Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không thể mờ nhạt trong SGK mới

VOV.VN - Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc không thể mờ nhạt trong SGK Lịch sử mới và giáo viên phải thay đổi cách dạy để học sinh hiểu rõ về sự kiện này.

Tròn 40 năm kể từ ngày xảy ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (17/2/1979 -17/2/2019), có những khoảng thời gian sự kiện lịch sử này không được nói đến nhiều trên các phương tiện truyền thông chính thống, trong đó có sách giáo khoa (SGK) Lịch sử phổ thông.

Vì nhiều lý do khác nhau liên quan đến quan hệ ngoại giao mà sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) chỉ được trình bày sơ sài trong SGK Lịch sử hiện hành cả bậc THPT lẫn THCS.

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN) 

Cuối năm 2017, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử và đến cuối năm 2018, Bộ GD-ĐT đã công bố sau khi đã lấy ý kiến của chuyên gia trong hội đồng góp ý, phản biện và thẩm định.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc còn mờ nhạt trong SGK Lịch sử

Với kinh nghiệm là một giáo viên đã qua 25 năm giảng dạy môn Lịch sử phổ thông và là thành viên của Hội đồng góp ý, phản biện Chương trình môn Lịch sử cho Bộ GD-ĐT, thầy giáo Trần Trung Hiếu, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An) khẳng định, kiến thức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ được đưa vào chương trình và SGK mới môn Lịch sử với những phương thức, mức độ, nội dung và vị trí khác nhau ở từng cấp học với thời lượng khác nhau.

Trong phần lớn thời gian và lưu lượng kiến thức về lịch sử dân tộc trong các cuốn SGK, giáo trình lịch sử từ phổ thông đến đại học từ xưa đến nay, nội dung kiến thức về các cuộc kháng chiến giành độc lập và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc luôn chiếm một thời lượng lớn.

Trong giai đoạn lịch sử Việt Nam sau năm 1975, bên cạnh nhiệm vụ chiến lược là xây dựng đất nước sau 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc 1945 - 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989) là một nội dung lớn, là một sự kiện lịch sử dù không muốn nhưng nó đã xảy ra, dù nguyên nhân, diễn biến và kết quả như thế nào thì chúng ta luôn cần phải tôn trọng sự thật lịch sử.

“Nguyên tắc vàng” của khoa học lịch sử là tái hiện lại quá khứ với bộ mặt của nó. Sự kiện lịch sử là cái không thay đổi, nhưng nhận thức lịch sử là một quá trình và tròn 40 năm qua cũng là thời gian quá đủ để chúng ta bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, trung thực sự kiện này.

Giáo viên phải thay đổi cách dạy để thu hút học sinh

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra từ ngày 17/2/1979-18/3/1979 nhưng trên thực tế, cuộc chiến tranh không dừng lại ở đó mà kéo dài đến năm 1989. Bản chất của cuộc chiến này là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào nước ta.

Thầy giáo Trần Trung Hiếu, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An)

Khi SGK Lịch sử phổ thông hiện hành trình bày quá sơ sài, mờ nhạt sự kiện này, khi những kiến thức của sự kiện đó đã bị “giảm tải”, giáo viên không phải dạy, học sinh không phải học, không có kiến thức này trong các đề thi THPT quốc gia, thi tuyển sinh vào đại học, thi chọn học sinh các cấp thì trách nhiệm dạy như thế nào lại thuộc về cái tâm với nghề, khả năng và sự linh hoạt của các giáo viên Sử.

Điều quan trọng đối với các giáo viên dạy Sử khi truyền đạt những kiến thức như thế này để nhắc nhở thế hệ trẻ không nên hiểu phiến diện, không đầy đủ về những câu khẩu hiệu, những ngôn từ ngoại giao, những lời tuyên bố của các chính khách.

Theo thầy giáo Trần Trung Hiếu, đến giờ học Lịch sử mà học sinh chán học là lỗi của thầy cô giáo, chứ không nên đổ lỗi cho SGK. Có thể cách thức giảng dạy của các thầy cô chưa thuyết phục, chưa đầy đủ nên chưa thu hút được học sinh hứng thú với môn học này.

Trong những ngày gần đây, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã và đang được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là dịp để các thầy cô giáo và học sinh nhìn nhận lại lịch sử. Vì vậy, các thầy cô giáo cần phải cập nhật thêm kiến thức để giảng dạy hấp dẫn hơn để giáo dục cho học sinh và thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm với Tổ quốc.

Đề cập đến việc giảng dạy môn Lịch sử hấp dẫn học sinh, GS.TS Sử học Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình Lịch sử cho rằng, trước đây, các trường học vẫn học theo phương pháp tiếp cận nội dung. Chẳng hạn như phải nhớ tất cả các diễn biến sự kiện. Tuy nhiên, giờ học sinh được tiếp cận theo phát triển năng lực. Do vậy, phương pháp giảng dạy cũng cần phải thay đổi.

Thứ nhất, giáo viên cần tập trung vào việc giúp học sinh nắm được phương pháp tìm hiểu về sự kiện, phân tích, đánh giá sự kiện và quá trình lịch sử. Chỉ cần trình bày tóm tắt các diễn biến chính, nhưng hướng dẫn học sinh thu thập, phê phán sử liệu có liên quan, phân tích làm rõ nguyên nhân, tính chất, vị trí và ý nghĩa của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

Ngày 17/2/1979, địch dùng bộc phá, thuốc nổ, đại bác bắn vào khu mỏ Apatít Lào Cai (tỉnh Hoàng Liên Sơn), phá hủy toàn bộ khu mỏ. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)

Thứ hai, giáo viên phải đặc biệt chú ý đến bản chất nhân văn, nhân bản của giáo dục lịch sử và mục tiêu cao cả nhất của giáo dục lịch sử là hướng đến tương lai hòa bình, hòa giải, hữu nghị và hợp tác. Vì vậy, các thầy cô giáo phải hướng dẫn để học sinh tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp đã dẫn đến cuộc chiến, thông qua đó, làm rõ tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tính chất phi nghĩa trong các hành vi gây hấn, khiêu khích, xâm lược của phía Trung Quốc.

Thứ ba, trong việc biên soạn SGK, các học liệu kèm theo và nhất là trong giảng dạy, học tập về lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc, cần phải làm rõ rằng việc nổ ra cuộc chiến đó là trái với tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, trái với lợi ích cơ bản, lâu dài của hai quốc gia, hai dân tộc.

Thứ tư, quán triệt nguyên tắc khách quan, trung thực, trong giảng dạy, học tập, biên soạn SGK và tài liệu tham khảo khác cần tránh che giấu sự thật, xuyên tạc và bóp méo sự thật lịch sử.

Gác lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến cho nhận thức lịch sử trở nên tồi hơn mà thôi.

Thứ năm, cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị. Muốn chỉ ra những tính chất, đặc điểm nào đó của sự kiện, quá trình, nhân vật lịch sử thì nên để cho sử liệu tự cất lên tiếng nói khách quan, trung thực./.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuộc chiến thể hiện cao độ chủ nghĩa yêu nước
Cuộc chiến thể hiện cao độ chủ nghĩa yêu nước

VOV.VN - Định vị tính chất cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải để khắc sâu hận thù, mà nhắc nhở hai bên bắc cầu hữu nghị vượt qua ngăn cách.

Cuộc chiến thể hiện cao độ chủ nghĩa yêu nước

Cuộc chiến thể hiện cao độ chủ nghĩa yêu nước

VOV.VN - Định vị tính chất cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải để khắc sâu hận thù, mà nhắc nhở hai bên bắc cầu hữu nghị vượt qua ngăn cách.

Infographics: Diễn biến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979
Infographics: Diễn biến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979

VOV.VN - Sau hơn 1 tháng chiến đấu (17/2 đến 18/3/1979), quân và dân ta đã đẩy lùi quân Trung Quốc trên 6 mặt trận lớn trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.

Infographics: Diễn biến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979

Infographics: Diễn biến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979

VOV.VN - Sau hơn 1 tháng chiến đấu (17/2 đến 18/3/1979), quân và dân ta đã đẩy lùi quân Trung Quốc trên 6 mặt trận lớn trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.

Những ký ức ám ảnh của người lính Sư đoàn 356
Những ký ức ám ảnh của người lính Sư đoàn 356

VOV.VN -“Thị xã Hà Giang cách trận địa chiến đấu khoảng 2 giờ đi bộ, là một thế giới yên bình đến kỳ lạ, nhưng chúng tôi không nghĩ quay về đó để hưởng thụ”

Những ký ức ám ảnh của người lính Sư đoàn 356

Những ký ức ám ảnh của người lính Sư đoàn 356

VOV.VN -“Thị xã Hà Giang cách trận địa chiến đấu khoảng 2 giờ đi bộ, là một thế giới yên bình đến kỳ lạ, nhưng chúng tôi không nghĩ quay về đó để hưởng thụ”

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Để thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử
Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Để thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử

VOV.VN - Nhắc đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải là khoét sâu thêm nỗi đau chiến tranh, mất mát mà là để thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử.

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Để thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Để thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử

VOV.VN - Nhắc đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc không phải là khoét sâu thêm nỗi đau chiến tranh, mất mát mà là để thế hệ trẻ hiểu rõ về lịch sử.