Miền Trung khắc phục hậu quả sau bão số 9

Nhiều nơi, người dân vẫn chưa thể trở về nhà do giao thông bị chia cắt, nhà cửa bị đổ, ngập sâu trong nước…  

>> Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên

Chủ động phòng chống lũ trên các sông, đêm 29 và rạng sáng 30/9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum cùng cán bộ chính quyền địa phương và chiến sĩ quân khu 3 tập trung cứu hộ người dân còn mắc kẹt trong nhà do ngập nước ở thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Ở các huyện: Đắc Tô, Ngọc Hồi, Đắc GLây, Kon Plông, một số nơi bị nước cô lập, mất thông tin liên lạc do ảnh hưởng bão số 9. Ngoài việc tập trung huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ người dân các vùng có thể tiếp cận trong đêm qua và rạng sáng nay (30/9), Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum cũng tập trung lực lượng bắc cầu tạm ở các khu vực nước rút, đảm bảo việc đi lại giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống; Lên phương án cứu hộ người dân ở những huyện ngập sâu, sạt lở đường khi nước rút sẽ tiếp cận những nơi bị cô lập cứu đói cho dân.

Đến nay, khó khăn lớn nhất trong khắc phục hậu quả bão số 9 ở tỉnh Kon Tum là nhiều tuyến quốc lộ như: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk K’roong, huyện Đắc Glây chiều dài khoảng 50m vẫn ngập sâu trong nước 1m. Quốc lộ 24 đoạn qua địa phận 2 huyện Kon Plông, Kon Rẫy do sạt lở bị cô lập giữa huyện với tỉnh.

Mưa lũ lớn do bão số 9 gây ra đã khiến cho tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng (Ảnh:TTXVN)

Ông Văn Tất Cường, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum cho biết: Riêng các huyện bị chia cắt, tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương khắc phục những đường đi lại ở những vùng chưa với tới được. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành và lực lượng bắt đầu triển khai thực hiện để thông các tuyến giao thông.

Ngay từ chiều 29/9, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung đã khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả bão số 9, đồng thời tiếp tục di dời bà con vùng thấp trũng, vùng chịu ảnh hưởng triều cường, lũ quét... đến nơi an toàn chủ động phòng chống lũ.

** Đến tối 29/9, tỉnh Phú Yên đã có 22 ngôi nhà của người dân xã An Hiệp, thị xã Sông Cầu bị sập vì gió lớn. Ngoài ra, sóng lớn còn đánh chìm 12 tàu  thuyền của ngư dân thị xã Sông Cầu khi đang neo tại bến. Bão số 9 cũng đã làm quật đổ dừa gây sập nhà và làm 2 vợ chồng ông Lê Tâm và bà Hồ Thị Ngọc Lâm bị thương.

Hiện tại, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Phú Yên, các địa phương tổ chức túc trực tại các vùng xung yếu, nhất là vùng trũng thấp dọc sông Ba, đề phòng nước lũ dâng cao. Đồng thời lực lượng biên phòng cũng đã xuống các vùng triều cường sẵn sàng di dời dân khi triều cường uy hiếp.

** Cũng trong đêm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nước từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường khiến nước các sông lên rất nhanh, gây ngập lụt trên diện rộng.

Chính quyền và người dân tỉnh Quảng Trị vừa tập trung khắc phục hậu quả của bão số 9 vừa đối phó với trận lụt lớn. Tại huyện Hải Lăng, hậu quả cơn lũ sớm đầu tháng 9 gây thiệt hại nặng nề đối với bà con nông dân 7 xã vùng trũng, nhiều gia đình mất trắng diện tích lúa hè thu, nay phải đối phó với đợt ngập lụt.

Suốt đêm qua, chính quyền địa phương, các lượng lượng: công an, quân đội, dân quân tự vệ địa phương vừa giúp dân dựng lại nhà cửa bị sụp đổ, tốc mái vừa tiếp tục sơ tán dân tránh lũ.

Ông Nguyễn Thiện, người dân xã Hải Tân, huyện Hải Lăng cho biết, trong quá trình vận động di dời thì xã cũng cung cấp lương thực cho bà con, đèn dầu thắp sáng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con sinh hoạt.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, bão số 9 làm hơn 300 nhà dân bị sập đổ và tốc mái, hàng trăm hécta cây cao su đang kỳ khai thác bị gãy đổ. Các tuyến giao thông đi 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông bị sạt lở, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, 5 xã vùng Lìa - huyện Hướng Hóa bị cô lập. Hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc bị cắt đứt.

Hiện nay, lũ ở các sông tại tỉnh Thừa Thiên Huế lên rất nhanh, khả năng sẽ bằng hoặc vượt mức đỉnh lũ lịch sử 1999. Lần đầu tiên tại Thừa Thiên Huế triều cường dâng cao từ 3-4m, có nơi gần 5m. Nhiều tuyến đường tại thành phố Huế và các khu dân cư vùng thấp trũng ở nội thành bị nước ngập sâu từ 0,5 đến 1m.

Tại bờ biển xã Hải Dương, huyện Hương Trà bị sạt lở sâu vào đất liền 30m, dài 500m. Có 3 đoàn tàu là SE7, SE5 và VQ1 với gần 1.000 hành khách chiều qua kẹt ở các ga Huế, Lăng Cô và Cầu Hai. Hiện nay, tỉnh TT Huế xuất 100 tấn gạo, 100 thùng mì ăn liền cứu trợ kịp thời cho bà con, không để tình trạng thiếu đói xảy ra.

** Huyện Núi Thành là địa phương ở Quảng Nam bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 9. Ngay sau khi bão tan, UBND huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức khắc phục hậu quả mưa bão, di dời người dân ở các nơi vẫn đang bị cô lập. Ông Nguyễn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết đã tăng cường lực lượng bộ đội xuống vùng bị chia cắt, và thống kê toàn bộ thiệt hại để khắc phục công trình giao thông để phục vụ đi lại.

Tối 29/9, tại căng-tin Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn, Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 300 người dân thôn Hoà Trung, xã Bình Trị tiếp tục trú ngụ qua đêm. Trong đó, nhiều người có nhà cửa bị đổ và ngập chìm trong nước. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương đã vận động bà con tiếp tục ở lại nơi trú bão.

Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn đã hỗ trợ lương thực thực phẩm giúp đồng bào đang tạm trú tại đây.

Sông Hàn đỏ ngầu nước lũ

** Huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, vùng hồ tiêu lớn nhất cả nước đang gồng mình chống chọi với mưa bão. 235 căn nhà, 20 trường học bị tốc mái; hơn 14.000 trụ tiêu bị bão làm đổ. Hàng loạt vườn cao su của Công ty cao su Chư Sê cũng chịu số phận tương tự.

Công tác phòng chống lụt bão ở huyện này đang được đẩy lên mức cao nhất. Bà Trương Thị Minh Sơn, Phó chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện Chư Sê, cho biết: Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của huyện đã tiến hành cuộc họp khẩn, cử các cán bộ trong ban đến các xã để nắm tình hình. UBND huyện cũng đã có công điện khẩn gửi các phòng ban chức năng và UBND các xã, yêu cầu trực 24/24 để triển khai các biện pháp phòng chống, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, đồng thời di dời khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở.

** Còn tại Thừa Thiên Huế, tuy bão số 9 không trực tiếp đổ bộ vào nhưng gió giật mạnh kèm theo mưa lớn đã làm 3 người chết và 16 người bị thương. Toàn tỉnh có 123 ngôi nhà bị sập, hơn 1.500 nhà tốc mái, 70.000 nhà dân ở các huyện vùng thấp trũng và thành phố Huế bị ngập sâu từ 0,5- 2m.

Tối 29/9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa lớn. Mực nước tại sông Hương vượt báo động III gần 1,5, sông Bồ xấp xỉ báo động III, hầu hết các huyện vùng ven thành phố đã ngập chìm trong nước lũ. Tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, nước biển dâng cao từ 4- 5m, gây ngập lụt nặng các khu dân cư ven biển và tuyến Quốc lộ 1A đi qua thị trấn.

Bờ biển Hải Dương, huyện Hương Trà bị sạt lở sâu vào đất liền 30m, dài 500 mét. Riêng tại thành phố Huế, hầu hết các tuyến đường đều bị ngập, khu vực Nội thành ngập sâu hơn 1 mét.

Tại các huyện vùng ven biển, đầm phá như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, người dân chưa kịp gượng dậy sau đợt mưa lũ gây nhiều thiệt hại hồi đầu tháng 9, thì nay nước lũ lại tiếp tục đổ về, gây ngập lụt hầu hết các tuyến đường và nhà dân.

Ông Cao Xuân Phụ, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết: Bão số 9 đã làm 1 cháu bé 6 tuổi ở xã Quảng Công bị chết, 10 nhà dân bị sập và hàng trăm nhà khác bị tốc mái. Hiện nay, chính quyền địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9, đồng thời chỉ đạo các xã tập trung đối phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng của nhân dân.

Hiện Thừa Thiên Huế có 3 đoàn tàu với hơn 800 hành khách đang mắc kẹt tại các ga Lăng Cô, Cầu Hai và ga Huế. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ga Huế phối hợp với các địa phương hỗ trợ các điều kiện về ăn ở và đảm bảo an toàn cho hành khách.

** Xuất hiện lũ cực lớn ở Trung Bộ và Tây Nguyên

Hiện nay, lũ các sông từ nam Quảng Bình đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk đang lên; riêng các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Gia Lai và Kon Tum đang ở mức rất cao.

Dự báo, sáng nay (30/9), lũ trên phần lớn các sông các sông từ nam Quảng Bình đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk sẽ đạt đỉnh; riêng hạ lưu sông Thu Bồn và sông Ba có khả năng đạt đỉnh vào tối và đêm nay.

Đỉnh lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có khả năng vượt mức báo động 3 từ 1-3m, tương đương với đỉnh lũ tháng 11/2007; các sông ở Gia Lai và Kon Tum vượt mức báo động 3 từ 3-7m, có nơi vượt lũ lịch sử từ 1-3,5m.

Cần đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu diện rộng ở đồng bằng, vùng trũng ven sông các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, tối 29/9 bão số 9 đã đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Tại đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 32m/giây (cấp 11), gió giật 41m/giây (cấp 14). Các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.

Các tỉnh Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to; lượng mưa trong hai ngày 28 và 29/9 (tính đến 19 giờ ngày 29/9) ở các tỉnh Quảng Bình, Bình Định và Tây Nguyên phổ biến ở mức 100-150mm, các tỉnh từ Quảng Trị, Kon Tum ở mức 200-300mm. Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng ở mức 300-500mm, một số nơi trên 600mm như Nam Đông là 857mm, Trà Bồng là 899mm, Quảng Ngãi là 672mm...

Hồi 22 giờ ngày 29/9 vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông trên địa phận Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39-61km/h) giật trên cấp 8.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 30/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc, 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km/h).

Do ảnh hưởng hoàn lưu vùng áp thấp nhiệt đới, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên đêm nay và ngày mai (30/9) còn có mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 9./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên