Hạn chế xe cá nhân - Giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Sự gia tăng xe máy, ô tô chiếm tới 70% nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí

Dư luận cả nước đều đang đặt mối quan tâm vào sự kiện diễn ra vào trưa 5/10: Lần đầu tiên, tại Bộ Giao thông Vận tải, tân Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ động đăng đàn để được báo chí chất vấn. Tại buổi gặp này, tân Bộ trưởng khẳng định quyết tâm sẽ trình Đề án hạn chế xe cá nhân vào đầu năm 2012.

Đây cũng được xem là tin vui với các chuyên gia về môi trường, bởi những phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều đang làm cho chất lượng không khí ngày càng xấu đi.

Ô nhiễm không khí được các chuyên gia về môi trường ví như những kẻ giết người thầm lặng. Tính đến năm hết năm 2010, cả nước có gần 1,4 triệu ôtô. Tổng số môtô, xe máy đang lưu hành xấp xỉ 33 triệu chiếc. Hàng năm có khoảng 3 triệu môtô, xe máy và 150.000 ôtô mới tham gia giao thông.

Sự gia tăng xe máy, ô tô tạo ra mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng, nhất là ở đô thị và chiếm tới 70% nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí.

Điều đáng nói là hầu hết môtô, xe máy lưu hành ở nước ta đều chưa được kiểm soát khí thải một cách nghiêm ngặt và không được bảo dưỡng, sửa chữa trong quá trình sử dụng nên mức phát thải và tiêu hao lớn. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn quá thấp.

Đa số người dân đều không hiểu rõ tác hại của khí thải. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố đang ngày càng nghiêm trọng, đe dọa tới sức khoẻ con người.

Việc Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định chủ trương hạn chế phương tiện vận tải cá nhân là điều đang được dư luận hết sức chú ý. Hiện nay, môtô, xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất, chiếm 95% về số lượng và đáp ứng 90% nhu cầu đi lại tại các thành phố lớn. Hầu như gia đình nào cũng có ít nhất 1 - 2 chiếc xe máy. Bởi vậy, chủ trương hạn chế mô tô, xe máy sẽ liên quan đến gần như tất cả các gia đình ở Việt Nam.

Cùng với chủ trương này, Bộ trưởng Đinh La Thăng còn động viên cán bộ trong ngành giao thông vận tải, mỗi tuần ít nhất có 1 ngày đi làm bằng xe buýt. Rõ ràng, nếu hạn chế mô tô, xe máy, thì sử dụng phương tiện giao thông công cộng là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân hay chưa? Câu trả lời rõ ràng là chưa. Xe buýt vẫn còn nhiều chiếc cũ kỹ, thải nhiều khí đen gây ô nhiễm môi trường. Xe buýt chạy trên đường thì đánh võng, chiếm nhiều diện tích do đường phố quá nhỏ hẹp.

Nhìn sang các nước bạn, đa số người dân đều đi lại bằng các phương tiện công cộng. Nhưng cùng với xe buýt, họ còn có tàu hoả, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm. Cơ sở hạ tầng, đường xá thì rộng rãi, không quá nhỏ hẹp như chúng ta.

Vì vậy, để hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm. Trước hết là đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng đường phố. Đẩy nhanh tiến trình phát triển các giao thông công cộng như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao mà chúng ta đã khởi động tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Thứ 2 là tăng cường và nâng cao chất lượng xe buýt. Cuối tháng 8 vừa qua, TP HCM đã đưa vào chạy thử nghiệm một số chiếc xe buýt xanh chạy bằng khí nén thiên nhiên - một loại nhiên liệu không có khói bụi và khói đen. Đây được coi là một tín hiệu vui bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, để thực hiện chủ trương mà tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa đưa ra về hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì quan tâm đầu tư và phát triển loại xe buýt xanh này là việc cần làm. Nếu thấy hiệu quả thì nhân rộng ra cả nước.

Mặt khác, hiện nay, trong nội đô các thành phố lớn vẫn xây dựng các toà tháp chung cư nhiều tầng. Như vậy, mật độ dân cư sẽ tăng cao trong nội đô và làm gia tăng tình trạng ùn tắc. Do đó, cần tính đến việc hạn chế, tiến tới chấm dứt xây dựng những chung cư này trong thời gian tới.

Giải phóng vỉa hè dành cho người đi bộ cũng là việc cần làm. Nếu người dân đi lại bằng các phương tiện công cộng thì họ cũng cần phải đi bộ từ nhà ra bến xe buýt, bến tàu, và từ bến xe đến cơ quan. Nếu vỉa hè không có diện tích dành cho họ thì đây cũng chính là một rào cản. Hiện tại, hầu hết các vỉa hè ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đều bị chiếm dụng cho việc để xe máy, ô tô và buôn bán.

Hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân là điều nên xem xét, nhưng các nước đều có lộ trình ít nhất là từ 3 - 5 năm và nhiều hơn là tới 10 năm. Ai cũng thấy các phương tiện cá nhân như mô tô, xe máy quá nhiều sẽ gây nên tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có tới hơn 2 triệu người chết vì ô nhiễm không khí. Việt Nam được coi là một trong những nước có mức độ ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, đe doạ đến sức khoẻ con người. Mặt khác, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam được đánh giá là đang có xu thế ngày càng xấu đi. Những nước ít bị ô nhiễm như Đan Mạch, Thuỵ Điển, Hà Lan mà vẫn vận động người dân hạn chế đi ô tô, tăng cường đi xe đạp. Nữ hoàng Thuỵ Điển và Thủ tướng Hà Lan cũng đi xe đạp để làm gương. Bởi vậy, hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường là việc hết sức quan trọng đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu thực hiện tất cả những giải pháp vừa nêu mà không quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục để mỗi người dân đều có ý thức khi tham gia giao thông và bảo vệ môi trường, thì đây sẽ còn tiếp tục là bài toán nan giải./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên