Khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão số 7

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 7 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 10 giờ sáng nay (11/9), vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 109, 1độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển phía Tây Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Tối nay, bão sẽ vào vùng biển Vịnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Đến 22 giờ ngày hôm nay 11/9, vị trí tâm bão ở vào 19, 9 độ vĩ bắc, 106,5 độ kinh đông trên khu vực ven biển các tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 150 km. Từ chiều và tối nay, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9 cấp 10, riêng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao 3-5m. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Các tỉnh Bắc trung bộ khẩn trương kêu gọi tàu thuyền còn ở ngoài khơi nhanh chóng vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Trong đó, thành phố Đà Nẵng hiện còn 15 tàu với 282 lao động, Quảng Ngãi 13 tàu với 171 lao động chưa vào bờ. Riêng thành phố Hải Phòng còn 3 tàu là HP 2161, HP 2143 và HP 2323 hiện chưa liên lạc được.

Trong ngày hôm nay, các địa phương huy động nhân công thu hoạch nhanh diện tích lúa hè thu với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho nông dân. Hiện Thanh Hóa còn gần 120.000 ha lúa chưa thu hoạch, Nghệ An 41.000 ha, Quảng Nam 41.000 ha, Quảng Ngãi 27.000 ha, Quảng Bình 13.000ha, Hà Tĩnh 17.000ha ,  Ninh Bình 39.000ha. 

Kiểm tra thực trạng và có phương án phòng chống lũ an toàn cho các hồ chứa. Triển khai phương án đối phó với những diễn biến xấu nhất có thể xảy ra tại các hồ chứa từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Đặc biệt là các hồ chứa đang thi công như hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa), Rào Đá (Quảng Bình), Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Nước Trong (Quảng Ngãi)… Chủ động điều tiết tiêu thoát nước đệm sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn.

Các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, thành phố Hải Phòng khẩn trương kiểm tra các điểm xung yếu trên hệ thống đê sông, đê biển. Đặc biệt đối với những công trình đang thi công phải có biện pháp gia cố mái đê phía biển, hoàn trả lại cao trình đỉnh đê và huy động các lực lượng, vật tư, thiết bị tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu khi có lũ, bão xảy ra. Nhanh chóng huy động nhân dân di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản vào bờ,  tuyệt đối không để người và phương tiện trên biển vào ban đêm.

Các huyện miền núi ở Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình kiểm tra phương án phòng chống lụt bão tại các khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, những vùng ven sông, ven suối, vùng thấp trũng ven sông Hoàng Long, vùng phân lũ Gia Viễn (Ninh Bình)… để chủ động sơ tán, di dời dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu xảy ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên