Làng nghề qua cơn nguy cấp

1 năm trước, các mặt hàng gốm sứ nhập khẩu, nhất là gốm sứ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, thì nay đi đâu chúng ta cũng bắt gặp các sản phẩm của Bát Tràng, Hải Dương và được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Con số thất nghiệp cũng nhỏ hơn rất nhiều so với dự báo là 5 triệu lao động do sự thích ứng nhanh của các làng nghề. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn “Mỗi làng một sản phẩm” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đã vượt qua khủng hoảng

Ông Lê Xuân Phổ, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Bát Tràng, TP. Hà Nội cho biết: “Các cơ sở sản xuất kinh doanh của Bát Tràng có những bước đi riêng nên không chịu ảnh hưởng nhiều từ đợt suy thoái vừa qua. Sản phẩm gốm của Bát Tràng rất đa dạng: gốm xây dựng, mỹ thuật, dân dụng, sản phẩm đa dạng nên thích nghi thị trường rất nhanh. Trong đợt suy thoái vừa qua, một số hộ gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm đã chuyển sang làm đồ chơi như chuông gió, sản phẩm cầm tay phục vụ khách du lịch nên rất hút hàng. Hiện mỗi tuần có 2 chuyến du lịch bằng đường sông và 1 tuyến xe khách bằng đường bộ về Bát Tràng tham quan nên giải quyết một phần khó khăn. Bên cạnh đó, sau suy thoái, nhiều khách hàng đã quay trở lại, nhiều thị trường được nối lại...”.

Về xuất khẩu, nhiều làng nghề cũng đang ký kết những đơn hàng mới sau thời kỳ suy thoái. Hiệp hội chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ trong hai tháng gần đây đã có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đến hiệp hội tìm đối tác. Nhiều hợp đồng đã được ký với các hội viên. Bên cạnh các khách hàng quen thuộc như Nhật Bản, Châu Âu còn có một số khách hàng mới từ Paraguay, Dubai... Tại Công ty TNHH Hùng Thái (Thuận An, Bình Dương) chuyên sản xuất các loại guốc mộc xuất khẩu cũng đang bắt tay làm mẫu để sản xuất khoảng 200.000 đôi guốc mộc cho thị trường thời trang các nước Châu Âu: Hà Lan, Đức, Đan Mạch... “Với những đơn hàng này, công ty có thể đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân đến hết năm. Thậm chí vào thời gian cao điểm, chúng tôi phải thuê thêm công nhân hoặc tăng ca để đảm bảo tiến độ giao hàng” - Giám đốc Thái Văn Anh Hùng cho biết.

Vẫn còn nhiều rào cản

Mặc dù thích ứng nhanh với khó khăn và là nơi giải quyết nhiều việc làm cho lao động, thế nhưng các làng nghề hiện đang gặp nhiều khó khăn và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Ông Lê Xuân Phổ dẫn giải: “Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ hiện vẫn còn quá xa đối với các doanh nghiệp làng nghề”. Còn ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: “Tính tới thời điểm này, mới chỉ có 45 hộ sản xuất kinh doanh trong tổng số hơn 1.000 hộ sản xuất của Bát Tràng nhận được nguồn vốn từ gói kích cầu này với tổng số vốn chỉ vỏn vẹn 10 tỷ đồng”.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, làng nghề không vay được vốn ngân hàng vì 89% trong số này là hộ gia đình, không thể lên được dự án kinh doanh thì làm sao tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất, dù thành phần này rất đáng được hưởng chính sách kích cầu của Chính phủ. Từ thực tế này, ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng, cần có sự đầu tư thích đáng và cái nhìn khách quan, công bằng giữa làng nghề. “Bộ NN&PTNT đã đề ra chương trình mỗi làng một sản phẩm từ năm 2004 nhưng đến nay chưa thực hiện được bao nhiêu bởi giữa các Bộ, ban ngành không nhất trí nên không thực hiện được” - ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, người vừa có chuyến khảo sát thực tế mỗi làng một sản phẩm từ Oita, Nhật Bản trở về cho hay: “Tôi thực sự ấn tượng bởi từng người dân ở đây đều ý thức được phải làm gì cho chính mình. Nhờ vậy, phong trào phát triển làng nghề đã có sức cuốn hút mạnh mẽ và họ thành tâm hưởng ứng. Đó chính là kinh nghiệm mà Việt Nam áp dụng ngay được”. Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận: “Hiện nay, nhiều làng nghề không chỉ thiếu vốn mà còn đang gặp khó khăn trong tìm kiếm đầu ra, rồi thiết kế sản phẩm, nghiên cứu thị trường”.

Theo ông Hùng, với gần 2.800 làng nghề hiện nay thì cần tổng số vốn ngay thời điểm này đã lên tới 4.000 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đó là chưa kể việc xúc tiến quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, thị trường. “Làng nghề truyền thống trước xu hướng hội nhập thế giới hiện nay cần thiết phải được hỗ trợ và đào tạo bài bản cho các hộ kinh doanh, đặc biệt hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường, mẫu mã sản phẩm để tạo sức hút lớn” - ông Hùng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên