Nói với người khác giới:

Gọi chồng về trong cuộc rượu

Thật khó xử nếu chồng đang tiếp đối tác làm ăn quan trọng mà chị em lại xuất hiện với bộ mặt đằng đằng sát khí, khách hỏi cũng chẳng thèm trả lời…

Trong kho tàng truyện cười, truyện ngụ ngôn có nhiều truyện kể các bà vợ muốn giữ vài trò người “chỉ huy”  nhưng khéo léo tìm cách giữ thể diện cho chồng trước mặt khách hoặc bạn bè. Đây là những mẩu chuyển rất đáng để chị em tham khảo. Trên thực tế nhiều chị em đã ứng xử với chồng khéo léo, tế nhị trước mặt khách, nhưng vẫn còn một số xử sự vụng về khiến đức lang quân… đỏ mặt. Gọi chồng về trong cuộc rượu là một tình huống cụ thể như thế.

Đàn ông thường quảng giao. Thân hay sơ, ai cũng có bạn. Các cuộc vui bia rượu cũng lắm loại: ngoại giao, công việc, tiếp khách, bạn cũ lâu ngày gặp lại… Tùy nội dung của chiếu rượu mà chị em nên có cách ứng xử cho hài hòa.

Thật khó xử nếu chồng đang tiếp đối tác làm ăn quan trọng mà chị em lại xuất hiện với bộ mặt đằng đằng sát khí, khách hỏi cũng chẳng thèm trả lời…

Lẽ thường đàn ông vốn hay sỹ diện, trước mặt bạn bè, tính sỹ càng thể hiện rõ. Bởi thế, mọi biện pháp có thể gây tổn thương lòng tự trọng của người chồng đều dẫn tới thất bại, thậm chí thảm họa.

Tôi từng chung chiếu rượu với một số anh. Lúc uống đang hăng, chợt điện thoại ai đó reo vang. Vào thời khắc ấy thì cả mấy ông trong bàn rượu đều đoán chắc vợ đang giục về. Thường thì phỏng đoán này không sai. Ngừng uống! Mọi ánh mắt đồ dồn về phía người đang a lô. Kiểu gì cũng có vị nào đó trong bàn nhậu tủm tỉm chuẩn bị vài câu châm chọc, móc máy hay khích bác… Trong hoàn cảnh như thế mà đầu dây bên kia lại té tát hoặc cắm cảu  thì khác gì thêm dầu vào lửa.

Sẽ có hai tình huống xảy ra: Một, chồng tiếp tục chiếu rượu nhưng tâm trạng bất an, uống cũng chẳng vào. Như vậy là cuộc điện thoại phần nào phá hỏng cuộc vui. Hai, chồng đứng dậy ra về nhưng bộ mặt chắc là “nặng” hàng tấn. Bạn bè ngồi lại chẳng thể hồ hởi như lúc ban đầu. Ông chồng đứng dậy ra về với tâm trạng hối lỗi: Chỉ vì mình mà cuộc vui của bạn bè bị gián đoạn. Cái tâm trạng ấy đeo đẳng trong suốt quãng đường về nhà. Và rất có thể, nếu không kiềm chế, các ông chồng sẽ trút giận xuống đầu các bà vợ. Thường thì các ông chồng sẽ sắm cho mình một bộ mặt hằm hằm như đeo đá, không nói không rằng, về tới nhà thì đá thúng đụng nia… thể hiện sự bực dọc.

Trong cả hai trường hợp như thế đều không đem lại kết quả như chị em mong muốn. 

Chị em bây giờ cũng tìm kiếm nhiều “bài” khác nhau để “nhổ” mấy ông chồng ra khỏi chiếu rượu.  Có chị sử dụng đối tượng thứ 3 như con, bố, mẹ… để gây sức ép buộc chồng về. Chẳng hạn: “Con đang đau bụng. Anh về ngay đi!”,  hoặc: “Ông bà bảo anh về ngay đấy!… “Đơn thuốc” này chỉ có tác dụng một lần, lần sau là nhờn thuốc.  Có chị còn xui con gọi điện hoặc bảo con trực tiếp đến chiếu rượu gọi bố về. Cách này cũng chẳng hơn gì nếu không muốn nói là phản giáo dục vì đã trực tiếp lôi kéo con cái vào chuyện người lớn.

Thật sai lầm nếu chị em nghĩ rằng mình phải “bày tỏ thái độ một cách thô bạo” để chồng phải xấu hổ mà chừa cái thói rượu chè, bạn bè thấy thế cũng tởn không dám rủ rê.  Đây không phải là cách khiến các đức ông chồng phải “tâm phục khẩu phục”. Giải pháp này thiếu sự ổn định và tính bền vững. Chẳng mấy chốc lâm sẽ vào cảnh “bắt cóc bỏ đĩa”.

Biết chồng đang bù khú, có chị em dại dột “tra tấn” bằng cách gọi điện liên tục nhưng không thèm nói gì. Chị em hả hê khi biết thừa rằng “thông điệp” cuộc gọi thể hiện ở tên người gọi hiện trong máy. Hậu quả là gì? Sau vài lần không hồi âm, ông chồng sẽ tắt máy cái rụp. Trong trường hợp này, vì liên lạc bị cắt đứt, chị em khó biết trước được tình trạng sức khỏe của chồng mình đến đâu mà xử trí, thật nguy hiểm.

Sẽ chẳng có công thức chung nào được xem là hoàn hảo để gọi chồng về trong cuộc rượu. Tùy vào nội dung, tính chất của tiệc rượu; tùy hoàn cảnh mỗi người; tùy tính nết mỗi ông chồng… mà chị em có thể tìm cho bản thân  cách thức hiệu quả nhất. Nhưng cách gì thì cũng xin nhớ cho là không nên quá căng thẳng, gay gắt mà nên nhỏ nhẹ, mềm mỏng. Chỉ nên gặp một lượt, nói một lần là các ông chồng có đủ thông tin, nhận đủ thông điệp.  Nếu cần  góp ý về chuyện mải mê rượu chè thì nên để lúc khác, khi chỉ có hai vợ chồng, lúc không có hơi men./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên