Phong trào xây dựng nông thôn mới:

Khi người dân được phát huy quyền dân chủ

Nếu huy động được sức dân và người dân thực sự làm chủ sẽ đem lại những đổi thay lớn ở các vùng nông thôn.

Sau gần 2 năm triển khai thí điểm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã đạt được 15/19 tiêu chí do Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đề ra.

Điều này đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống người dân nông thôn, đặc biệt là tình đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ trong làng, xã ngày càng gắn bó. Kinh nghiệm từ Tân Thịnh cho thấy, nếu huy động được sức dân, người dân thực sự làm chủ quá trình xây dựng sẽ đem lại những đổi thay lớn ở các vùng nông thôn.

Về xã Tân Thịnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển của một xã nông thôn miền núi. Đường làng, ngõ xóm rộng rãi, sạch sẽ, được trải nhựa và bê tông kiên cố. Nhiều ngôi trường, trạm y tế, nhà văn hoá được xây dựng khang trang. Khu chợ trung tâm xã với 320 gian hàng ngay ngắn.

Được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, Tân Thịnh được đầu tư 91 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương là 30 tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng thiết yếu, 24 tỷ đồng là vốn từ những chương trình lồng ghép, còn lại là vốn huy động trong dân cư. Người dân trong xã đã tự nguyện đóng góp bằng nhiều hình thức như hiến đất làm đường, góp tiền, ngày công để xây cổng ngõ, đường liên thôn, kênh mương nội đồng và các công trình văn hoá.

Tại xã Tân Thịnh, cổng mỗi gia đình được xây theo phong cách mới

Bà Hoàng Thị Kiệm, người dân thôn Tân Tiến phấn khởi trước sự đổi thay của làng quê mình: “Từ khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, đến nay cuộc sống quê tôi đổi thay rất nhiều, từ cổng ngõ, làng mạc, mương máng… Trước đây chợ ở trong xóm vừa nhỏ lại vừa bẩn, giờ được xã hỗ trợ kiến thiết, bây giờ chợ rất khang trang và to đẹp hơn so với các xã xung quanh”.

Ông Đỗ Văn Thuấn, Trưởng thôn Sậm, xã Tân Thịnh cho biết: Chỉ riêng tiền làm đường, nhân dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp 300 triệu đồng, đó là chưa kể hàng chục hộ cắt hàng trăm mét đất để mở đường không lấy tiền đền bù. Có được kết quả ấy, phải kể đến những ngày đầu mới triển khai với bao khó khăn, bỡ ngỡ. Khó nhất là làm sao để dân tin tưởng vào chủ trương này là để chính người dân có cuộc sống tốt hơn.

Ông Thuấn cho biết, bộ mặt nông thôn ở Tân Thịnh đã có nhiều đổi mới; các công trình phúc lợi được cải tạo như đình chùa, nhà văn hoá, sân thể thao. Đây chính những địa điểm tạo nên mối đoàn kết trong nhân dân. Vào dịp lễ hội hay hàng tháng, nhân dân tập trung trong khu văn hoá, khu thể thao. “Khi nhân dân đã đóng góp để xây dựng, họ có ý thức bảo vệ hơn” – ông Thuấn khẳng định.

Xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, mà điều quan trọng là đời sống của người dân phải từng bước được cải thiện và nâng cao. Hiện, xã Tân Thịnh đã phát triển nhiều mô hình chăn nuôi gia trại đạt hiệu quả kinh tế như nuôi lợn thương phẩm ở thôn Tân; nuôi gia cầm ở thôn Dinh quy mô 700 - 1.000 con/lứa; nuôi thủy sản ở thôn Hạ, thôn Đồng 3...

Tận dụng thế mạnh từ cây thuốc lá, xã đã mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho 250 hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thuốc lá giống mới; đồng thời, phối hợp với chi nhánh Nhà máy thuốc lá Bắc Giang bao tiêu sản phẩm cho người dân. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã giàu lên nhờ cây thuốc lá, thu nhập hơn 80 triệu đồng mỗi vụ.

Ông Diêm Lập Trọng, người dân thôn Sậm cho biết: “Từ khi tổ chức các lớp tập huấn, dân tham gia rất đông, giúp người dân có nhận thức khoa học hơn về chăm bón cây trồng. Tiền phục vụ các cháu nhà tôi đi học đại học cũng từ cây thuốc lá, cây bí”.

Nhìn lại 2 năm thí điểm xây dựng nông thôn mới, ông Đặng Quang Tạo, Chủ tịch, kiêm Bí thư Đảng ủy xã Tân Thịnh cho biết: Phát huy tính dân chủ trong nhân dân, ngay từ khi xây dựng và công bố đề án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã đã tổ chức các cuộc họp để người dân tham gia đóng góp ý kiến; cùng nhau bàn bạc, lựa chọn công trình xây dựng hoặc việc nào cần làm trước, việc nào làm sau.

Tất cả các công trình, hạng mục xây dựng, người dân đều được tham gia giám sát, không có đơn thư, ý kiến trái ngược phản ánh về chất lượng công trình. Đặc biệt, xã cũng phân tích rõ cơ cấu nguồn vốn, trong đó có số vốn nhân dân cần đóng góp. Vì vậy, mọi người dân đều xem việc xây dựng nông thôn mới là công việc của chính mình, không trông chờ, ỷ lại.

Ông Đặng Quang Tạo cho rằng, khi người dân đồng lòng cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, tình nghĩa làng xóm thêm đoàn kết. Ông Tạo khẳng định: “Gần 2 năm  xây dựng nông thôn mới, tôi thấy tâm đắc nhất là vấn đề hiện nay là mối quan hệ giữa người dân với chính quyền. Trước đây người dân không quan tâm lắm, nhưng từ khi bước vào xây dựng nông thôn mới, trong thời gian ngắn chúng tôi mở nhiều lớp đào tạo nghề, toàn dân đi học, toàn dân làm văn hoá văn nghệ. Qua các phong trào như thế, lại phát triển được sản xuất, tự nhiên người dân lại đoàn kết nhau lại. Các công việc của chính quyền, người dân rất quan tâm và họ thực sự vào cuộc, đoàn kết để làm các tiêu chí khác”.

Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài và chắc chắn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, Tân Thịnh đang cùng với 10 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới trong cả nước phấn đấu hoàn thành kế hoạch vào cuối năm 2011. Những kết quả bước đầu đạt được chính là kinh nghiệm để Tân Thịnh tiếp tục phát huy tính dân chủ, đoàn kết, huy động sức dân, huy động mọi nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên