Mất cân bằng giới tính - tai hoạ cho dân tộc

Dự báo năm 2020, tại Việt Nam, số lượng nam nhiều hơn nữ sẽ từ 2,3 – 4,3 triệu người, đồng nghĩa với nhiều thách thức nan giải đặt ra.

Hàng triệu nam giới tại Việt Nam sẽ ế vợ

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, theo quan sát của chị trong phòng hậu sản khi sinh cháu đầu lòng là gái tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương hồi tháng 5/2011, hầu hết các bà mẹ đều sinh bé trai, trong khi chỉ có chị và 1 sản phụ nữa là sinh bé gái.

Còn tại hầu hết các trường mẫu giáo, tiểu học hiện nay, tỷ lệ bé trai theo quan sát đều nhiều hơn bé gái. Một giáo viên tiểu học trường tiểu học Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, rất hiếm lớp nào có tỷ lệ các bé trai/gái là 50/50. Ở lớp của cô có 55 cháu thì số bé gái chỉ 20, đặc biệt thế hệ các cháu sinh năm 2003, 2004 trở đi thì tỷ lệ này càng có khoảng cách lớn hơn trước rất nhiều.

Mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, song điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với nước ta khi tỷ số giới tính ngày càng gia tăng. Theo thống kê, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái vào năm 2000 lên 111,2 bé trai/100 bé gái vào năm 2010. Hiện tỷ lệ này cao nhất ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trong đó Hưng Yên là tỉnh cao nhất cả nước với 120,2 bé trai/100 bé gái.

TS. Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, theo dự báo, nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả, thì mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta sẽ đạt 113/100 (bé trai/bé gái) vào năm 2015 và 115/100 năm 2020. Lúc đó, số lượng nam nhiều hơn nữ sẽ từ 2,3 – 4,3 triệu người. Điều này sẽ dẫn đến hàng triệu nam giới trưởng thành kết hôn muộn, hoặc không có khả năng cưới vợ, do đó nảy sinh nhiều hệ luỵ xã hội khác như nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, tảo hôn gia tăng; thậm chí phải “nhập khẩu” cô dâu như Trung Quốc, Hàn Quốc… hiện nay. Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đang gặp vấn đề tương tự.

Tìm mọi cách để có con trai

Chị Lê Thị H. ở Thanh Sơn, Phú Thọ đã có 1 con gái học lớp 6. Hai vợ chồng chị mong muốn có đứa thứ 2, tuy nhiên khi thai được vài tuần tuổi, chị H. lại giấu chồng xuống Hà Nội để siêu âm giới tính thai nhi. Kết quả là chị đã bỏ thai tới 3 lần vì bác sỹ cho biết đó là gái. Anh T.A, chồng chị rất bức xúc cho biết: “Tôi không quan niệm trai hay gái, tuy nhiên, vợ tôi vẫn cố tình tìm mọi cách để sinh con trai với tư tưởng để kế thừa gia sản, cho dù tôi đã tìm mọi biện pháp khuyên ngăn”.

Thực tế cho thấy, việc lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước khi sinh đang diễn ra phổ biến ở nước ta. Phụ nữ có thai ngoài việc đi siêu âm kiểm tra sức khoẻ thai nhi, họ và gia đình đều muốn biết giới tính của em bé trong bụng.

Mất cân bằng giới tính đang gia tăng nhanh chóng tại nước ta những năm gần đây

Theo bà Nobuko Horibe, Giám đốc Văn phòng UNFPA khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tỷ lệ lựa chọn giới tính khi sinh đang tăng ở mức đáng báo động, khiến UNFPA phải kêu gọi các nước nhìn nhận lại vấn đề ở tầm toàn cầu, để có thể đối phó một cách nghiêm túc hơn.

Bà Horibe phân tích, tâm lý trọng nam phản ánh những ảnh hưởng kinh tế - xã hội và các truyền thống “thâm căn cố đế”, trong đó quy định chỉ có con trai là được thừa hưởng tài sản, là người phụng dưỡng cha mẹ khi già, lo ma chay, cúng giỗ và nối dõi tông đường. Điều đó tạo áp lực buộc phụ nữ phải đẻ bằng được con trai. Cho dù tư tưởng này đã dần được cải thiện, song vẫn còn nặng nề tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh giảm, nhất là tại các thành phố lớn, cũng khiến các bậc cha mẹ mong muốn sẽ sinh là con trai, chứ không phải là gái, điển hình là Trung Quốc.

Làm sao để tránh “tai hoạ cho dân tộc?”

Dẫn kinh nghiệm giảm tỷ lệ giới tính khi sinh của Hàn Quốc, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết: “Nước này đã đưa ra những khẩu hiệu ngược lại với truyền thống như "1 người con gái tốt bằng 10 người con trai", hay tuyên truyền mạnh về những phụ nữ thành công trong kinh doanh, hiếu thảo với cha mẹ, đề cao giá trị của phụ nữ. Năm 1996, họ đã xử phạt 8 bác sĩ chẩn đoán sớm giới tính thai nhi tại thủ đô Seoul, bằng hình thức đình chỉ hành nghề. Chỉ 1 năm sau đó, chênh lệch giới tính khi sinh đã giảm hẳn (năm 1996 là 117 bé trai/100 bé gái, 1997 chỉ còn 113/100. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ bạn”.

Chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính, ông Li Shungzhuo, Viện nghiên cứu dân số phát triển Trung Quốc cho biết nước này đã đề ra chương trình hành động “Chiến dịch chăm sóc trẻ em gái”. Mục tiêu của chương trình nhằm cải thiện môi trường sống của các em gái để đạt được bình đẳng giới, áp dụng cho các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, an sinh việc làm, an sinh tuổi già cha mẹ… Trung Quốc cũng đã thực thi luật về nạo phá thai phi pháp và xác định giới tính thai nhi trước sinh.

Ông Eamonn Murphy, quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam kiến nghị: “Để duy trì động lực đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ số 3 về bình đẳng giới tại Việt Nam, các nỗ lực cần hướng tới là việc thay đổi tâm lý ưa thích con trai, cũng như việc nâng cao địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hơn nữa, cần tiến hành thêm các nghiên cứu định tính để tìm hiểu rõ hơn các yếu tố xã hội và văn hoá, có tác động tới sự mất cân bằng giới tính.

Ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh, ở nước ta, Pháp lệnh Dân số đã có quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm hoặc thực hiện theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Các bác sỹ, nhất là ở các phòng khám tư, vẫn bằng mọi cách nói rõ giới tính thai nhi cho các “thượng đế” của mình mà chẳng ai bị phạt gì. 

Việt Nam phấn đấu đến năm 2015 kiềm chế chỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh là dưới 113 bé trai/100 bé gái, đến năm 2020 là dưới 115 bé trai/100 bé gái, sau năm 2020 giảm dần tình trạng chênh lệch giới tính.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tân, Bộ Y tế đã soạn thảo đề án, dựa trên Nghị định 114 về xử lý hành chính trong lĩnh vực dân số, trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó sẽ tăng thêm chế tài xử phạt đối với hình thức lựa chọn giới tính. Tuy nhiên, đề án này bao giờ được thông qua và áp dung thì còn phải… chờ.

Theo TS. Dương Quốc Trọng, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011 – 2020”. Đề án sẽ được triển khai tại các tỉnh, thành phố có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trầm trọng nhất trong vòng 5 năm qua. Mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không kịp thời giải quyết sẽ để lại tai hoạ cho dân tộc và đất nước”, TS. Trọng khẳng định.

Ông Eamonn Murphy khuyến cáo: “Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi toàn diện hơn; quan tâm tới việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, cải thiện vị thế và đảm bảo các quyền của trẻ em gái. Bên cạnh đó, cần tăng cường chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi, giúp họ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào con trai để nương nhờ lúc tuổi già”.

Tuy nhiên, bài toán “cân bằng giới tính khi sinh” sẽ còn vô cùng nan giải và là câu chuyện không phải của riêng ai, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị - xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên