Hàng nghìn sinh viên buộc thôi học: Cần làm gì để sàng lọc chất lượng?

VOV.VN - Sau sự việc hàng nghìn sinh viên các trường bị buộc thôi học đã đặt ra vấn đề cần làm gì để sàng lọc được chất lượng sinh viên?

Không chỉ riêng Việt Nam mà tại tất cả các trường đại học trên thế giới, việc sàng lọc, đào thải sinh viên kém chất lượng đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Thế nhưng, thời gian gần đây, vấn đề này lại khiến dư luận trong nước xôn xao. Không ít người đặt câu hỏi: Liệu đây có phải là lổ hỗng của công tác hướng nghiệp, phân luồng ở bậc phổ thông và sự sàng lọc này có đang tạo tổn thất lớn cho xã hội, cho đất nước hay không?

Năm học 2016-2017, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đã quyết định buộc thôi học 946 sinh viên. Trước đó, nhà trường đã cảnh báo học vụ với gần 2 ngàn sinh viên có chất lượng học tập kém. Cùng thời điểm này, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng công bố danh sách 617 sinh viên các khóa thuộc diện bị thôi học và cảnh báo học vụ vời gần 670 sinh viên khác.

Các trường ĐH, CĐ cho biết sàng lọc sinh viên là điều cần làm để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Đầu tháng 11 này, Trường Đại học Luật TPHCM đã buộc thôi học 112 sinh viên có thành tích học tập không đảm bảo yêu cầu. Tỷ lệ sinh viên “rơi rụng” đối với hệ vừa làm vừa học của trường này còn nhiều hơn khi chỉ 40% sinh viên đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, đây là việc làm cần thiết để xã hội có được những chuyên gia, những cử nhân học đúng ngành nghề, đúng nguyện vọng và ra trường có thể thực sự làm tốt công việc của họ: “Nếu như các trường đã có chính sách hỗ trợ sinh viên tốt, đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của sinh viên một cách thấu đáo và đã đưa ra tất cả các biện pháp hỗ trợ sinh viên học tập nhưng các em vẫn không đạt được chuẩn đầu ra của trường đại học thì việc sàng lọc là tất yếu. Chúng tôi nghĩ rằng xã hội nên tiếp nhận việc này một cách tích cực.”.

Tương tự các trường, mỗi năm, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng sàng lọc gần 300 sinh viên không đạt tiêu chuẩn. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo nhà trường cho biết, đây việc hoàn toàn bình thường chứ không phải một hiện tượng đáng gây xôn xao. Đứng ở góc độ chuyên môn, theo ông Sơn, có nhiều lý do khiến sinh viên xao nhãng việc học dẫn đến kết quả học tập kém. Trong đó, việc chưa được hướng nghiệp tốt khiến không ít sinh viên chọn sai ngành, vào sai lớp, dần dần cảm thấy chán nản, đuối sức. Cũng có một bộ phận sinh viên vì chưa lượng được sức mình nên đăng ký quá nhiều môn học cùng lúc hoặc làm thêm quá nhiều giờ nên kham không nổi.

“Tỷ lệ sinh viên bị đào thải nhiều nhất tại các trường là ở năm thứ nhất. Nguyên nhân khiến sinh viên bị đào thải phần lớn là do các em không định hình được phương pháp học tập ở đại học và không lựa chọn đúng ngành nghề mà bản thân yêu thích. Đến khi vào học sinh viên mới nhận ra điều đó. Khi ấy các em có thể sẽ bỏ bê việc học hoặc tự đào thải bản thân thông qua hình thức tự thôi học.” Ông Sơn cho biết.

Một bộ phận sinh viên đăng ký quá nhiều môn học cùng lúc hoặc làm thêm quá nhiều giờ nên không đảm bảo chất lượng học.
Theo ông Trần Thành Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển nguồn nhân lực Quốc tế, tình trạng sinh viên đậu đại học rồi bị sàng lọc nếu cứ trên đà như hiện nay sẽ tạo ra sự tổn thất lớn cho xã hội. Do vậy, hạn chế tỷ lệ này là việc các trường đại học cần nghĩ đến bằng nhiều giải pháp. Trước hết, các trường đại học cần tổ chức chương trình sinh hoạt đầu năm thật chu đáo và giúp sinh viên định hướng lại ngành học thật kỹ vào thời điểm khai giảng. Tự bản thân sinh viên cũng phải thật cẩn trọng, cân nhắc, tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình yêu thích. Bên cạnh đó, các em phải tham khảo nhiều kênh chứ đừng chọn ngành học theo trào lưu để khi vào học thực tế mới vỡ lẽ mình không đủ khả năng đi đến cùng.

Ông Trần Thành Hưng nói: “Khi sinh viên vào trường rồi nghỉ thì mất thời gian, tiền bạc của bố mẹ rồi nhiều khi sai định hướng tạo sự hoảng loạn trong các em. Cho nên, nếu thật sự vấn đề đến như vậy rồi thì công tác, hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo và định hướng lại cho sinh viên cực kỳ quan trọng”.

Bên cạnh việc siết lại hoạt động của đội ngũ cố vấn học tập, đẩy mạnh công tác đoàn, hội, nhiều trường đại học, cao đẳng tại TPHCM đang hướng đến việc tạo kênh kết nối với phụ huynh để kịp thời thông tin tình hình học tập của sinh viên đến gia đình. Các trường mong rằng sự nỗ lực và quan tâm sát sao của đội ngũ sư phạm sẽ tạo động lực để sinh viên cố gắng học tập tốt nhất, tránh trường hợp bị đào thải giữa chừng. Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho hay:

“Chúng tôi đang xây dựng các giải pháp trong đó có việc sẽ báo cáo tình hình học tập hiện tại sinh viên cho gia đình các em biết. Chúng tôi đang hướng đến một giải pháp công nghệ để cung cấp tài khoản giúp phụ huynh có thể tự tra cứu kết quả học tập của con em mình, cùng chung tay theo dõi tiến trình học tập của sinh viên tại nhà trường.”.

Đại diện nhiều trường khẳng định: Buộc sinh viên thôi học là điều không một cơ sở giáo dục nào mong muốn. Tuy nhiên, để đảm bảo đào tạo được đội ngũ nhân lực đạt chuẩn chất lượng ngày càng cao của thị trường lao động, đòi hỏi các trường phải sàng lọc thật kỹ. Trong quá trình “gạn đục khơi trong” này, các trường mong nhận được sự hợp tác tích cực từ phía sinh viên cũng như phụ huynh để tránh trường hợp rớt oan, ngồi nhầm lớp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại học công lập tăng học phí phải minh bạch về chất lượng đào tạo
Đại học công lập tăng học phí phải minh bạch về chất lượng đào tạo

VOV.VN -Các trường ĐH cần công khai chất lượng đào tạo để người dân biết trường ĐH đó giảng dạy có xứng đáng với mức học phí đã thu của sinh viên không.

Đại học công lập tăng học phí phải minh bạch về chất lượng đào tạo

Đại học công lập tăng học phí phải minh bạch về chất lượng đào tạo

VOV.VN -Các trường ĐH cần công khai chất lượng đào tạo để người dân biết trường ĐH đó giảng dạy có xứng đáng với mức học phí đã thu của sinh viên không.

Siết chặt chất lượng đào tạo đại học từ xa
Siết chặt chất lượng đào tạo đại học từ xa

VOV.VN -Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020” có nhiều cơ chế, chính sách quản lý, nâng cao chất lượng của loại hình đào tạo từ xa.

Siết chặt chất lượng đào tạo đại học từ xa

Siết chặt chất lượng đào tạo đại học từ xa

VOV.VN -Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020” có nhiều cơ chế, chính sách quản lý, nâng cao chất lượng của loại hình đào tạo từ xa.

 Bỏ điểm sàn xét tuyển nguy cơ giảm chất lượng đào tạo đại học
Bỏ điểm sàn xét tuyển nguy cơ giảm chất lượng đào tạo đại học

VOV.VN - Điểm sàn là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo, nên Bộ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến của chuyên gia

 Bỏ điểm sàn xét tuyển nguy cơ giảm chất lượng đào tạo đại học

Bỏ điểm sàn xét tuyển nguy cơ giảm chất lượng đào tạo đại học

VOV.VN - Điểm sàn là một trong những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo, nên Bộ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến của chuyên gia