Làm mẹ ở tuổi 13, chuyện không hiếm

VOV.VN - Kết hôn khi tuổi còn quá nhỏ, có con sớm và đông con khiến những gia đình tảo hôn đã nghèo nay còn nghèo hơn.

Tại hội thảo quốc gia về tình trạng tảo hôn do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 25/10, tại Hà Nội, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc Thiểu số, Ủy ban Dân tộc cho biết tình trạng tảo hôn đang diễn ra trên cả 63 tỉnh thành, trong đó tập trung nhiều ở vùng đồng bào các DTTS. Theo số liệu điều tra năm  2015, tỷ lệ tảo hôn chung trong DTTS là 26,6%. Tỷ lệ tảo hôn cao nhất thuộc các DTTS sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như Hmông, Xinh mun, La Ha, Gia rai, Bru-Vân kiều… Đáng chú ý, có những dân tộc tỷ lệ tảo hôn lên đến 50-60%. Những trường hợp bé gái đã làm mẹ khi chỉ mới 13 tuổi do tảo hôn khá phổ biến ở những cộng đồng này.

Những hệ lụy từ kết hôn sớm

Cũng theo kết quả điều tra từ Ủy Ban dân tộc cho thấy, các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao đồng thời cũng là các dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Kết hôn khi còn quá nhỏ khiến nhiều bé gái mất đi cơ hội đến trường, sống trong nghèo đói (Ảnh minh họa).
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết có quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững của xã hội. Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục Dân số và KHHGD, tảo hôn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thất học, mù chữ. Khi các em gái kết hôn thường bị tách rời khỏi trường học và không còn cơ hội để tiếp tục học hành. Tiếp đó con cái của các cặp vợ chồng này cũng có nguy cơ thất học cao.

Bên cạnh đó tình trạng nghèo đói, nợ nần sau đám cưới có thể khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Thực tế cho thấy những gia đình tảo hôn thường có con sớm và đông con nên kinh tế đã khó khăn lại càng khó khăn.

Kết hôn quá sớm khi chưa có những hiểu biết đầy đủ có thể phát sinh những mâu thuẫn, gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến tâm lý của người trong cuộc. Nguy hiểm hơn, việc tảo hôn dẫn đến có con sớm khi người mẹ chưa sẵn sàng về mặt sinh lý, dễ dẫn đến tình trạng sinh non, con nhẹ cân. Theo nghiên cứu. tỷ lệ tử vong ở những trẻ sơ sinh con của các bà mẹ dưới 20 tuổi cao hơn 75% so với các trường hợp khác.

Tảo hôn, nghèo đói, bỏ học, không có việc làm, sinh con ra sức khỏe yếu kém , dễ ốm đau bệnh tật dường như vẫn là một vòng tròn luẩn quẩn của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Kết hôn sớm để được cấp thêm đất

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng để giảm tình trạng tảo hôn , các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần nhận thức rõ nguyên nhân của nạn tảo hôn là do phong tục tập quán, hạn chế về nhận thức và hiểu biết; thiếu sự can thiệp của cấp ủy, chính quyền một số địa phương; công tác tuyên truyền kém; khó khăn về điều kiện tự nhiên, nghèo đói và mặt trái của cơ chế thị trường… để chủ động xây dựng kế hoạch, kinh phí, đồng thời lồng ghép với các chương trình chính sách đang triển khai nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Ngoài những nguyên nhân trên, bà Chu Thùy Liên, Phó ban dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết nếu tách hộ, các gia đình sẽ được cấp thêm đất, do đó nhiều bậc cha mẹ muốn cho con cái kết hôn dù chưa đủ tuổi.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng cùng quan điểm khi cho rằng có mối quan hệ tác động hai chiều giữa tình trạng nghèo đói, kém phát triển với tảo hôn. Vì vậy muốn giảm tỷ lệ tảo hôn cần cung cấp nhiều cơ hội hơn về kinh tế, giáo dục cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Bà Astrid Bant khẳng định: “Liên Hợp Quốc sẽ cộng tác cùng với Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện quyền của trẻ em gái vị thành niên, giúp trẻ em gái phát triển được hết tiềm năng của mình và điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển về kinh tế và xã hội. Với sự hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng và quốc gia, cùng với việc trẻ em gái được thực hiện đầy đủ các quyền của mình, trẻ em gái có thể phát triển mạnh mẽ và khỏe mạnh, góp phần mang lại tương lai mà thế giới chúng ta mong muốn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tảo hôn ở vùng cao Yên Bái: Chuyện “biết rồi, nói mãi”
Tảo hôn ở vùng cao Yên Bái: Chuyện “biết rồi, nói mãi”

VOV.VN -Câu chuyện tảo hôn ở vùng cao Yên Bái xem ra vẫn cứ là câu chuyện dài, nói mãi, chưa đến hồi kết.

Tảo hôn ở vùng cao Yên Bái: Chuyện “biết rồi, nói mãi”

Tảo hôn ở vùng cao Yên Bái: Chuyện “biết rồi, nói mãi”

VOV.VN -Câu chuyện tảo hôn ở vùng cao Yên Bái xem ra vẫn cứ là câu chuyện dài, nói mãi, chưa đến hồi kết.

Cán bộ xã xin nghỉ việc vì tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai
Cán bộ xã xin nghỉ việc vì tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai

Một cán bộ xã ở Long An đã xin nghỉ việc sau khi tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai. Con trai và con dâu của cán bộ này chưa đủ 18 tuổi.

Cán bộ xã xin nghỉ việc vì tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai

Cán bộ xã xin nghỉ việc vì tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai

Một cán bộ xã ở Long An đã xin nghỉ việc sau khi tổ chức đám cưới tảo hôn của con trai. Con trai và con dâu của cán bộ này chưa đủ 18 tuổi.