Khắp nơi tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công

Ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, khắp nơi trên cả nước tổ chức nhiều hoạt động tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công.

** Ông Đinh Thế Huynh dâng hương, tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Trị

Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sỹ, sáng nay (27/7), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đến dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang trong tỉnh Quảng Trị và thăm, tặng quà một số gia đình chính sách.

Ông Đinh Thế Huynh đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Đền Tưởng niệm liệt sỹ - Khu di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, dâng hương Nghĩa trang Liệt sỹ thị xã Quảng Trị, Nghĩa trang huyện Triệu Phong. (Đình Thiệu/VOV-Miền Trung)

** Phát hành bộ tem bưu chính đặc biệt “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng"

Sáng nay, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ mit tinh kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, các đại biểu kính cẩn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc, của quê hương Quảng Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước…

Sau 15 năm tái lập, tỉnh Quảng Nam đã xác nhận hơn 10.800 liệt sĩ, 3.500 thương binh, người hưởng chính sách, hơn 36.600 người có công với cách mạng và hàng ngàn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 7.400 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Những năm qua, cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi, công tác chăm sóc người có công với cách mạng gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước được xã hội hóa, với nhiều hoạt động ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: “Để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với nước, vận động toàn xã hội tham gia công tác hoạt động đền ơn đáp nghĩa, trong thời gian tới Quảng Nam cần tập trung tổ chức thực hiện tốt pháp lệnh ưu đãi người có công, giúp đỡ có hiệu quả về vật chất cũng như tinh thần đối với các gia đình chính sách, phấn đấu đến năm 2015 có 100% bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được nhận phụng dưỡng một cách chu đáo đến cuối đời; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, đảm bảo người có công có cuộc sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân nơi cư trú.

Cũng trong sáng nay, tại thành phố Tam Kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phát hành bộ tem bưu chính đặc biệt “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”, lấy nguyên mẫu Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ. (Hoài Nam/VOV-Miền Trung)

** Hậu Giang làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, qua hơn 8 năm kể từ ngày thành lập tỉnh đến nay, với nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vận động được  gần 100 tỷ đồng, tỉnh đã xây dựng 3.900 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 300 căn nhà hư hỏng. 

Ngoài ra, hằng năm Sở còn tổ chức điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho hơn 2.000 người có công; tổ chức nhiều đoàn thăm viếng, tặng quà các gia đình chính sách  nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc, ngày thương binh liệt sĩ.

Kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh liệt sĩ năm nay, đã có hơn 2.600 đối tượng được tỉnh tặng quà. (Tấn Phong/VOV-ĐBSCL)                                              

** Điện Biên tuyên dương thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công

Sáng cùng ngày, tỉnh Điện Biên tổ chức mít tinh kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ và tuyên dương các thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn.

Toàn tỉnh Điện Biên hiện có trên 13.640 thương bệnh binh, người có công với cách mạng có hồ sơ quản lý và được chi trả trợ cấp. Thực hiện chính sách với người có công, bên cạnh triển khai đầy đủ các chế độ chính sách liên quan, từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ xem xét, quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 13 liệt sĩ các thời kỳ, giải quyết cho trên 100 thân nhân liệt sỹ được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng.

Toàn tỉnh cũng đã hỗ trợ sửa chữa và xây mới 190 nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng; đồng thời thực hiện tốt chính sách ưu đãi về giáo dục, tạo điều kiện cho gần 600 con em thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. 8 nghĩa trang liệt sỹ, với trên 6.640 ngôi mộ liệt sỹ được sửa chữa, tu bổ thường xuyên thể hiện trách nhiệm, tình cảm của chính quyền và nhân dân với những người đã hy sinh vì đất nước.

Với sự quan tâm đó, hiện nay các gia đình chính sách ở tỉnh Điện Biên đều bảo đảm có mức sống tù trung bình trở lên. Nhiều thương binh, liệt sỹ, các gia đình chính sách còn phát huy tinh thần vượt khó, không chỉ vươn lên khá giàu, mà còn giúp nhiều đồng đội và nhân dân thoát đói nghèo.

Dịp này, tỉnh Điện Biên đã tuyên dương 50 thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu trong các lĩnh vực ở tỉnh. (Bích Thủy/VOV-Tây Bắc)

** Đắk Hà- Kon Tum giới thiệu hồi ký của Anh hùng A Tranh

 Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ, sáng nay (27/7) huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu, và giới thiệu hồi ký của anh hùng lực lượng vũ trang A Tranh, dân tộc Xê Đăng.

Tại Hội nghị, 45 gương tiêu biểu, đại diện trên 1.000 thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công của huyện Đắc Hà đã được biểu dương, khen thưởng.

Phát huy truyền thống yêu nước, người lính “Bộ đội cụ Hồ”, trong suốt những năm qua, 45 thương bệnh binh, gia đình chính sách tiêu biểu của huyện Đắc Hà đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên, có cuộc sống ngang bằng và cao hơn mặt bằng chung, đồng thời là hạt nhân nòng cốt, đi đầu trong các phòng trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng Thân, thương binh 3/4, tổ dân phố 2, thị trấn Đắc Hà, vợ mất sớm vì căn bệnh ung thư, một mình nuôi ba con ăn học cho biết: “Trong hoàn cảnh vợ tôi bị ung thư, các con vào đại học, gia đình tôi rất khó khăn cho nên tôi xác định phát triển kinh tế đúng hướng, đúng pháp luật. Năm 2009 tôi làm được một căn nhà cấp 4, rộng 150m2, trị giá 350 triệu đồng. Hiện nay 3 con của tôi đã tốt nghiệp đại học, ra công tác có việc làm ổn định, gia đình tôi đã đủ điều kiện cuộc sống và cuộc sống kinh tế vươn lên”.

Tại Hội nghị, huyện Đắk Hà đã giới thiệu cuốn hồi ký “Như núi như sông” của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Tranh, sinh năm 1924, tại xã Đắk Ui, người con tiêu biểu của dân tộc Xê Đăng, có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc và trong công cuộc xây dựng đất nước. (Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên)

** Truyền thống bất khuất nơi Côn Đảo

Sáng 27/7, tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Côn Đảo tổ chức lễ viếng các anh hùng liệt sĩ và tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2012).

Côn Đảo - nơi từng được xem là địa ngục trần gian, khi đã có khoảng 20.000 người Việt Nam đã hy sinh và được an táng tại đây. Hiện tại Nghĩa trang Hàng Dương có gần 2000 ngôi mộ, trong đó có 25 ngôi mộ tập thể. Đây là nơi yên nghĩ của liệt sĩ cách mạng Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu… Di tích Côn Đảo là nơi thể hiện tinh thần yêu nước của các bậc cha anh và cũng là nơi mà các thế hệ sau này noi gương học tập .

Tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các đại biểu đã giành một phút mặc niệm, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sỹ; dâng hương tại đài tưởng niệm và thắp nén hương thơm tại hơn 2.000 phần mộ của các liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Cũng trong buổi sáng 27/7, Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo đã tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ. Các đại biểu đã ôn lại truyền thống yêu nước bất khuất, tinh thần chiến đấu ngoan cường của các anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại Côn Đảo. (Khánh Hiệp/VOV-TP HCM)

** Cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ

Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – liệt sĩ, sáng nay (27/7), đông đảo cán bộ nhân viên Đại sứ quán, Phòng tùy viên Quốc phòng, các cơ quan đại diện của Việt Nam và Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam tại Vương quốc Campuchia đã đến dâng hương, đặt hoa tại Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam ở thủ đô Phom Penh.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành một phút tưởng nhớ những chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Lên đường làm nghĩa vụ quốc tế, các anh cũng không tiếc xương máu cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo, mang lại sự hồi sinh cho nước bạn.

Ghi nhớ công ơn to lớn đó, Chính phủ và nhân dân Campuchia đã trân trọng đặt Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam ở một vị trí trang trọng giữa thủ đô Phnom Penh.

Đại diện cho bà con Việt kiều tham dự lễ dâng hương, ông Châu Văn Chi – Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam tại Vương quốc Campuchia cho biết: “Cộng đồng người Việt ta tại Campuchia đều tưởng nhớ tới ngày 27/7, tưởng nhớ tới liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập cho đất nước, cũng như cùng quân đội tình nguyện Việt Nam giải phóng đất nước Campuchia để dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, trong đó cũng có cộng đồng người Việt ta tại Campuchia. Thay mặt cộng đồng người Campuchia gốc Việt Nam, chúng tôi có trách nhiệm là cầu nối đoàn kết, hữu nghị, gắn bó mật thiết với bà con cộng đồng tại Campuchia’’.     

Trong những ngày này, ngoài cộng đồng người Việt ở thủ đô Phnom Penh, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các tỉnh, thành và bà con Việt kiều trên toàn đất nước Chùa tháp cũng tổ chức nhiều hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu và hy sinh cho độc lập, tự do của tổ quốc mình và đất nước bạn./. (Nguyễn Hiệp/VOV-Phnom Penh)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên