Ký ức Đường 5

Chiến thắng Đường 5 được ví như trận Bạch Đằng trên cạn, ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử của Đảng bộ Phú Yên

36 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập tự do, Bắc - Nam sum họp một nhà, ký ức của những ngày tháng hào hùng vẫn in đậm trong tâm trí của những nhân chứng trong trận đánh Đường 5. Có được chiến công này, bên cạnh sự tài tình trong táo bạo của những người trực tiếp chỉ huy tác chiến ở chiến trường Phú Yên, còn có sự đóng góp của nhân dân Phú Yên dọc tuyến đường này.

Sau khi Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bị thất thủ vào ngày 10/3/1975, quân địch quyết định rút lui xuống giữ vững đồng bằng duyên hải miền Trung. Lệnh của Quân khu V yêu cầu Phú Yên chặn đánh địch trên Đường 7 (nay là Quốc lộ 25 nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên).

Tuy nhiên, ngày 17/3/1975, lực lượng trinh sát địa phương cho biết, địch đã bắc cầu phao qua sông Ba, có khả năng sẽ chuyển hướng sang Đường 5. Cộng thêm nhiều căn cứ khác là cơ sở để Ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên quyết định cho Tiểu đoàn 96 lập tức hành quân trong đêm 23/3/1975, để đón đánh địch ở Đường 5.

Xác xe địch ở Thạnh Hội, Sơn Hà, Sơn Hoà bị ta tiêu diệt năm 1975

Đại tá Trần Văn Mười, 36 năm trước là Trưởng phòng Tác chiến, Tỉnh đội Phú Yên phân tích: Lúc ấy, Đường 7 đoạn gần duyên hải rất xấu và các cứ điểm yểm trợ cho cuộc hành quân này đã bị ta chiếm. Trong thực tế, giữa lúc cánh quân của tướng Phạm Văn Phú từ Tây Nguyên di chuyển đến gần Củng Sơn (huyện Sơn Hoà), bộ đội Phú Yên phát hiện công binh địch vận chuyển vật tư từ sân bay Đông Tác lên bắc cầu phao qua sông Ba, đoạn bến đò Thạnh Hội - xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà.

Một mặt, địch tăng cường pháo binh ở cứ điểm Hòn Kén - xã Hòa Phong (huyện Tây Hoà) với ý đồ yểm trợ cho cánh quân đang rút; ngoài ra, những bức điện của Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên đã bị ta giải mã được, đã củng cố thêm nhận định địch sẽ rút xuống Đường 5. Đây là cơ sở để Ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên quyết định cho Tiểu đoàn 96 lập tức hành quân trong đêm 23/3/1975, để đón đánh địch trên đường 5.

Những ngày tháng 4, những người trực tiếp tham gia vào chiến dịch Đường 5 ở huyện Tây Hoà lại gặp nhau để ôn lại những năm tháng hào hùng của chiến thắng Đường 5 trong những ngày tháng 3 lịch sử. Ông Nguyễn Thái Bình, xã Hoà Phong, huyện Tây Hoà, nguyên chính trị viên xã đội Hoà Phong lúc bấy giờ cho biết, ông rất tự hào về trận đánh tại Hòn Kén (xã Sơn Thành - Tây Hoà). Tại đây, ông cùng 2 đồng đội khác là Trần Quốc Song và Trần Công Vinh mở đường máu xông lên đánh địch trước những trận pháo dồn dập của kẻ thù.

“Một số anh em của đơn vị đặc công của ta đã hy sinh nhưng không vì thế mà khí thế giảm xuống. Liên tiếp những trận sau đó, thế trận như chẻ tre. Khí thế cách mạng hừng hực, mọi người vượt qua mưa bom lửa đạn để xông lên với quyết tâm đánh địch, làm chủ Đường 5 và giải phóng quê hương”, ông Bình kể. 

Quân nguỵ bắc cầu phao qua sông Ba

Một trong những chiến công góp phần làm nên chiến thắng Đường 5 là trận đánh Cầu Cháy. Lực lượng địa phương đã tiêu diệt gọn các cứ điểm quan trọng này của địch, dọn đường cho quân và dân ta đánh địch trên Đường 5. Bà Cao Thị Trinh, ở xã Hoà Mỹ Tây, mũi phó trong trận đánh Cầu Cháy kể lại: “Theo chỉ đạo trên, lực lượng bộ đội tiêu diệt cứ điểm Cầu Cháy, còn lực lượng dân quân du kích địa phương áp sát nguỵ quân, nguỵ quyền tại các xã. Khi có lệnh tất cả xông lên, và ai cũng muốn đi đầu đánh địch để giải phóng quê hương mình. Chính tinh thần ấy tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần làm nên thắng lợi cuối cùng”.

Ông Nguyễn Duy Luân, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch Đường 5, trong cuốn hồi ký của mình đã viết: Chiều 19/3, 5 xe bọc thép của địch từ Hòn Kén (Sơn Thành) xuống đã bị ta diệt gọn. Đêm đó, quân ta đã tiêu diệt hàng loạt cứ điểm, quét sạch địch ở 5 xã Hoà Thịnh, Hoà Đồng, Hoà Tân, Hoà Phong và Hoà Mỹ. Liên tiếp những ngày sau đó, từ 21 – 23/3, ta đánh lui các đợt phản kích của địch từ Tuy Hoà lên, Nha Trang ra, làm chủ hơn 10km Đường 5.

Thất bại đầu tiên khi đến Đường 5 đã làm cho tướng Trần Văn Cẩm vô cùng hoảng sợ, thúc giục Tỉnh trưởng Phú Yên Vũ Quốc Gia tăng cường phản kích từ nhiều hướng để mở đường tháo chạy cho quân Tây Nguyên, nhưng không thành công. Vì vậy cuộc di chuyển chiến lược đã trở thành cuộc tháo chạy của quân Tây Nguyên.

Đêm 23, sáng 24/3, Tiểu đoàn 96 Phú Yên bắt liên lạc được với quân của Sư 320 theo Đường 7 bám đuôi địch đánh xuống. Phát hiện quân chủ lực của ta, Phạm Văn Phú lệnh cho không quân đánh sập cầu phao bắc qua sông Ba để cắt đường tiến công của Sư 320, bỏ lại bờ Bắc hàng trăm xe, pháo...

Sau khi địch thất thủ tháo chạy tán loạn và đầu hàng, quân và dân ta đã tịch thu vũ khí và bắt những tên cầm đầu làm tù binh, trong số đó có Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, 2 đại tá, trong đó có Đại tá Đồng là Lữ đoàn trưởng thiết giáp của quân Thiệu; 4 trung tá, 12 thiếu tá và 544 sỹ quan cấp uý; thu giữ 12.563 khẩu súng các loại; 500 tấn đạn, 185 máy bộ đàm, 154 điện thoại, 6 bộ tổng đài, 134 xe quân sự các loại, 10 xe tăng...

Chiến thắng Đường 5 được ví như trận Bạch Đằng trên cạn

Ông Trần Quốc Song, nguyên Bí thư Đảng uỷ Hoà Phong thời bấy giờ cho rằng: Yếu tố làm nên chiến thắng Đường 5 lịch sử ngoài sự táo bạo, tài tình trong chỉ huy, còn có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng về lực lượng của ta trên suốt dọc Đường 5, cùng với đó là vũ khí và hậu cần tại chỗ. Trước chiến dịch, các xã Hoà Phong, Hoà Phú (huyện Tây Hoà) đã phát động phong trào “góp nửa gia tài cho chiến dịch” và được nhân dân địa phương hưởng ứng mạnh mẽ. Đây là yếu tố góp phần làm nên sức mạnh của toàn quân toàn dân trong trận chiến lịch sử này.

Trận đánh Đường 5 cơ bản kết thúc vào trưa 25/3. Với chiến thắng trên Đường 5 và Đường 7, bộ đội Phú Yên và các đơn vị chủ lực đã không cho cánh quân mạnh của địch từ Tây Nguyên rút về duyên hải hợp với lực lượng tại chỗ. Việc giải phóng Tuy Hòa - Phú Yên (ngày 1/4/1975), vì thế trở nên thuận lợi hơn.

Chiến thắng Đường 5 được ví như trận Bạch Đằng trên cạn, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, nghệ thuật chớp thời cơ của bộ đội ta. Chính sự táo bạo, nhanh nhạy, trên cơ sở nắm bắt kịp thời, chính xác tình hình đối phương của Ban Tác chiến Tỉnh đội Phú Yên đã góp phần đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng Đường 5 đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử của Đảng bộ Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đường 5 được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên