Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Tính đến ngày 15/9, có 6 người chết, hơn 2000 ngôi nhà bị hư hỏng, hàng trăm ngàn ha lúa và hoa màu bị ngập úng…

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến 15/9, đợt mưa lũ kéo dài tại miền Trung đã làm 6 người thiệt mạng, trong đó Nghệ An có 5 người chết, Bình Thuận có 1 người chết; trên 2.100 ngôi nhà tại Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Thuận bị ngập, đổ và tốc mái; hơn 74.128 ha lúa bị ngập úng và gần 11.800 ha hoa màu bị ngập đổ; diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập là 3.405 ha. Mưa lũ còn làm sạt lở đất, trôi bồi lấp nhiều hệ thống kênh mương, thủy lợi, đường giao thông tại các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.

Ngập lụt tại xóm 12 xã Hưng Long (Hưng Nguyên, Nghệ An)

Đến thời điểm này, hầu hết các hồ chứa ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn an toàn. Do mưa giảm nên mực nước các hồ chứa đang giảm dần, một số hồ chứa lớn có tràn xả lũ cửa van như Vực Mấu, Sông Sào đã ngừng xả lũ trong ngày 14/9. Song, tại hồ chứa Yên Mỹ (Thanh Hóa), lúc 7 giờ ngày 15/9, mực nước tràn qua đỉnh cửa van cung 1,05 m, tràn xả lũ không vận hành.

Để triển khai ứng phó với tình hình mưa lũ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có Công điện số 27 đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, tình trạng tràn xả lũ hồ Yên Mỹ, để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; rà soát các khu dân cư phía hạ lưu đập, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn khi hồ xả lũ.

Các địa phương bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ gây ra đang khẩn trương triển khai các lực lượng xuống các địa phương bị ảnh hưởng nặng để cùng bà con khắc phục hậu quả, đặc biệt là về môi trường.

Tại Thanh Hoá, chính quyền và bà con đang chủ động cứu lúa, phục hồi diện tích lúa mùa sau khi nước rút. Huyện Tĩnh Gia nằm trong khu vực hành lang thoát lũ của hồ Yên Mỹ và hồ Hao Hao, hệ thống đê bao hạn chế, công trình tiêu úng gần như chưa có nên nhiều xã trên địa bàn thường ngập nước vào mùa mưa. Trước mắt, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện triệt để vệ sinh môi trường sau lũ.

Còn tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương, các ban, ngành triển khai nhiều biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; nhanh chóng kiểm tra kịp thời hỗ trợ các gia đình thiệt hại về người, tài sản, nhanh chóng ổn định sản xuất. Riêng nhà máy thủy điện Bản Vẽ, mặc dù bị sạt lở nghiêm trọng, nhưng đến chiều 15/9 vẫn an toàn, trong vòng kiểm soát. Các cán bộ, kỹ thuật thường xuyên cảnh giới, kịp thời khắc phục sự cố có thể xảy ra.

Trước mắt, các địa phương khẩn trương thu hoạch ngay diện tích lúa đã chín, với chủ trương "xanh nhà hơn già đồng", đồng thời tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tiêu thoát nước, nhất là chú ý phòng trừ dịch bệnh cho người và đàn vật nuôi sau lũ lụt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên