Một thế giới biến động, phức tạp và khó đoán sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vẫn hiện hữu, bất chấp sự kết nối và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các quốc gia cũng như những tiến triển nổi bật của các tổ chức đa phương.

Ông Bilahari Kausikan, Chủ tịch Viện Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore nhận định, mặc dù thế giới đang ở trong giai đoạn cạnh tranh Mỹ - Trung diễn ra gay gắt nhưng việc sử dụng cụm từ chiến tranh lạnh mới để miêu tả về cuộc cạnh tranh này là không chính xác.

Theo chuyên gia này, trong cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây, Mỹ và Liên Xô dẫn đầu những hệ thống khác nhau và cuộc cạnh tranh của họ diễn ra nhằm xem hệ thống nào chiếm ưu thế hơn. Trái lại, ngày nay, Mỹ và Trung Quốc đều là những nhân tố quan trọng không thể thay thế trong một hệ thống có kết nối với nhau và với những phần khác của hệ thống. Các nền kinh tế khác nhau cùng tồn tại trong một hệ thống toàn cầu đơn nhất với chuỗi cung ứng có mật độ dày đặc và sự phức tạp ở quy mô chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Đây chính là sự khác biệt cơ bản. Sự cạnh tranh giữa các hệ thống để xem hệ thống nào chiếm ưu thế không giống với sự cạnh tranh trong một hệ thống.

Đó là lý do tại sao dùng khái niệm "chiến tranh lạnh mới" để chỉ cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung là không phù hợp. Điều này không khiến cho cuộc cạnh tranh trở nên ít căng thẳng hơn mà thậm chí còn cho thấy sự phức tạp của tình hình hiện nay.

Bà Anna Kireeva thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Moscow cũng đồng ý với quan điểm này khi cho rằng, những gì đang diễn ra hoàn toàn không giống với một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Bất chấp căng thẳng Mỹ - Trung bị đẩy lên cao trào, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc “đại phân ly” dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump, sự tách rời có chủ đích trong quan hệ Mỹ - Trung chỉ diễn ra trong những lĩnh vực cụ thể liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm viễn thông, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học và công nghiệp dược phẩm giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Tuy nhiên, theo bà Anna Kireeva, sẽ không có bất kỳ sự tách rời đáng kể nào gợi nhắc về những chia rẽ trong Chiến tranh Lạnh.

Các quốc gia khu vực hiện nay không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Về phía Nga, nước này cũng không hoàn toàn hoan nghênh ý tưởng hình thành một liên minh quân sự toàn diện với Trung Quốc.

Nói về lập trường của Nga, chuyên gia này cho biết, Nga một mặt thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc nhưng cũng cùng lúc duy trì quan hệ thân thiết với những quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Từ lâu, Nga đã cố gắng tránh xung đột với các quốc gia khác ở châu Á. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc ngày càng trở nên sâu sắc bởi những mối quan tâm chung nhưng hai bên sẽ không trở thành liên minh toàn diện với những đảm bảo an ninh bởi điều này sẽ cản trở quá trình ra quyết định độc lập của mỗi nước. Nga nhận thấy không cần thiết phải tuân theo các chính sách của Trung Quốc ở châu Á và sẽ không hy sinh lợi ích của mình vì Bắc Kinh. Vì thế, nước này quay lại lập trường trung lập chiến lược trước những tranh chấp khu vực, bao gồm cả tranh chấp ở Biển Đông. Trên thực tế, Moscow có thể sẽ hoan nghênh một trật tự khu vực đa trung tâm và không thực sự chiếm ưu thế bởi bất kỳ cường quốc nào.

Ấn Độ mặc dù hợp tác sâu sắc với Mỹ và Nhật Bản nhưng dường như không sẵn sàng trở thành một đồng minh toàn diện của Mỹ. Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Indonesia đều có quan điểm riêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, làm gia tăng tính phức tạp của trật tự khu vực.

Hiện nay, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn then chốt giữa bối cảnh Trung Quốc tìm cách vươn lên, tăng cường cả về sức mạnh chính trị, quân sự và kinh tế. Ngày càng nhiều xung đột và tranh chấp diễn ra giữa Trung Quốc với các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Biển Đông.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu: “Biển Đông, nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, là hàn thử biểu rõ rệt đối với hoà bình, ổn định và hợp tác ở cả khu vực rộng lớn này. Những diễn biến ở Biển Đông, dù là diễn biến tốt, hay không tốt, sẽ dễ dàng trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực, và ở các khu vực khác trên thế giới”.

Ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia, Chủ tịch và là CEO của Viện Chính sách Xã hội châu Á nhận định, Biển Đông là khu vực diễn ra nhiều tranh chấp trong quá khứ và hiện tại. Trọng tâm chiến lược của Trung Quốc hiện đang chuyển hướng sang các thỏa thuận thăm dò và khai thác tài nguyên song phương với các nước trong khu vực. Mặc dù có thể thay đổi cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn, song về dài hạn, tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không hề thay đổi. Sự thay đổi về hành vi không dẫn đến bất kỳ sự dịch chuyển nào trong quan điểm chung của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Chuyên gia Stephen Nagy – học giả cấp cao tại Viện Macdonald –Laurier, giáo sư cấp cao tại Phòng Nghiên cứu Chính trị Quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế cũng có chung quan điểm này.

Nhà quan sát này chỉ rõ, Trung Quốc đã dịch chuyển từ cách tiếp cận theo hướng đối đầu, xung đột ở Biển Đông sang tập trung vào sự hợp tác với mỗi bên liên quan ở vùng biển này, đồng thời giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng những hướng tiếp cận không tuân thủ luật pháp một cách tuyệt đối.

Trung Quốc ưu tiên thực hiện lợi ích quốc gia qua việc thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ song phương trong khu vực nhằm đảm bảo các tổ chức đa phương sẽ không xuất hiện và hành động như một cơ chế đối trọng với nước này.

Về cạnh tranh Mỹ - Trung ở Biển Đông, theo ông Nagy, Trung Quốc coi Biển Đông là “sân sau”, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia khu vực xác định, đây là một vùng biển quốc tế và được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế. Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, và EU đã đưa ra tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như các chiến lược tập trung vào sự minh bạch, xây dựng các cơ chế giải quyết các thách thức khu vực, trong đó có thách thức trên Biển Đông.

Chuyên gia này cho rằng, các bên liên quan ở Biển Đông không chỉ là các nước ASEAN và Trung Quốc mà là bất kỳ quốc gia nào sử dụng liên lạc vệ tinh cho vận tải, nhập khẩu hàng hóa và năng lượng tại vùng biển này.

Trong khi đó, Phó Đô đốc Yoji Koda thuộc Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản đã đặt câu hỏi về mục đích tăng cường hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc hiện nay. Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, trong đó có những tàu sân bay lớn, các tàu khu trục mang tên lửa, các đội tàu ngầm... Không chỉ vậy, lực lượng hải quân Trung Quốc còn được hỗ trợ bởi các lực lượng khác trong quân đội Trung Quốc, đặc biệt là lực lượng tên lửa và các lực lượng được hỗ trợ công nghệ cao với khả năng kiểm soát trong những lĩnh vực mới như an ninh mạng, không gian và một số lĩnh vực khác.

Nguồn: Reuters

Sự gia tăng nhanh chóng sức mạnh của hải quân Trung Quốc cũng như các khả năng quân sự khác đang là những nhân tố chính ảnh hưởng đến tình hình an ninh Biển Đông.

Phó Đô đốc Koda đánh giá, những vấn đề nghiêm trọng ở Biển Đông hiện vẫn chưa được giải quyết và có thể kéo dài trong 1 hoặc 2 thập kỷ tới.

Theo quan chức này, những quốc gia như Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ không phải là những "người ngoài cuộc" ở Biển Đông bởi vùng biển này là tài sản chung của mọi quốc gia.

Ông Marty Natalegawa - cựu Ngoại trưởng Indonesia đánh giá, việc Biển Đông đang ngày càng trở nên nóng hơn đang là một thách thức với ASEAN.

Ông Marty Natalegawa nhận định, trên thực tế, không phải các nước ASEAN đều quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Cựu Ngoại trưởng Indonesia dẫn ra rằng, khi bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông, nhiều văn kiện chính thức chỉ nói rằng "một số nước thành viên ASEAN bày tỏ quan ngại". Thông điệp này chưa đủ mạnh mẽ, bởi chỉ có một số nước quan tâm, còn những nước còn lại không quan tâm đến vấn đề này.

Chuyên gia Nagy cũng cho rằng, sự thay đổi hành vi của Trung Quốc đang tạo ra sức ép cho ASEAN với tư cách là một khối thống nhất trong việc đạt được sự nhất trí về COC, cũng như giải quyết những thách thức trong khu vực.

Còn theo ông Kevin Rudd, áp lực từ cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung khiến các nước ASEAN xích lại gần nhau, hợp tác để có tiếng nói chung ứng phó với các siêu cường trên thế giới. Dù vậy, cựu Thủ tướng Australia cho rằng, ASEAN mặc dù đạt được nhiều thành công nhưng thời gian tới, khối này vẫn cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường sự đoàn kết và thống nhất.

Bà Amanda Milling thuộc Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung Anh Quốc cho biết, với tư cách là đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN, Anh tin tưởng, ủng hộ quan điểm lấy ASEAN làm trung tâm, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Anh cũng cho rằng cần giải quyết vấn đề khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Bà Milling khẳng định: “Luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS là nền tảng pháp lý quan trọng, là khuôn khổ pháp lý cần thiết duy nhất chúng ta có thể sử dụng để giải quyết tranh chấp hiện nay”.

Bà Milling cũng cho biết, Anh phản đối các hành vi bắt nạt, cưỡng ép của Trung Quốc với các nước khác ở Biển Đông. Đây không phải là một hành vi nên có của một nước lớn với các nước láng giềng.

Anh hy vọng thời gian tới các nước khu vực và Trung Quốc đi tới ký kết COC bởi chừng nào Biển Đông vẫn còn tranh chấp thì chừng đó vẫn còn nhiều rủi ro với môi trường biển và vấn đề biến đổi khí hậu ở vùng biển này.

Dù sự đoàn kết và vai trò trung tâm bị thách thức nhưng ASEAN vẫn giữ một vị trí quan trọng để tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, duy trì các điều kiện và chuẩn mực nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp. Cùng với đó, COC được coi là một trong những công cụ pháp lý và chính trị then chốt của khu vực để giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ngăn chặn và quản lý xung đột. Để tranh chấp trên Biển Đông không nằm ngoài tầm kiểm soát là một vấn đề mang tính dài hơi, đòi hỏi các quốc gia phải học cách sống cùng với thực tế này và tìm ra giải pháp.

Con đường giải quyết những tranh chấp có thể còn dài nhưng chỉ cần đi đúng hướng và có sự nỗ lực từ các bên, chúng ta có thể tiến gần đến những mục tiêu đặt ra và hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định hơn./.

Thứ Tư, 06:15, 24/11/2021