Khó quản lý cơ sở thu mua phế liệu vì thiếu chính sách cụ thể?

VOV.VN - Quản lý hoạt động của các cơ sở phế liệu chính quyền các phường ở nhiều nơi kêu khó vì không có cơ chế chính sách cụ thể

Ngày hai lần, thùng rác góc phố trước khi được công nhân vệ sinh môi trường chuyển đi thì đã vài ba người tới bới nhặt từ lon bia, hộp carton và bất cứ thứ gì họ có thể đổi bán được cho các đại lý thu mua phế liệu, đồng nát, hay như công trình tháo dỡ, phát sinh phế liệu ngay lập tức đội quân thu mua phế liệu xuất hiện đăng ký xin mua lại…

Buôn bán sắt phế liệu trên đường Đê La Thành.

Tuy nhiên, tất cả những hoạt động đó hầu hết chỉ thoáng qua trong cuộc sống đầy bận rộn hoặc người có đôi chút quan tâm thì cũng tìm ngay cho mình đáp án rằng những người đó họ mưu sinh và giúp cho môi trường sạch. Chỉ đến khi vụ nổ kinh hoàng từ một cơ sở thu mua phế liệu tại Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội thì gần như tất thảy đều giật mình kinh hãi lo lắng về nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn từ những cơ sở thu mua phế liệu đang đồng hành trong đời sống của cộng đồng.

Mặc dù chưa thấy một cơ quan chức năng nào của thành phố đưa ra con số thống kê trên địa bàn thành phố Hà Nội có bao nhiêu cơ sở kinh doanh phế liệu nhưng có thể dễ nhận thấy các cơ sở thu mua phế liệu, buôn bán đồng nát không theo quy hoạch quản lý nào.

Một cửa hàng buôn bán đồng nát, sắt vụn

Không chỉ khu vực ngoại thành hay những khu đô thị mới ngay cả trong khu nội đô, phố cũ của Thủ đô, đều xuất hiện cửa hàng kinh doanh thu mua phế liệu đan xen với khu dân cư đông đúc. Thậm chí còn cả đoạn phố “cơ khí” trên đường Đê La Thành từ ngã tư Ô Chợ Dừa đến ngã tư Giảng Võ (thuộc địa giới  hai quận Ba Đình, Đống Đa và 3 phường giáp ranh) không thể đếm xuể có bao nhiêu nhà bán sắt thép, làm nghề cơ khí hay phế liệu, đồng nát với đủ loại sắt thép từ xây dựng công trình đến sắt thép chuyên dụng công nghiệp mới cũng có mà cũ thì cũng không thiếu.

Các cơ sở này hàng ngày sử dụng, hàn điện, hàn hơi mà thông thường để hàn hơi, hay còn gọi là hàn xì, người ta dùng khí từ bình oxy kết hợp với khí acetylene tạo nhiệt nung chảy mối hàn hoặc cắt kim loại. ngay trong nhà thì chỉ một sơ suất nhỏ, nguy cơ rủi ro sự cố cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và không  khó để có thể hình dung được một vụ nổ tạo ra áp suất lớn ở một nơi chứa đầy sắt thép hậu quả sẽ thế nào.

Cơ sở thu mua sắt vụn nhếch nhác trên đường Nguyễn Hoàng Tôn đối diện Khu biệt thự Vườn Đào sang trọng

Theo một cán bộ cơ sở, hàng năm công an phường phối hợp với các phòng ban chức năng tổ chức 2 đợt rà soát trên địa bàn các điểm thu mua phế liệu và yêu cầu các hộ dân ký cam kết về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, nghi ngờ là vật liệu nổ phải báo ngay cho công an phường

Phần lớn những cơ sở thu mua phế liệu thường thuê lại những khu đất kẹt, trống, nhà tạm bợ của chủ không có nhu cầu sử dụng. Cũng có thể thấy rằng, những cơ sở thu mua phế liệu này rất nhếch nhác, lộn xộn, ô nhiễm, ảnh hưởng trật tự văn minh đô thị của Thành phố. Thế nhưng quản lý hoạt động của các cơ sở phế liệu chính quyền các phường ở nhiều nơi kêu khó vì không có cơ chế chính sách cụ thể. Vì thế các phường rất khó quản lý mà chủ yếu thông qua hình thức vận động tuyên truyền cho các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán tự phá dỡ các vật liệu nổ để lấy sắt phế liệu và thuốc nổ mà  phải giao nộp cho công an.

Nằm giữa khu dân cư các cửa hàng phế liệu gây mất mỹ quan đô thị.

Nhiều ý kiến từ chính quyền cơ sở đồng tình cho rằng, chỉ xử lý được các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè còn việc họ buôn bán thì rất khó kiểm soát, nhất là khi phế liệu được chở đến mua bán vào ban đêm. Họ buôn bán cũng có đăng kinh doanh vì thế không có lý do gì để cấm việc họ mưu sinh. Còn nếu buôn bán vật liệu nổ thì họ phải chịu trách nhiệm theo qui định của pháp luật.

Một lãnh đạo phường chia sẻ: “Ngay sau khi xảy ra vụ nổ từ một cơ sở buôn bán phế liệu sắt vụn ở Văn Phú, quận Hà Đông chúng tôi đã thấy rõ mối nguy hiểm này muốn tăng cường quản lý nhưng cơ chế chính sách thiếu cụ thể nên đành tạm thời áp dụng giải pháp “trục xuất” các điểm kinh doanh này ra khỏi địa bàn thông qua vận động chủ nhà cắt hợp đồng không tiếp tục cho thuê nữa”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên