Hàn gắn những vết thương cho trẻ em khiếm khuyết

Chương trình khám và phẫu thuật nhân đạo của Viện Chỉnh hình – Phục hồi chức năng và Tổ chức Donxa hy vọng sẽ đem lại nụ cười cho hơn 60 bệnh nhân nghèo, phần lớn là trẻ em, tại tỉnh miền núi Sơn La.

Từ 20 - 24/12, Viện Chỉnh hình – Phục hồi chức năng (thuộc Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội) đã tổ chức phẫu thuật miễn phí đợt 1 cho 25 người khuyết tật nghèo của tỉnh Sơn La (trong đó 16 trẻ em). Đầu năm 2011, Viện sẽ tiếp tục phẫu thuật đợt 2 cho những trường hợp đã được chỉ định.

Cuối tháng 11/2010, Viện đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La và Tổ chức phi chính phủ Donxa (Bỉ) đã có chuyến công tác lên địa bàn và tiến hành khám phân loại cho hơn 200 đối tượng khuyết tật nghèo tại thành phố Sơn La và 4 huyện Thuận Châu, Yên Châu, Mường La và Mộc Châu. Qua khám sàng lọc đã chọn ra được hơn 60 đối tượng (trong đó có 42 trẻ em) có chỉ định phẫu thuật, hầu hết là bị di chứng bỏng, dị tật ở bàn tay, bàn chân, co gân gót, thừa ngón, xơ hóa cơ delta…

Bác sĩ Viện Chỉnh hình – Phục hồi chức năng khám bệnh cho các cháu khuyết tật tại Sơn La

Những bệnh nhân này đều được hỗ trợ phẫu thuật, điều trị và phục hồi chức năng miễn phí tại Viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng. Tổ chức Donxa hỗ trợ chi phí khám sàng lọc cho toàn bộ 81 trẻ em khuyết tật tại Sơn La đến khám. Donxa cũng chi trả một pần chi phí phẫu thuật và ngoài ra còn hỗ trợ thêm 21 em có hoàn cảnh khó khăn tiền ăn uống trong thời gian điều trị và kinh phí phương tiện đi về.

“Muốn đưa con đi chữa bệnh nhưng nhà nghèo quá!”

Vợ chồng anh Lù Văn Quân và chị Lù Thị Lánh sinh sống tại một bản người Thái ở ngoại ô thành phố Sơn La. Đã bao lâu nay, anh chị luôn ao ước có đủ tiền để đưa 2 con nhỏ là Lù Thị Chuyên và Lù Văn Mạnh bị di chứng co gân gót đi chữa bệnh. Bản thân anh Quân cũng bị khuyết tật ở chân từ bé nên đi lại hết sức khó khăn. Vì thế mọi việc trong gia đình đều do chị Lánh đảm trách. Chị Lánh ngậm ngùi: “Thương chồng con và muốn đưa các cháu đi khám bệnh lắm chứ, nhưng nhà nghèo quá, chẳng đủ tiền đâu, đành trông ở ông trời vậy”. Và niềm vui đã mở ra trước gia đình nghèo khó này khi các bác sĩ của Viện Chỉnh hình – Phục hồi chức năng đã quyết định phẫu thuật miễn phí cho 2 con của anh chị trong đợt 1. “Chỉ mong sao các cháu được đi lại vui chơi bình thường như các bạn, để chúng khỏi mặc cảm và lớn lên trở thành người có ích thôi”, người mẹ trẻ phấn khởi.

Giống nhiều trường hợp khó khăn khác của tỉnh miền núi Sơn La, 3 bố con anh Quân đều rất xúc động và tin tưởng khi được các bác sĩ khám bệnh miễn phí và chỉ định về Hà Nội phẫu thuật cũng như hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng tại nhà. Nhiều bà mẹ có con bị khuyết tật cho biết, đây là lần đầu tiên con cái họ được tiếp cận bác sĩ trung ương để “tìm ra cái bệnh và chữa cho nó khỏi, vì không tin thầy mo nữa rồi!”.

