Hạn chế phương tiện cá nhân có phải là giải pháp tốt giảm ùn tắc?

VOV.VN - Một nguyên nhân gây ùn tắc giao thông được gọi tên là: phương tiện giao thông cá nhân

Sở GTVT Hà Nội đang cùng Tổng công ty Vận tải Hà Nội xây dựng đề án phát triển nhanh, mạnh, đổi mới hoàn toàn xe buýt để đáp ứng được cỡ 20 - 25% nhu cầu đi lại của người dân (hiện đáp ứng khoảng 10 - 12%).

Từ đó, dự kiến năm 2021-2025 sẽ bắt đầu thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân. Hướng đề xuất là đến năm 2025, nếu thay đổi được thói quen đi lại và nếp sống đô thị của người dân, thì sẽ từng bước giảm phương tiện cá nhân từ khu vực Vành đai 3 trở vào.

Trung bình mỗi tháng có 19.000 phương tiện mới hoạt động, gây áp lực cho giao thông đô thị. Hà Nội như cái áo rất chật. Vậy, với việc hạn chế phượng tiện cá nhân, tình trạng ùn tắc giao thông có được giải quyết?

Thủ phạm có phải chỉ là xe máy?

Trên mạng xã hội, một bloger viết: “Thói quen đi xe máy đã ăn sâu vào hầu hết các tầng lớp dân cư. Đơn giản vì nó tiện lợi hơn xe buýt, xe đạp, đi bộ. Xe máy cũng còn là tài sản lớn của nhiều gia đình. Điều đó cộng với chính sách khuyến khích nhập khẩu, lắp ráp xe máy trong thời gian qua đã nảy sinh hiện tượng lạm dụng xe máy. Rất nhiều học sinh THPT, sinh viên, cán bộ, dù hoàn toàn có thể dùng các phương tiện khác như xe buýt, vẫn sử dụng xe máy để đi học, đi làm”… Chính điều này đã làm cho lượng xe máy ở Thủ đô tăng đột biến trong vài năm gần đây. Theo thống kê, hiện Hà Nội có gần 6 triệu xe máy và có tới 80% dân số tham gia giao thông bằng xe máy.

Thói quen đi xe máy đã ăn sâu vào hầu hết các tầng lớp dân cư.

Tuy nhiên, vấn đề cũng không chỉ ở số lượng xe máy quá nhiều, mà quan trọng là ý thức của người tham gia giao thông bằng xe máy chưa nghiêm túc. Vào giờ cao điểm, xe máy luồn lách giữa các hàng ô tô ken dày; xe máy leo lên vỉa hè và bất cứ khoảng trống nào có thể… Rất nhiều ngã ba, ngã tư ách tắc, chỉ vì một chiếc xe máy đỗ sai làn đường, hoặc cố vượt đèn đỏ làm cản trở làn xe đang lưu thông.

Không chỉ có xe máy, ách tắc giao thông cũng do lượng ô tô tăng quá nhanh. Với điều kiện kinh tế phát triển, nhiều người dân Thủ đô đã có thể mua sắm ô tô để đi lại. Hà Nội hiện có khoảng 500.000 ô tô. Ô tô chiếm dụng 50 - 70% diện tích mặt đường ở chỗ tắc. Bên cạnh đó, nhiều người điều khiển ô tô bằng thói quen đi xe máy vì vậy rất nhiều lái xe ô tô đã đi sai phần đường, lấn hết đường đi của xe máy, rồi cũng chen lấn, cũng tránh vượt trái luật… Phó giám đốc Sở GT-VT Hà Nội  Hà Huy Quang công nhận: “Ô tô gây tắc đường như xe máy”.

Thực trạng này cho thấy, đã đến lúc Hà Nội phải hạn chế cả xe máy lẫn ô tô. Tại  Hội nghị giao ban trực tuyến củaThường trực Thành ủy - HĐND - UBND với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2016, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dành nhiều thời gian nói đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc trong nội đô. “Đã đến lúc tính đến vận động người dân đồng thuận kiểm soát phương tiện cá nhân, không phải chỉ xe máy mà cả ô tô. Nếu không thực hiện thì sẽ không thể đáp ứng được cho một đô thị lớn, đang tăng trưởng rất nhanh”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Làm gì để hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân?

Để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Viện chiến lược GTVT nghiên cứu xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố”.

Theo đề án, lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2020, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết. Từ năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy vào khu vực nội đô (Vành đai 1) từ 7 - 19h hằng ngày; hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2, từ năm 2023, dừng hoạt động đối với xe máy trong Vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3, đến năm 2025, cấm xe máy một số địa điểm trong Vành đai 3. Ô tô cá nhân sẽ hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - đơn vị tư vấn xây dựng Đề án cho biết, mục tiêu của Đề án đưa ra đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng sẽ đạt từ 20 - 25%. Khi phương tiện vận tải hành khách công cộng tăng trưởng thì tiến hành kiểm soát, quản lý phương tiện cá nhân, trong đó áp dụng biện pháp cấm xe máy theo từng khu vực với hình thức lan tỏa, vết dầu loang từ trong khu vực lõi ra ngoài khu vực nội đô.

“Chúng ta kiểm soát từng tuyến phố và từng khu vực, tổ chức phố đi bộ để tạo thói quen cho người dân sử dụng phương tiện thân thiết với môi trường, ví dụ dùng xe đạp, đi bộ để tiếp cận khu vực vận tải hành khách công cộng mà chúng tôi tổ chức những điểm dừng, nhà chờ, bố trí lại những khu điểm dừng, nhà chờ, mà người dân từ ngoại đô đến đấy được và chuyển sang kết nối với những phương tiện khác”, ông Lê Đỗ Mười nêu ý kiến.

Hạn chế phương tiện cá nhân - thời điểm là quan trọng

Tán thành việc hạn chế phương tiện cá nhân trong khu vực nội đô là cần thiết, song một chuyên gia của trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, thời điểm bắt đầu hạn chế phương tiện cá nhân rất quan trọng.

Theo vị đại diện này, Thành phố muốn giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân thì phải đặc biệt chú trọng phát triển giao thông công cộng cũng như phương tiện thu gom hỗ trợ cho giao thông công cộng. Khi phát triển giao thông công cộng tốt và có hệ thống cơ sở hạ tầng để phát triển giao thông phi cơ giới như đi bộ và xe đạp thì những người dân lao động, sinh viên, học sinh sẽ chuyển sang đi bằng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, ở Hà Nội hiện nay, giao thông công cộng chưa đạt 10%, hệ thống thu gom hỗ trợ giao thông công cộng chưa có, mà áp dụng việc cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội đô sẽ rất khó khả thi. Vị đại diện này cho hay: “Kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, dù Đài Loan kinh tế phát triển mạnh và trong thời gian ngắn đã hoàn thành hệ thống BRT, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 40% người dân sử dụng xe máy. Do vậy, có thể khẳng định xe máy vẫn là phương tiện thích hợp cho một bộ phận người dân”.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội cũng cho rằng, việc hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực nội đô từ năm 2021 như Đề án đưa ra là khá vội vàng và khó khả thi. Theo ông Nghiêm, giao thông là nhu cầu thường ngày, nhu cầu cần thiết không những của hoạt động con người mà còn là nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng hiện nay, phương tiện giao thông công cộng chưa có cơ chế khuyến khích, chưa huy động được xã hội hóa thì vẫn phải đảm bảo nhu cầu thông hợp lý của người dân. “Ví dụ như Hà Nội, 15 năm nữa mới đưa đến mức 30% giao thông công cộng, rõ ràng họ phải sử dụng phương tiện cá nhân. Như vậy, trong bối cảnh giao thông công cộng chưa phát triển thì phương tiện giao thông cá nhân là tất yếu”, ông Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.

Trong bối cảnh giao thông công cộng chậm phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì việc đặt ra lộ trình từ năm 2021 hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực nội đô từ vành đai 1 trở vào là khó khả thi. Theo một số ý kiến, việc hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy cần được tính toán cẩn thận, lựa chọn một số địa bàn có đường rộng, đủ cho xe buýt hoạt động, và ít nhất phải 7 - 10 năm nữa mới có thể hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực nội đô./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội cấm phương tiện cá nhân: Cần nhìn “miếng cơm manh áo” người dân
Hà Nội cấm phương tiện cá nhân: Cần nhìn “miếng cơm manh áo” người dân

VOV.VN - Đề án cấm phương tiện cá nhân ngoại tỉnh bắt đầu từ năm 2020 mặc dù mới đang xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học nhưng có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Hà Nội cấm phương tiện cá nhân: Cần nhìn “miếng cơm manh áo” người dân

Hà Nội cấm phương tiện cá nhân: Cần nhìn “miếng cơm manh áo” người dân

VOV.VN - Đề án cấm phương tiện cá nhân ngoại tỉnh bắt đầu từ năm 2020 mặc dù mới đang xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học nhưng có rất nhiều ý kiến khác nhau.

Hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội: Chẵn - lẻ có hiệu quả?
Hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội: Chẵn - lẻ có hiệu quả?

VOV.VN -Xe biển số chẵn, biển số lẻ sẽ được ra đường vào ngày chẵn, ngày lẻ… liệu có khả thi khi mà giao thông công cộng còn quá yếu kém.

Hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội: Chẵn - lẻ có hiệu quả?

Hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội: Chẵn - lẻ có hiệu quả?

VOV.VN -Xe biển số chẵn, biển số lẻ sẽ được ra đường vào ngày chẵn, ngày lẻ… liệu có khả thi khi mà giao thông công cộng còn quá yếu kém.

Chủ tịch Hà Nội đề xuất biện pháp mạnh để hạn chế phương tiện cá nhân
Chủ tịch Hà Nội đề xuất biện pháp mạnh để hạn chế phương tiện cá nhân

VOV.VN - Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng việc có phương án, lộ trình hạn chế phương tiện giao thông để tránh quá tải.

Chủ tịch Hà Nội đề xuất biện pháp mạnh để hạn chế phương tiện cá nhân

Chủ tịch Hà Nội đề xuất biện pháp mạnh để hạn chế phương tiện cá nhân

VOV.VN - Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng việc có phương án, lộ trình hạn chế phương tiện giao thông để tránh quá tải.