Vì sao ông Bob Kerrey được chọn làm lãnh đạo ĐH Fulbright ở Việt Nam?

VOV.VN - Việc Hoa Kỳ chọn cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Fulbright là muốn cải thiện, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Việt Nam và Hoa Kỳ vừa thực hiện lễ trao quyết định thành lập trường Đại học (ĐH) Fulbright tại Việt Nam. Đây là trường ĐH thuộc dự án được nêu trong Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ nhân chuyến thăm vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ cũng như trong chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ năm 2013.

Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Kerrey được lựa chọn làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Fulbright. Tuy nhiên, việc lựa chọn một người từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam để lãnh đạo một dự án ĐH quan trọng đang khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đó có phải là quyết định phù hợp? Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Nhà sử học Dương Trung Quốc.

PV: Thưa Nhà sử học, ông nhìn nhận như thế nào về việc Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Kerrey - người từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam được lựa chọn làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Fulbright?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nếu trong tư duy của chúng ta vẫn còn luẩn quẩn suy nghĩ tội ác chiến tranh trong quá khứ là từ phía bên này hay bên kia thì rất khó có sự hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nhìn lại quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, năm 1995, cựu Tổng thống Bill Clinton đã tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế và thương mại đối với Việt Nam. Đứng bên cạnh ông Bill Clinton trong buổi tuyên bố đó là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry- người từng bị thương tại chiến trường Việt Nam và Thượng nghị sĩ John McCain - người từng bị bắt làm tù binh ở Việt Nam. Hai người này được coi là những cựu chiến binh tích cực nhất trong việc hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Vì vậy, chúng ta hãy nhìn nhận việc Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Kerrey - người từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam được lựa chọn làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Fulbright một cách khoan dung hơn. Tôi không nói đây là việc người Hoa Kỳ muốn chuộc lỗi hay không nhưng rõ ràng, hành động của họ là muốn cải thiện mối quan hệ với Việt Nam và thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đặc biệt là trên lĩnh vực giáo dục.

Chúng ta không bao giờ quên quá khứ. Chiến tranh là mất mát, đau thương nhưng chúng ta cần nhìn về hiện tại và tương lai trên phương diện bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

PV: Trong trả lời báo chí, Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey đã bày tỏ sự hối hận về những sai lầm và nhận trách nhiệm về những gì đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ mong muốn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa để thúc đẩy quá trình bình thường hóa và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhà sử học đánh giá như thế nào về những phát biểu của Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chiến tranh Việt Nam đã lấy đi sinh mạng của hơn 58.000 người Hoa Kỳ và gần 1 triệu người dân Việt Nam là quá khứ không thể thay đổi được.

Tuy nhiên, chúng ta không nên đào sâu những đau thương đó mà hãy nhìn về việc bình thường hóa quan hệ hữu nghị, mang lại lợi ích chung giữa hai quốc gia. Tôi cho rằng, những phát biểu của Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey với báo chí hoàn toàn hướng về tinh thần đó.

Ông Bob Kerrey đã nhìn thẳng vào sự thật ở trong quá khứ, nhận thấy những mất mát của người dân hai nước cũng như nhận ra những sai lầm trong cuộc chiến tranh Việt Nam; đồng thời có những hành động cụ thể khắc phục những sai lầm trong quá khứ và thúc đẩy tiến trình bình thường hóa, nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ là những việc làm tích cực, phù hợp với xu thế hiện nay.

PV: Việc trao quyết định thành lập trường ĐH Fulbright diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hòa Kỳ Barack Obama. Theo ông, vì sao Hoa Kỳ lại lựa chọn lĩnh vực giáo dục là sự quan tâm hàng đầu trong việc hợp tác, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nhắc lại câu cách đây 70 năm, sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 14 lá thư cho lãnh đạo Hoa Kỳ trong đó có Tổng thống Truman, đề nghị thiết lập quan hệ “hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”, trong đó có phát triển giáo dục đào tạo. Đây là lĩnh vực quan trọng để hai quốc gia vượt qua quá khứ và hướng tới tương lai.

