Hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó với bão số 3
VOV.VN - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu: Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, cần huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.

Ngày 20/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với cơn bão số 3 (tên quốc tế là WIPHA).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Mặc dù triển khai các biện pháp cứu hộ trong điều kiện rất khó khăn, đến nay, các lực lượng chức năng đã cơ bản hoàn thành công tác trục vớt tàu và tìm kiếm nạn nhân nhưng vẫn còn một số trường hợp mất tích. Các lực lượng chức năng đang tích cực huy động nhân lực, phương tiện nhằm tiếp tục tìm kiếm.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác quy mô, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão. Hiện nay, theo nhận định, bão có thể ảnh hưởng tới khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, thậm chí còn rộng hơn do tác động của hoàn lưu sau bão. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, cần huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương, thống nhất hành động khẩn cấp để kịp thời phòng, tránh và ứng phó hiệu quả với bão.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, dự báo sáng 21/7 cơn bão đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 10 - 11, giật cấp 14; đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7. Từ ngày 21/7 đến 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Tính đến 9h sáng 20/7 thì bão còn cách đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng là 670 km. Sức gió đang càng ngày càng tăng lên và đến thời điểm này thì gió cấp 11, giật cấp 13. Dự báo bão mạnh nhất đạt cấp 12 trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông và đến sáng ngày 21/7 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ, di chuyển nhanh hơn dự báo trước đây.
"Quan ngại nhất một là các địa phương dọc tuyến biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, gió có thể không to như bão YAGI. Theo dự báo, gió chỉ cấp 8, cấp 9, tâm bão khoảng cấp 10. Tuy nhiên, với gió này là cây sẽ đổ hết. Như hôm qua, mới cấp 7 mà đã có 400 cây bị đổ tại Hà Nội. Tôi đề nghị các địa phương dọc ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh là phải rất lưu ý, cắt tỉa cành cây và có các giải pháp để phòng chống. Đặc biệt là cành cây không để cây đổ, vì cây đổ liên quan đến dây điện, xe cộ, phương tiện" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.

Tính đến 6h30 sáng 20/7, đã thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.300 phương tiện/227.194 người biết diễn biến, hướng đi của Bão để chủ động phòng tránh. Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết: "Khoảng 8h sáng ngày 21/7 thì tâm bão sẽ bắt đầu đi vào vịnh Bắc Bộ nhưng hoàn lưu của bão ảnh hưởng sớm hơn. Khoảng 3-4h sáng có thể đã bắt đầu ảnh hưởng rồi, vùng gió mạnh của cơn bão đi trước và phía Nam cơn bão. Như vậy, trong sáng 21/7 là phải cấm biển Bắc Bộ sớm hơn khoảng trước 10 giờ, còn Trung Bộ thì có thể cấm biển trước 13h - 14h chiều".
Tại cuộc họp lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình... đã thông tin về tình hình ứng phó với cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: "Chúng tôi đã thông báo quyết định cấm biển từ 7h sáng 21/7. Còn lại 202 tàu, chiếm 10,8 % thì đang hoạt động trên biển thì đã thông tin tuyên truyền để di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão; về di dời người dân ngoài vùng đê có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ cũng đã thông báo cho tất cả các người dân đang lao động sản xuất tại các khu vực này và thống nhất là 12h trưa".
Tại cuộc họp, các cơ quan đơn vị cũng đã thông tin về việc đảm bảo trạm phát sóng, trạm vệ tinh, điện để đảm bảo kết nối phục vụ hoạt động ứng phó với thiên tai.