Việt Nam sẽ cải tiến toàn diện hệ thống giáo dục đại học

Đó là khẳng định của hơn 200 đại biểu tham dự hội nghị về Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học diễn ra sáng 16/10 tại Hà Nội.  

Hội nghị do Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức.

Theo ông Robin Rickard, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam: Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học (ĐH) không chỉ là ưu tiên chiến lược của Chính phủ hai nước mà còn là ưu tiên hàng đầu của các trường ĐH và cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam và Vương quốc Anh. Tại hội nghị này, các đại biểu ngành Giáo dục Việt Nam và Vương quốc Anh tập trung thảo luận vào những vấn đề quan trọng như: Liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu và quản lý giáo dục giữa các trường đại học của hai nước.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lê Hương, Vụ phó Vụ GD Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Giáo dục ĐH Việt Nam đang thực hiện một chương trình đổi mới cơ bản và toàn diện bắt đầu từ năm 2006 và sẽ kéo dài đến năm 2020. Mục tiêu căn bản của chương trình này là làm cho giáo dục ĐH Việt Nam chuyển biến cơ bản về chất lượng và quy mô, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao trí lực của dân tộc, tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Chương trình còn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tại một số trường ĐH lên đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực và nền kinh tế đất nước.

Để thực hiện được mục tiêu đưa ra, Việt Nam đang hướng tới thực hiện tốt 3 công khai: Công khai chuẩn đầu ra; đánh giá và kiểm định chất lượng GD; thực hiện đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài ra, Việt Nam cũng hướng tới đổi mới cơ chế tài chính GD ĐH (thực hiện cho vay học phí, công khai mức học phí; khuyến khích đào tạo chất lượng cao, chia sẻ kinh phí với các cơ sở đào tạo). Đồng thời để cho các cơ sở đào tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lê Hương cũng đưa ra 9 ưu tiên phát triển GD ĐH Việt Nam gồm: Đào tạo theo chương trình tiên tiến; khởi động và thúc đẩy đào tạo theo nhu cầu xã hội; đào tạo và bồi dưỡng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ; xây dựng 1 số chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp và ứng dụng; đào tạo 20.000 tiến sĩ làm giảng viên các trường ĐH, CĐ đến năm 2020; xây dựng giáo trình điện tử, phát triển và hoàn thiện trang học liệu mở (www.vocw.edu.vn); triển  khai chương trình 10 năm tiếng Anh trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam; xây dựng những ĐH đẳng cấp quốc tế; phân tầng hệ thống nhà trường, điều chính cơ cấu trình độ của giảng viên.

Trong khuôn khổ Tuần lễ giáo dục Vương quốc Anh tại Việt Nam (từ 15-22/10), trong các ngày 17, 20 và 22/10 sẽ diễn ra Triển lãm giáo dục Vương quốc Anh lần lượt tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 50 trường ĐH, CĐ và THPT./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên