Khát vọng nơi mắt thần canh biển

VOV.VN - Lại một mùa xuân nữa đang về trên đảo Trần, hòn đảo được mệnh danh là “Trường Sa” của Quảng Ninh. 

Nơi ấy, nơi viên ngọc địa đầu Tổ quốc, mùa xuân như đến sớm hơn trong những ngôi nhà mới, có những con người đang ngày đêm bám biển, bám đảo để biến ước mơ xây dựng Đảo Trần trở thành một làng nơi địa đầu sóng cả.Trong ánh mắt người dân nơi đây toát lên niềm lạc quan trong sắc xuân phơi phới đang về.

Đảo Trần giờ đây còn có tiếng cười nói của những cư dân nhí.
 

Sau hơn 3 giờ trên chiếc xuồng chở khách từ cảng Hà Cối, huyện Hải Hà,cột cờ đảo Trầnđã hiện lên uy nghi, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển trời lộng gió. Đảo Trầnđón chúng tôi trong cái nắng nhẹ cùng tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm.Những dãy nhà kiên cố với tàu bè tấp nập tại cảng Vụng Tây như nhắn gửi một cuộc sống yên bình của người dân trên đảo. Đã hơn 1 năm kể từ ngày 15 hộ dân từ đất liền đặt chân tới đảo để lập nghiệp,chúng tôi mới lại có dịp trở lại nơi đây.

Mùa xuân, mùa của chồi non xanh biếc, đảo Trầncũng khoác lên mình tấm áo mới, nồng nàn, quyến rũ hơn. Tất bật sau chuyến tàu cuối năm đưa hàng tết từ đất liền ra đảo, anh Phạm Văn Dinh – Một trong những hộ dân mới từ đất liền ra định cư trên đảo phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của những người dân đảonăm vừa qua.Dù thời gian chưa dài nhưng đa số các hộ trên đảo đã ổn định công việc, vươn lên làm giàu từ biểnTừ khi ra đảo, gia đình anh làm nghề chở khách và kinh doanh hàng hóa phục vụ bà con ngư dân. Thu nhập ổn định giúp vợ chồng anh yên tâm bám đảo. Với những người ngư dân một nắng hai sương, tần tảo, kiên trung nơibiên cương hải đảo đó là niềm vui không thể nói hết. Để rồi, từ thành quả lao động đó, xuân như càng sớm hơn trong mỗi nếp nhà. Anh Nguyễn Văn Dinh tâm sự: “Cũng thấy là công việc của mình ở đây thì phù hợp hơn, yên tâm công tác, bám biển bám đảo thôi. Nói chung nhà thì không sợ gió bão rồi, công việc thì đều đặn đưa cán bộ chiến sỹ đi lại thì cũng vui, mỗi tháng cũng kiếm được 7,8 triệu. Năm mới thì cũng mong gia đình có sức khỏe với lại mong các ban, ngành cấp trên quan tâm hỗ trợ vốn vay để bà con phát triển lưới chài đánh bắt xa bờ tạo điều kiện bám biển, bám đảo”.

Từ chỗ chỉ có một hộ gia đình sinh sống, tới nay, Đảo Trần đã có 17 ngôi nhà khang trang được hoàn thiện và hiện đã có thêm 15 hộ dân mới ra đảo sinh sống. Ðây là những căn nhà mới xây trong tổng số 30 căn nhà mà Tổng công ty Ðông Bắc vừa bàn giao cho những cư dân đầu tiên trong dự án đưa dân ra Đảo Trần sinh sống. Làng trên đảo đã được hình thành khi có sự xuất hiện những ngôi nhà ngói đỏ, với hai phòng ngủ, phòng khách, bếp ăn, nhà vệ sinh tự hoại, nhà kho, sân chơi và trang thiết bị hoàn chỉnh để phục vụ cho một gia đình 4 người, tổng kinh phí 1 tỷ đồng/căn hộ.

Trong niềm vui mùa xuân này, vợ chồng chị Nguyễn Thị Cảnh là người thấy được rõ rệt nhất sự đổi thay lớn lao.Hơn 8 năm trước gia đình chị là cư dân đầu tiên lập nghiệp ở đảo. Cũng chừng ấy mùa xuân vợ chồng chị đón tết trong sự cô độc. Nhờ chính sách của Nhà nước, đưa các hộ dân từ đất liền ra đảo sinh sống, gia đình chị được sống trong tình yêu thương, sẻ chia của hàng xóm láng giềng. Đây là năm thứ hai, anh chị được vui xuân đón tết bên những người hàng xóm. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, nhiều hộ trên đảo làm ăn khấm khá hơn nên tết năm nay bà con trên đảo đã lên kế hoạch góp gạo cùng gói bánh trưng, mổ lợn và tổ chức liên hoan dịp tết... Chị Nguyễn Thị Cảnh, chia sẻ: “Trước kia khi chưa có dân trên đảo chỉ có một mình gia đình ăn Tết thì buồn lắm. Từ năm 2014, có những hộ dân ra định cư mới cảm thấy cuộc sống gần đất liền hơn và được nhiều cái động viên hơn vì có hàng xóm láng giềng. Cuộc sống hàng ngày của mình cũng vui hơn và ăn Tết đầm ấm hơn. Hôm nay chúng tôi cũng đang chuẩn bị đón một cái tết rất đầm ấm. Tôi mong những cái tết sau và sau nữa, đảo Trần sẽ đông vui hơn nữa”.

Còn với cô giáo Hoàng Thị Huyền,hơn 1 năm gắn bó với trường, với lớp, trở thành “mẹ hiền” của 9 học sinh đảo Trần. Cô đã quen hơn với cuộc sống, công việc, đã cảm thấy yêu hơn và coi đảo Trần như quê hương thứ hai của mình. Với cô mùa xuân chính là nụ cười trêngương mặt trẻ thơ của các em học sinh. Các em như những bông hoa phong ba, lớn lên giữa bão giông nơi đầu sóng, ngọn gió.

 “Sau một thời gian mình thấy cuộc sống của các cô giáo ở đây cũng gắn bó với người dân và các em học sinh trên đảo. Thấy mọi thứ rất thân thuộc và chị em trên đảo cũng rất quan tâm. Tới đây nếu điều kiện cho phép mình hy vọng được gắn bó lâu ở trên đảo để dạy chữ cho các em học sinh”.

Hoà vào xuân nơi đảo xa, trong mỗi căn nhà… luôn có màu xanh áo lính của những chiến sĩ biên phòng. Với các hộ dân trên đảo, các chiến sỹ như là người thân, họ là chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Tình quân dân trên đảo luôn khăng khít, sâu nặng. Đối với Trung tá Nguyễn Quang Tùng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đảo Trần, có bà con ra đảo sinh sống tết của cán bộ chiến sỹ vui hơn, ý nghĩa hơn. Có bà con, công tác an ninh quốc phòng cũng nhờ thế mà vững chắc hơn. “Từ khi bà con ngư dân ra làm ăn sản xuất đã giúp đơn vị có nhiều thông tin trên biển, có giá trị, kịp thời giúp cho việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới được thuận tiện. Giúp đơn vị nắm và xử lý tốt các tình huống xảy ra, đảm bảo tốt an ninh trật tự địa bàn”.

Tàu cá của ngư dân đảo Trần đã về cảng nghỉ ngơi đón Tết.
 

Dù luôn phải chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng các anh vẫn không quên tổ chức vui xuân, đón Tết cùng đồng bào trong niềm vui đoàn kết quân dân. Trung tá Nguyễn Quang Tùng cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch, chỉ đạo chi đoàn tổ chức các hoạt động, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao giữa cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tổ chức thăm hỏi động viên bà con ngư dân trên đảo yên tâm tư tưởng cùng bộ đội biên phòng bám đảo”.

Chia tay đảo Trần khi tia nắng nhạt một ngày đầu xuân khuất dần sau ngọn đèn biển,đứng ở cầu cảng Vụng Tây, chúng tôi thấy lá cờ Tổ quốc trên đảo uy phong tung bay trong gió như sự kiên cường của những người dân đảo. Đối với họ, khát vọng bám đảo, làm giàu bằng nghị lực của mình như sức mạnh tinh thần giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Chúng tôi hiểu, với người những cư dân đảo Trần mùa xuân luôn đồng hành cùng niềm tin, khát vọng và tự hào nơi đảo xa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội hỗ trợ giáo viên là vợ của chiến sĩ huyện đảo Trường Sa
Hà Nội hỗ trợ giáo viên là vợ của chiến sĩ huyện đảo Trường Sa

VOV.VN - Ngành giáo dục Hà Nội hỗ trợ 355 cán bộ giáo viên trong đó có 12 cô giáo là vợ các chiến sĩ  ở Trường Sa với số tiền gần 500 triệu đồng.

Hà Nội hỗ trợ giáo viên là vợ của chiến sĩ huyện đảo Trường Sa

Hà Nội hỗ trợ giáo viên là vợ của chiến sĩ huyện đảo Trường Sa

VOV.VN - Ngành giáo dục Hà Nội hỗ trợ 355 cán bộ giáo viên trong đó có 12 cô giáo là vợ các chiến sĩ  ở Trường Sa với số tiền gần 500 triệu đồng.