Lối mở nào cho tình trạng cử nhân thất nghiệp ở Tây Bắc

VOV.VN - Đối với các tỉnh Tây Bắc để giải quyết tốt bài toán lãng phí nguồn nhân lực, nhất thiết phải làm tốt công tác dự báo thị trường lao động, việc làm.

Đẩy mạnh tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THPT, không làm thầy thì học làm thợ cũng tốt cho bản thân và xã hội. Tránh tình trạng kéo dài thời gian chờ việc khiến các em ra trường rồi “chữ thầy trả thầy”, chất xám mòn cùn trong chờ đợi, khó khăn tiếp tục khó khăn. Và điều đáng lo ngại là các em thất nghiệp không có thu nhập đã “biến” gia đình trở thành “con nợ” khó đòi của các ngân hàng.

Cán bộ Ngân hàng CS đến tận bản cho vay.

Ông Nguyễn Đức Lành, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: Vấn đề giải quyết việc làm cho các lao động thất nghiệp đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền trong tỉnh, nhất là bố trí việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. 6.000 trường hợp sinh viên sau tốt nghiệp không xin được việc làm tại Lào Cai hiện nay ngoài nguyên nhân định hướng, lựa chọn ngành học thiếu phù hợp với thực tế của bản thân cũng như gia đình người học; vai trò tuyên truyền, thông tin về lao động, việc làm trên toàn tỉnh cũng chưa được phát huy thỏa đáng; thêm vào đó, thị trường lao động cả trong và ngoài nhà nước tại Lào Cai đang ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với lao động đầu vào.

Ông Lành cũng nhấn mạnh, đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, thị trường lao động cũng sẽ chọn lọc và đào thải lao động một cách tự nhiên, chúng ta sẽ phải chấp nhận thực tế rằng không phải cứ tốt nghiệp ra là có thể xin được việc làm đúng với ngành học, người lao động thậm chí luôn phải học tập và thay đổi mình vì vị trí việc làm cũng biến động theo thị hiếu của thị trường lao động.

Gắng học để đi thi đại học.

“Để đảm bảo cho sự cân đối, hài hòa giữa nhu cầu sử dụng lao động và cơ cấu, ngành nghề để tránh lãng phí thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước và bản thân người lao động cũng có một phần. Nhưng quan điểm theo luật lao động thì có thể làm bất cứ việc gì có thu nhập mà không bị pháp luật cấm, một người phải học nhiều nghề thì mới có cơ hội để tham gia thị trường lao động, để chọn được nghề phù hợp hơn, ổn định hơn, có thu nhập cao hơn”.

Ông Nùng Văn Nim, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu chia sẻ: Việc sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp là thực trạng đang làm đau đầu các nhà quản lý ở địa phương. Số lao động được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học ngày càng tăng lên và đây là thách thức trong vấn đề tìm kiếm và bố trí việc làm ở địa phương. Ngoài số cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, năm 2015 Lai Châu đã đạo tạo nghề cho trên 5.100 người, nhưng cũng chỉ có 110 người có việc làm mới sau khi hoàn thành khóa học. Nguyên nhân là do địa phương mới có hơn 1.000 doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ nên giải quyết việc làm cho lao động phổ thông ít, chứ chưa nói đến lao động có trình độ đại học và cao đẳng.  

Ông Nim cho rằng: Đối với những sinh viên đã ra trường mà hiện nay đang thất nghiệp, giải pháp trước mắt là nên quay lại đi học nghề để quay về kiếm việc làm phù hợp với kinh tế nông nghiệp ở địa phương hoặc đi xuất khẩu lao động. Chỉ có làm như vậy, thì các em mới mong gia đình trả được hết nợ.

Ông Nùng Văn Nim nói: “Đối với tỉnh Lai Châu, ngoài các cơ quan hành chính nhà nước ra thì không có các nhà máy, khu công nghiệp, cũng như doanh nghiệp lớn để bố trí việc làm. Để cho các cháu sau khi tốt nghiệp xong có việc làm ổn định, phù hợp với khả năng và ngành nghề đào tạo, phù hợp với địa bàn của tỉnh, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để định hướng cho các cháu lựa chọn và theo học những ngành nghề gì mà xã hội và địa phương đang cần”.