Quanh năm ngày tháng, những người dân này chỉ biết bám nương, làm rẫy, với quan niệm bệnh tật là do “trời định”. Nhiều khi được cán bộ y tế cơ sở vận động đi khám nhưng tiền không có, phương tiện đi lại cũng không. Thực tế cho thấy, tại các huyện vùng cao Sơn La, để đến được nơi khám bệnh miễn phí lần này với nhiều gia đình cũng là một trở ngại lớn. Đường xa, cheo leo, nhiều đèo dốc, phương tiện đi lại thiếu thốn khiến họ mất khá nhiều thời gian mới đưa được con em tới điểm khám.

Gia đình anh Lù Văn Quân và chị Lù Thị Lánh phấn khởi vì được khám chữa bênh miễn phí

Cảnh báo về nguyên nhân gây bệnh

Bác sĩ Vũ Nam Bình, Phó Viện trưởng Viện Chỉnh hình – Phục hồi chức năng, người trực tiếp khám và phẫu thuật cho các bệnh nhân Sơn La cho biết: Tại các tỉnh miền núi, khá nhiều trường hợp trong cùng một gia đình, hoặc một dòng bị những dạng khuyết tật giống nhau do di truyền, đặc biệt là chứng co gân gót, nghiêng trụ và thừa ngón tay, chân. Ở Thuận Châu, Sơn La, có gia đình 3 bố con đều bị nghiêng trụ hai tay và bị co rút biến dạng khiến việc sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn, hay tại Mường La có 3 chị em họ người Mường là Sồng Thị Nhia, Sồng Thị Nếnh và Lường Thị Mì, các em rất xinh xắn những đều bị chứng thừa ngón.

Bác sĩ Bình cảnh báo, việc kết hôn sớm khi còn trong độ tuổi vị thành niên và kết hôn cận huyết rất phổ biến tại đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều trẻ bị những khuyết tật giống nhau, do mang gene lặn hoặc do di truyền.    

“Một thực trạng cần được khắc phục là hiểu biết về an toàn tai nạn đối với trẻ nhỏ của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nói riêng còn rất hạn chế. Cha mẹ mải lên nương, bận bịu mưu sinh hoặc không để ý trông chừng con nhỏ, khi trẻ đùa nghịch rất dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, và thường gặp nhất là tai nạn bỏng, trong khi để tiếp cận với dịch vụ y tế chuyên sâu đối với những gia đình nghèo là vô cùng khó khăn. Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bị bỏng rất nặng ở mặt, ngực, cánh tay, bàn tay, có em bị bỏng tới 40%; có những trường hợp bị bỏng nặng, cẳng tay và nách bị dính vào nhau, gây mặc cảm, sang chấn về tâm lý, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ”, bác sĩ Bình chia sẻ./. 

Roby trong chuyến khám bệnh từ thiện tại tỉnh Hòa Bình
Donxa - một tổ chức phi chính phủ độc lập do Roby Bauweraerts- chuyên gia về quản trị nhân lực người Bỉ sinh năm 1969 và cộng sự sáng lập năm 2001. Donxa hoạt động dựa trên các dự án viện trợ nhân đạo tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt hướng tới đối tượng trẻ em nghèo khuyết tật. Cái tên Donxa cũng rất có ý nghĩa, bởi dự án đầu tiên dành cho trẻ khuyết tật mà Roby triển khai là tại làng Đơn Xá của tỉnh Hà Nam.

Roby cho biết, trước đó, chương trình nhân đạo của Donxa đã hỗ trợ khám và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo khuyết tật tại Hà Nam, Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Lần này tới Sơn La, ông hy vọng sẽ giúp đỡ nhiều hơn nữa những số phận không may mắn. Năm 2011, Donxa sẽ tiếp tục đồng hành cùng Viện Chỉnh hình – Phục hồi chức năng khám và điều trị cho bệnh nhân các huyện còn lại của Sơn La.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên