Miền Trung nỗ lực ứng phó với bão số 9

Đêm qua, tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung gió bão đã mạnh lên cấp 9, cấp 10. Các địa phương khẩn trương di dời dân ngay trong đêm, đồng thời triển khai nhiều biện pháp đối phó với bão số 9.  

Hoàn tất việc sơ tán dân trước 12 giờ đêm 28/9Sẵn sàng đối phó với bão số 9

Đêm qua, người dân miền Trung đã yên tâm hơn khi được di dời đến nơi tránh trú bão an toàn. Hàng ngàn hộ dân sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dọc tuyến biển thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu được sắp xếp tại các trường học, trụ sở UBND phường. Suốt đêm qua, lực lượng công an, bộ đội, dân phòng và thanh niên xung kích cũng đã được huy động tối đa, trực tiếp xuống từng khu dân cư để kiểm tra, rà soát và đưa dân đến nơi an toàn.

Hì̀nh ảnh cơn bão số 9 chụp từ vệ tinh (Ảnh TTKTTVTW)

Chị Huỳnh Thị Hoàng Oanh, ở tổ 32D khối phố Thọ An, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, nói: “Họ đưa mình cùng với gia đình, bản thân đang có thai nữa lên đây mình cứ tạm trú. Lên đây cảm thấy an tâm hơn ở nhà. Vừa rồi bão làm sụp nhà sợ rồi Năm 2006 bão Xangsane nhà em bị sụp hoàn toàn. Rút kinh nghiêm, có sự vận động em phải đi tránh bão”.

Mưa lớn gió giật liên hồi làm nhiều nhà dân bị tốc mái, cây xanh, cáp điện bị đứt. Ngành Y tế thành phố đã chỉ đạo Trung tâm cấp cứu 115, các bệnh viện và Trung tâm Y tế  quận, huyện tổ chức trực cấp cứu suốt ngày đêm. Đồng thời, chuẩn bị 150 cơ số thuốc phòng chống bão lũ cho tuyến y tế cơ sở, để các địa phương chủ động phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau bão.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, công tác sơ tán dân đến nơi an toàn vẫn đang được các địa phương khẩn trương triển khai ngay trong đêm qua. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam điều động 500 cán bộ, chiến sỹ xuống các địa bàn xung yếu, giúp dân chằng chống nhà cửa. Mưa lớn những ngày qua cũng đã làm sạt lở núi làm ách tắc một số tuyến đường lên vùng cao của tỉnh. Ngành giao thông đã huy động lực lượng, phương tiện cùng địa phương khắc phục sự cố, thông tuyến trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Quảng Nam chỉ đạo quyết liệt để sơ tán dân đến nơi an toàn như xen ghép, sơ tán tại chỗ”.

Bộ đội biên phòng giúp dân đưa thuyền lên bờ (Ảnh TTO)

Tại các địa bàn ven biển, vùng bãi ngang, ngập lụt và bị lũ quét đe dọa ở tỉnh Quảng Bình, gần 2000 hộ đã được di dời đến nhà cao tầng tại chỗ. Huyện Lệ Thủy là vùng thấp trũng, thế nhưng một số người dân lại có tâm lý chủ quan lơ là trong việc phòng tránh.

Ông Phạm Như Thảo, Phó chủ tịch huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Tăng cường tuyên truyền các phương tiện như truyền thanh xã để bà con nâng cao ý thức, chằng chống nhà cửa, chặt bớt cây cối".

Cũng trong đêm qua, tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương sơ tán 2.600 hộ  dân với 11.400 nhân khẩu ở 22 xã thuộc 4 huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện Đảo Cồn Cỏ đến các nhà kiên cố,  trường học, trụ sở UBND các xã để tránh bão. UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Sở Công Thương dự trữ lương thực, dầu hỏa... sẵn sàng cung ứng cho các địa phương khi bão lũ chia cắt dài ngày. Cán bộ chiến sĩ các lực lượng công an, quân đội, bộ đội biên phòng tiếp tục về các địa phương ven biển giúp dân chằng chống nhà cửa, kéo tàu thuyền lên bờ hoặc vào sâu trong các sông để neo đậu; di chuyển dân đến nơi an toàn để tránh bão./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên