy con làm bài tập phải xem bài tập ấy con mình có thực sự hứng thú hay không. Nếu trẻ thực sự thấy chán nản, không muốn làm thì thực chất việc học như vậy không đáp ứng yêu cầu của sự khám phá và đặc biệt không tạo ra hứng thú học đường”.

GS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam lo ngại: Hiện nay rất nhiều gia đình có điều kiện đưa con đi du học ngay từ phổ thông, tạo nên một phong trào mà nhiều người gọi là di tản trong giáo dục. GS Trần Xuân Nhĩ phân tích: “Giáo dục của chúng ta đang dạy học sinh rằng “đây là quả táo”, trong khi lẽ ra phải dạy: “đây là cái gì” để học sinh tư duy, chủ động, sáng tạo. Có như vậy, học sinh mới thực sự thích học”.

Đâu còn nữa mỗi ngày đi học là một ngày vui. Học sinh, phụ huynh đang phải chạy theo những áp lực mà ngành giáo dục tạo nên để có được tấm vé vào đại học. Thực tế này đang đặt ra và đòi hỏi một sự thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục, đào tạo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tìm giải pháp giám sát giáo dục
Tìm giải pháp giám sát giáo dục

(VOV) -Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thu hút sự quan tâm lớn của những người tâm huyết

Tìm giải pháp giám sát giáo dục

Tìm giải pháp giám sát giáo dục

(VOV) -Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thu hút sự quan tâm lớn của những người tâm huyết