Trao đổi trực tiếp vấn đề này với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bà Hoàng Thị Hạnh, phó Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Tình trạng học sinh cả nước ra trường không xin được việc làm cũng là một thực trạng của vùng Tây Bắc. Số học sinh học cao đẳng, đại học theo con số thống kê chưa đầy đủ hiện nay là trên 50 nghìn người.

Điều đặc biệt là số sinh viên ra trường chưa bố trí được việc làm phần nhiều là dân tộc thiểu số. Số lượng không bố trí được việc làm cũng có nhiều  nguyên nhân; trong đó, có thể là do quy hoạch chiến lược về công tác cán bộ, công chức viên chức chưa sát của các địa phương.

Chất lượng số sinh viên trong hệ cử tuyển ra trường hiện nay cũng đang phải xem lại cách đào đạo cán bộ dân tộc thiểu số.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các tỉnh trong vùng cũng có rất nhiều trăn trở về việc này. Vì vậy, trong nhiệm kỳ này đang cố gắng đưa chiến lược đào tạo nguồn lao động của mình sát với thực tế, lợi thế của địa phương; chẳng hạn như đâu là nông nghiệp, đâu là thủy sản; đâu là nơi mở được nhiều doanh  nghiệp, tổ sản xuất vừa và nhỏ để thu hút lực lượng qua đào tạo này.

Đi sâu vào đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với từng giai đoạn khác nhau. Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề hướng nghiệp. Như vậy, số lượng đào tạo sẽ phù hợp hơn, để làm thế nào đưa được nhiều lao động qua đào tạo vào hoạt động hơn.

Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc nói: “Trong tất cả các hội nghị 6 tháng đầu năm hoặc tổng kết năm thì Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc cũng đã quán triệt cùng các tỉnh tích cực làm một số việc nhằm đem lại các giải pháp đề làm thế nào đó từ việc đào tạo đến sử dụng nguồn hợp lý. Cụ thể: Các trường học phải định hướng nghề nghiệp ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp, việc phân luồng hết sức quan trọng, em nào có thể vào Đại học, em nào có thể học Cao đẳng, Trung cấp để phù hợp với địa phương của mình. Tuyên truyền trong nhân dân để nhận định được vấn đề học tập không phải là làm cán bộ, lãnh đạo hay làm những công việc chung chung, mà định hướng rõ cho học sinh biết mình làm gì để có giá trị, làm ra sản phẩm cho xã hội”.

Nhiều cử nhân tìm việc làm mới từ việc khôi phục nghề truyền thống, tìm cơ may việc làm khác.

Việc định hướng nghề nghiệp cho các em ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường là việc cần và nên làm hiện nay để phần nào tháo nút thắt cho tình trạng thất nghiệp hiện nay trên vùng cao Tây Bắc. Cùng với đó là công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được vấn đề học tập không nhất thiết phải đi học đại học, cao đẳng mà cốt lõi vấn đề ở đây là mình làm gì để làm ra sản phẩm cho xã hội.

Một điều không thể thiếu là mỗi địa phương trong phân luồng hướng nghiệp là phải tổ chức các hoạt động ngay trên địa phương để các em nhận thấy khả năng của mình. Có như vậy, bài toán về giải quyết thất nghiệp cho vùng cao mới có lời giải và ước mơ vượt núi tìm một cuộc sống tốt đẹp, bớt nghèo khó hơn mới thành hiện thực./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trớ trêu: Con em Tây Bắc càng học càng nghèo
Trớ trêu: Con em Tây Bắc càng học càng nghèo

VOV.VN - Nỗi lo là tình trạng thất nghiệp dẫn đến việc trả các khoản nợ bố mẹ vay mượn đầu tư cho con trong bao năm học không lối thoát, càng học càng nghèo.

Trớ trêu: Con em Tây Bắc càng học càng nghèo

Trớ trêu: Con em Tây Bắc càng học càng nghèo

VOV.VN - Nỗi lo là tình trạng thất nghiệp dẫn đến việc trả các khoản nợ bố mẹ vay mượn đầu tư cho con trong bao năm học không lối thoát, càng học càng nghèo.