Thực tế là khi chưa thành lập trường ĐH Fulbright đã có rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam lựa chọn Hoa Kỳ là điểm đến để du học. ĐH Fulbright đã từng có nhiều chương trình, dự án khác nhau để hỗ trợ cho các học giả, sinh viên Việt Nam.

Việc thành lập trường ĐH Fulbright tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bạn trẻ có thể học tập, tiếp cận với nền giáo dục ĐH của Hoa Kỳ nói chung và của ĐH Fulbright ngay ở trong nước, chứ không phải vượt qua nửa vòng trái đất để học tập.

Qua việc thành lập trường ĐH Fulbright, Việt Nam có thể học hỏi mô hình đào tạo, quản lý nhân sự cũng như nâng cao chất lượng nguồn giảng viên từ phía Hoa Kỳ. Dự án thành lập trường ĐH Fulbright tại Việt Nam cũng là biểu hiện cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được nâng lên ở tầm cao mới.

PV: Đứng ở góc độ là người nghiên cứu về lịch sử, xin ông cho biết những mong muốn của mình sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Việt Nam là một quốc gia luôn mong muốn hòa hiếu với tất cả các nước trên thế giới. Cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam là thuộc về quá khứ, chúng ta không bao giờ quên nó nhưng cũng không nên đào sâu những mất mát, đau thương mà nhân dân hai nước đã và đang gánh chịu.

Nay chúng ta thay những hình ảnh đau thương đó bằng những hình ảnh hữu nghị, thân thiện như khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam và được người dân nồng nhiệt chào đón thì đó là điều tốt đẹp.

Tôi hy vọng, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.

PV: Xin cảm ơn Nhà sử học!/.

Trường ĐH Fulbright là trường ĐH độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam được thiết kế theo mô hình giáo dục đạt tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo những thế hệ sinh viên có tư duy phản biện, đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong nhiều lĩnh vực. Việc xây dựng ĐH Fulbright tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ lên tầm cao mới cũng như tăng cường sự hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực giáo dục.

Hiện nay, có 17.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ. Việc xây dựng một  trường ĐH theo tiêu chuẩn quốc tế là nhằm đáp ứng nhu cầu của Việt Nam trong việc tăng cường phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng việc xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp trong thời gian tới cũng như giúp cho Việt Nam tích cực hội nhập với thế giới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"ĐH Fulbright Việt Nam sẽ sánh ngang với các ĐH hàng đầu thế giới"
"ĐH Fulbright Việt Nam sẽ sánh ngang với các ĐH hàng đầu thế giới"

VOV.VN - Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đây sẽ là trường Đại học tầm quốc tế, gắn bó với Đại học Harvard.

"ĐH Fulbright Việt Nam sẽ sánh ngang với các ĐH hàng đầu thế giới"

"ĐH Fulbright Việt Nam sẽ sánh ngang với các ĐH hàng đầu thế giới"

VOV.VN - Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đây sẽ là trường Đại học tầm quốc tế, gắn bó với Đại học Harvard.

Trao giấy phép xây dựng trường ĐH Fulbright tại Việt Nam
Trao giấy phép xây dựng trường ĐH Fulbright tại Việt Nam

VOV.VN -Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, ngày 10/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ trao giấy phép thành lập trường Đại học Fulbright tại Việt Nam.

Trao giấy phép xây dựng trường ĐH Fulbright tại Việt Nam

Trao giấy phép xây dựng trường ĐH Fulbright tại Việt Nam

VOV.VN -Trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ, ngày 10/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ trao giấy phép thành lập trường Đại học Fulbright tại Việt Nam.

Chủ tịch ĐH Fulbright liên quan vụ thảm sát trong Chiến tranh Việt Nam
Chủ tịch ĐH Fulbright liên quan vụ thảm sát trong Chiến tranh Việt Nam

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Fulbright Việt Nam – ông Bob Kerrey từng tham gia vụ thảm sát đẫm máu ở Thạnh Phong năm 1969.

Chủ tịch ĐH Fulbright liên quan vụ thảm sát trong Chiến tranh Việt Nam

Chủ tịch ĐH Fulbright liên quan vụ thảm sát trong Chiến tranh Việt Nam

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Fulbright Việt Nam – ông Bob Kerrey từng tham gia vụ thảm sát đẫm máu ở Thạnh Phong năm 1969.