Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng vào nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, đến 25/9, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa có 36 tàu với 500 người trong vùng tâm bão số 4. Chính vì vậy, trong cuộc họp diễn ra chiều 25/9 của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ban, ngành, địa phương tìm mọi cách liên hệ với các chủ tàu đang còn trên biển để hướng dẫn và kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng vào bờ.

Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng cho biết; trên vùng biển nước ta hiện có 36 tàu hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, 92 tàu hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa và trên các vùng biển có 27.100 tàu hoạt động. Trước tình hình khẩn cấp, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với Trung Quốc cho 92 tàu đang trong vùng tâm bão thuộc quần đảo Hoàng Sa được vào tránh trú, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Do thời gian rất gấp, từ 25/9 đến 26/9, các địa phương ven biển từ Nghệ An đến Khánh Hòa cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội biên phòng, gia đình các chủ tàu tăng cường thông báo diễn biến cơn bão số 4, kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng vào nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời các địa phương tổ chức rà soát và di chuyển người dân ở khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển, kiên quyết không cho ở lại.

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các địa phương khẩn trương sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào đất liền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn khi có bão, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Để chủ động đối phó với bão và mưa to đến rất to trên đất liền, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: “Chủ yếu mưa tập trung trong thời gian trước và sau bão, từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế sẽ có mưa to đến rất to. Ước đoán, lượng mưa khoảng 100 - 300 mm, mưa dồn dập trong vòng 24 tiếng”.

Trong những ngày qua và các ngày tới, lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên nhanh. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cảnh báo: 15 ngày tới sẽ thời điểm căng thẳng nhất trong mùa lũ năm nay ở lũ khu vực này. Khu vực này vẫn còn 270.000 ha lúa vụ 3 có nguy cơ mất trắng. Các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa vụ và huy động mọi lực lượng bộ đội, công an, thanh niên tham gia gia cố bờ bao để bảo vệ lúa và người dân, đồng thời chú trọng công tác quản lý học sinh đi lại trong mùa nước lũ.

Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Chính quyền phải tổ chức huy động tổng lực cùng với dân để đối phó. Lũ đang lên và sẽ lên đến tận ngày 29/9 và sau ngày 29/9, dự báo sông nước Mekong đến tận trung tuần tháng 10 xuống một ít rồi lại tiếp tục lên. Để đối phó với lũ, sơ tán dân khỏi nơi sạt lở, phải khẩn trương gia cố bờ bao, chống tràn, sắp xếp trông trẻ và đưa học sinh đi học”.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, các phương tiện truyền thông tăng cường thông tin diễn biến cơn bão số 4 và tình hình nước lũ đang lên nhanh tại đồng bằng sông Cửu Long. Các Bộ, ban, ngành, địa phương ven biển cần triển khai các phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng đối phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn, sạt lở đất đảm bảo an toàn cho người, tài sản.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, các Bộ, ban, ngành, địa phương tìm mọi cách liên hệ với các chủ tàu đang còn trên biển để hướng dẫn và kêu gọi tàu thuyền nhanh chóng vào bờ. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị: “Ủy ban tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo Bộ đội biên phòng, các lực lượng, UBND tăng cường công tác kêu gọi tàu thuyền. Yêu cầu các địa phương bố trí các bến đỗ nơi neo đậu, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, tổ chức canh trực các điểm giao thông. Chuẩn bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn để hỗ trợ bảo vệ  tài sản và tính mạng của nhân dân”.

Trong ngày 25/9, các đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với tỉnh Hòa Bình đang chỉ đạo xử lý  khắc phục sự cố hồ Vưng, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc. Các đơn vị thi công đã cho nổ mìn hạ thấp đường tràn tự do, xếp rọ đá kè khu vực hạ lưu đập, làm tầng lọc ngược để  thoát nước thấm, dẫn dòng thấm ra xa khu vực chân đập. Hiện nay, đập hồ Vưng vẫn an toàn trong tầm kiểm soát./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên