Lao động trở về từ Libya được hỗ trợ như thế nào?

VOV.VN -Việc thanh lý hợp đồng và hỗ trợ người lao động đang được Bộ LĐTBXH chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất.

Hôm nay (22/10), sau đúng 1 tháng những lao động cuối cùng trong tổng số 1.750 lao động làm việc tại Libya phải về nước trước thời hạn, đến nay đã có 300 người được các công ty tạo điều kiện, tiếp tục đi làm việc ở thị trường khác. Việc thanh lý hợp đồng và hỗ trợ người lao động đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương hoàn tất. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung này.

 Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

PV: Thưa ông, hiện nay việc hỗ trợ và thanh lý hợp đồng cho người lao động từ Libya về nước được thực hiện như thế nào?.

Ông Phạm Viết Hương: Thời gian trước, doanh nghiệp cùng với Cục Quản lý lao động ngoài nước và cơ quan chức năng tập trung đón lao động về nước an toàn. Bây giờ là thời điểm người lao động đã về nước hết rồi, Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương thanh lý hợp đồng cho người lao động. Những gì thuộc chế độ mà người lao động được hưởng thì phải hoàn trả cho họ.

Về chính sách hỗ trợ cho người lao động thì hiện nay, Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước đã chuyển cho các công ty và đang khẩn trương để đến tay người lao động. Đối với người lao động không có nhu cầu, nguyện vọng đi nữa thì phải thanh lý hợp đồng cho họ và chúng tôi đang yêu cầu khẩn trương, bởi hiện nay đã là tháng 10 rồi, không thể chậm hơn được và hiện nay các doanh nghiệp đang thanh lý hợp đồng và hỗ trợ người lao động.

Ngày 22/9 vừa qua, số lao động cuối cùng mới về thì tới đây mới có thể hoàn tất toàn bộ thủ tục hỗ trợ cho người lao động. Theo quy định, nếu người lao động đi dưới 12 tháng thì tiền môi giới doanh nghiệp phải trả lại người lao động 50%. Còn trên 12 tháng thì người lao động phải chia sẻ với doanh nghiệp. Nhưng đối với tiền dịch vụ phí thì tính theo thực tế hợp đồng, nếu doanh nghiệp thu trước 24 tháng, khi người lao động về trước thời hạn do bất khả kháng thì doanh nghiệp phải hoàn lại tiền dịch vụ phí một số tháng mà người lao động chưa làm việc.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về các khoản hỗ trợ mà người lao động được nhận do phải về nước từ Libya vì lý do bất khả kháng?

Ông Phạm Viết Hương: Liên quan đến hỗ trợ lao động Libya về nước, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/8/2014, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có quyết định hỗ trợ lao động, với mức hỗ trợ từ 1 đến 5 triệu đồng. Đối với lao động huyện nghèo, mức hỗ trợ tối đa là 7,5 triệu đồng.

Thực hiện quyết định đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp lập danh sách hỗ trợ người lao động và các hỗ trợ kèm theo để Cục kiểm tra và gửi Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Đến nay, Quỹ đã làm thủ tục cấp tạm ứng tiền hỗ trợ người lao động cho 11 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Cục đang đôn đốc các doanh nghiệp hỗ trợ người lao động theo đúng thời hạn, cũng như đúng các thủ tục thanh lý hợp đồng cho người lao động.

Bên cạnh việc hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, cũng theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, số lao động mà chủ lao động khó khăn không đưa được lao động về nước thì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ hỗ trợ phí vận chuyển mua vé máy bay cũng như làm các thủ tục quá cảnh qua nước thứ 3 để về Việt Nam. Đến nay, các doanh nghiệp cũng đã gửi danh sách lên để Cục Quản lý lao động ngoài nước xác nhận và Cục đang chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để Cục xác nhận và chuyển sang Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước.

Hiện tại, Quỹ đã hỗ trợ tạm ứng cho 2 doanh nghiệp mua vé máy bay cho người lao động, số tiền gần 4 tỷ đồng cho 2 công ty là Công ty SoNa và Công ty Vitex. Số còn lại, phí vận chuyển các doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để Cục xác nhận và chuyển sang Quỹ làm các thủ tục hỗ trợ người lao động.

PV: Cùng với chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, việc tạo điều kiện để lao động tiếp tục đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Viết Hương: Cùng chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tạo điều kiện giảm chi phí cho người lao động mà có nguyện vọng đi làm việc ở các nước khác. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện nay trên 300 lao động đã được tuyển chọn đi làm việc tại Saudi Arabia và Qatar.

Thực tế, so với các nước ở Trung Đông, ở Libya có điều kiện khí hậu và thu nhập nhưng hiện tại một số thị trường khác về mặt thu nhập cũng tương đương. Vì vậy, lao động có nguyện vọng và nhu cầu thì các doanh nghiệp cũng tạo điều kiện và giảm chi phí cho họ, như SoNa hiện nay cũng có hợp đồng trên 1.000 lao động đi Saudi Arabia và đang tuyển người.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xa vời mục tiêu giảm nghèo bằng xuất khẩu lao động
Xa vời mục tiêu giảm nghèo bằng xuất khẩu lao động

VOV.VN - Một chính sách nhân văn đang đứng trước nguy cơ phá sản, gây mất niềm tin đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. 

Xa vời mục tiêu giảm nghèo bằng xuất khẩu lao động

Xa vời mục tiêu giảm nghèo bằng xuất khẩu lao động

VOV.VN - Một chính sách nhân văn đang đứng trước nguy cơ phá sản, gây mất niềm tin đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. 

Điều tra nhu cầu lao động phục vụ KCN Vsip Quảng Ngãi
Điều tra nhu cầu lao động phục vụ KCN Vsip Quảng Ngãi

VOV.VN - Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi:, sắp tới, tỉnh này sẽ tiến hành điều tra thực tế nhu cầu lao động. ​​

Điều tra nhu cầu lao động phục vụ KCN Vsip Quảng Ngãi

Điều tra nhu cầu lao động phục vụ KCN Vsip Quảng Ngãi

VOV.VN - Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi:, sắp tới, tỉnh này sẽ tiến hành điều tra thực tế nhu cầu lao động. ​​

Không thể cứ tiếp tục tình trạng xuất khẩu lao động bằng mọi giá
Không thể cứ tiếp tục tình trạng xuất khẩu lao động bằng mọi giá

VOV.VN - “Xuất khẩu lao động là cần thiết nhưng không phải là bằng mọi giá. Chúng ta phải lấy chất lượng thay cho số lượng”

Không thể cứ tiếp tục tình trạng xuất khẩu lao động bằng mọi giá

Không thể cứ tiếp tục tình trạng xuất khẩu lao động bằng mọi giá

VOV.VN - “Xuất khẩu lao động là cần thiết nhưng không phải là bằng mọi giá. Chúng ta phải lấy chất lượng thay cho số lượng”