“Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không”:

Máy bay B52 bị khuất phục trên bầu trời Hà Nội

(VOV) - Bắn rơi B52 của Mỹ là một thành công của việc chủ động nắm tình hình, lên kế hoạch chính xác, kịp thời để chiến đấu

Trong trận chiến 12 ngày đêm “Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, quân ta đã hạ gục 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52. Dám đánh, biết cách đánh và đánh thắng vũ khí tối tân B52 của Mỹ trong cuộc tập kích chiến lược trên bầu trời Hà Nội đã để lại mốc son chói lọi - một kỳ tích đáng tự hào, thể hiện tầm cao chiến thuật của quân đội Việt Nam. 

Dù tóc đã bạc, bước đi đã không còn vững, nhưng khi nhắc tới chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đôi mắt người lính già ấy lại sáng lên, sôi nổi kể lại chiến công bắn rơi B52 của kíp trực đêm ngày 18/12/1972 mà ông trực tiếp tham gia. Ông là Thiếu tướng Nguyễn Văn Linh, nguyên Cục phó Cục tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, là Phó trưởng ban trong kíp trực đêm mở màn trong trận quyết đấu với máy bay B52 của Mỹ.

Ông kể: lúc 20 giờ 18 phút ngày 18/12/1972, khi kíp trực bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên, mở màn cho những chiến thắng tiếp theo, tất cả cán bộ, chiến sĩ ôm chầm lấy nhau, sung sướng vô cùng, bởi chúng ta đã biết cách để bắn rơi máy bay B52, bộ đội ta rút kinh nghiệm thì nhất định sẽ chiến thắng. Cả đêm hôm ấy, quân ta đã bắn rơi 3 chiếc B52 tại chỗ, 1 ở Phủ Lỗ - Đông Anh, 1 chiếc ở Thanh Oai, 1 chiếc ở biên giới Lào - Thái, bắt được 7 tên giặc lái.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Linh, bắn rơi B52 của Mỹ là một thành công của việc chủ động nắm tình hình, lên kế hoạch chính xác, kịp thời để chiến đấu: “Ta có cái tài là có nghệ thuật giành thế chủ động, không để bị bất ngờ, thể hiện là trong sở chỉ huy của bộ tổng tham mưu tôi nhớ rất rõ là ngày 17/12/72 thì chúng tôi chuyển lệnh cho các lực lượng vũ trang miền bắc là vào sẵn sang chiến đấu cao nhất. Trưa ngày 18 là đã có dấu hiệu biết B52 đến đánh Hà Nội, Hải Phòng, ta biết trước được 4 tiếng đồng hồ, tin này của Cục Quân báo, cục 2 của Bộ Tổng tham mưu, anh em giải mã được điện của không quân chiến lược, không quân chiến thuật, hải quân.. báo về sở chỉ huy.”

Xác máy bay B52 bị bắn rơi tại làng Ngọc Hà, Hà Nội

Chiến đấu và chiến thắng máy bay B52 có sự đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ của nhiều lực lượng, trong đó lực lượng không quân làm nòng cốt. Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kể lại: Trong dịp 12 ngày đêm ấy, ông là đại đội trưởng đại đội không quân, đại đội 3 của trung đoàn không quân 957 lái máy bay mic 21.

Bên cạnh việc xuất kích trong 2 trận đánh ngày 19 và 22, ông và đồng đội còn có nhiệm vụ bằng mọi giá bảo vệ tên lửa là vũ khí quân ta dùng để bắn rơi B52. Trung tướng Nguyễn Đức Soát tâm niệm: "Bài toán liệu mình có bắn rơi được B52 hay không vẫn là một dấu hỏi lớn, với điều kiện như vậy mà chúng ta cũng không sợ địch. Bài học lớn nhất là từ cấp lãnh đạo cao nhất là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, bộ Tư lệnh phòng không không quân đã truyền đến cán bộ chiến sỹ là dám đánh quyết thắng. Thứ 2 là sau mỗi trận đánh thì rút ra được kinh nghiệm, tìm ra được âm mưu của địch, tìm ra biện pháp đánh tốt nhất của mình, phát huy trí tuệ tập thể từ người chiến sỹ trực tiếp ở trận địa tên lửa, sỹ quan lái máy bay, sỹ quan dẫn đường, chỉ huy. Thứ 3 là không có sức mạnh của nhân dân thì không làm được".

Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên trưởng ban Lịch sử - Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không Không quân, “vạch nhiễu tìm thù” là một trong những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972. Lúc đó, địch tập trung các nguồn nhiễu với mục đích là che giấu đội hình vào đánh Hà Nội, đặc biệt là các loại máy bay chiến thuật và máy bay B52 đã làm chúng ta rất khó khăn trong việc xác định mục tiêu. Từ Nghệ An, ông và đồng đội đã phát hiện và đo dải nhiễu rộng hàng trăm km2. Với kinh nghiệm chống nhiễu, đánh máy bay địch từ năm 1967 và nghiên cứu chống nhiễu từ năm 1969, quân ta đã xây dựng các phương án, phát hiện và hiệp đồng trong chiến dịch, sẵn sàng đánh B52.

Đại tá Nghiêm Đình Tích nhấn mạnh: "Chiến thắng 12 ngày đêm năm 1972 của quân ta đã khiến cho 40 năm sau, các nhà lịch sử, nhà quân sự trên thế giới phải dày công nghiên cứu để xem là vì sao B52 bị bắn rơi từ độ cao hơn 10.000 m như những chiếc máy bay chiến thuật bổ nhào: Người ta vẫn chưa hiểu nổi là tại sao bộ đội phòng không, đặc biệt là bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam lại giỏi như vậy. Chúng ta biết rằng sau cuộc chiến tranh Việt Nam thì còn có các cuộc chiến tranh ở Iraq, Nam Tư... Các nước ấycó số lượng vũ khí nhiều và hiện đại hơn ta rất nhiều lần nhưng không một nước nào bắn rơi được chiếc B52 nào. Điều đó càng chứng tỏ tố chất đặc biệt của người Việt Nam, nghệ thuật quân sự sáng tạo độc đáo của người Việt Nam có một không hai trên thế giới. Từ đó, vị thế quân sự của Việt Nam trên trường quốc tế được mở rộng và nâng cao".

Máy bay B52 là 1 trong 3 vũ khí tiến công chiến lược lợi hại nhất của Mỹ. 40 năm đã trôi qua, những hình ảnh về máy bay B52 của Mỹ bốc cháy trên bầu trời Hà Nội, những mảnh vỡ của B52 vẫn còn đó với thời gian. Chứng tích của lịch sử ấy cho thấy sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, nhưng cũng vô cùng oanh liệt, hào hùng của quân và dân Việt Nam trong cuộc đối đầu với thứ vũ khí quân sự tối tân của Mỹ. Chúng ta tự hào rằng, không phải ở quốc gia nào, dân tộc nào cũng có được những chiến công hiển hách như vậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

12 ngày đêm năm ấy
12 ngày đêm năm ấy

(VOV) - Cuộc chiến “đất đối không” vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh Việt - Mỹ trên bầu trời Hà Nội, bắt đầu từ 19h45’ ngày 18/12/1972.

12 ngày đêm năm ấy

12 ngày đêm năm ấy

(VOV) - Cuộc chiến “đất đối không” vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh Việt - Mỹ trên bầu trời Hà Nội, bắt đầu từ 19h45’ ngày 18/12/1972.

Tìm lại ký ức 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không"
Tìm lại ký ức 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không"

(VOV) - Để có được những thước phim, các tài liệu... những người thực hiện phải lặn lội khắp nơi trong 2 năm...

Tìm lại ký ức 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không"

Tìm lại ký ức 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không"

(VOV) - Để có được những thước phim, các tài liệu... những người thực hiện phải lặn lội khắp nơi trong 2 năm...

Cựu chuyên gia quân sự Nga nói về 12 ngày đêm lịch sử
Cựu chuyên gia quân sự Nga nói về 12 ngày đêm lịch sử

(VOV) - Thiếu tướng Pozdeev: Tôi khâm phục những người dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù…

Cựu chuyên gia quân sự Nga nói về 12 ngày đêm lịch sử

Cựu chuyên gia quân sự Nga nói về 12 ngày đêm lịch sử

(VOV) - Thiếu tướng Pozdeev: Tôi khâm phục những người dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù…