Minh bạch tài sản, thu nhập cán bộ: Mấu chốt là kiểm soát

(VOV) - Việc xác định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập phải phù hợp với thực tiễn.

Kê khai, minh bạch tài sản còn hình thức

Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình bày trước Quốc hội sáng 26/10 nêu 2 ý kiến về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài tài sản, thu nhập: Ý kiến thứ nhất cho rằng, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có chức vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành và bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.

Ý kiến thứ hai cho rằng, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập cần quy định tất cả những người có chức vụ, quyền hạn theo khoản 3 Điều 1 của Luật hiện hành. Dự thảo Luật thể hiện theo ý kiến thứ nhất.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành thì kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập của mình, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, qua Báo cáo sơ kết 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cũng như qua kết quả giám sát, khảo sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.

Để khắc phục hạn chế, bất cập này, cả hai phương án mà Chính phủ trình Quốc hội đều mở rộng phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung một số quy định cụ thể về xác minh tài sản. UBTP cho rằng, việc sửa đổi như vậy chưa khắc phục được những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay.

Báo cáo Thẩm tra đánh giá, ở Việt Nam cho tới nay, các cơ quan nhà nước chưa kiểm soát tốt được tài sản, thu nhập của người dân, doanh nghiệp nói chung cũng như của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập phải trên cơ sở và phù hợp với thực tiễn, năng lực quản lý, kiểm soát hiện nay của Nhà nước ta thì mới bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trên thực tế, do đó đề nghị giữ phạm vi đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập như quy định của Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành.

Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập

Theo Tờ trình của Chính phủ, có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Theo đó, có ý kiến cho rằng, quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác. Tuy nhiên, theo quan điểm thứ hai, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X của Đảng, cần quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cả nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú. Dự thảo Luật đã thể hiện theo ý kiến thứ nhất.

Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành chỉ quy định việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập và việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác minh đối với tài sản, thu nhập đó theo trình tự, thủ tục do Luật định; chưa quy định về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập mà chỉ quy định việc công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.

Để khắc phục tính hình thức và kém hiệu quả trong việc kê khai tài sản, thu nhập, trong dự án luật quy định việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi thường xuyên làm việc, công tác của cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên nhằm mục đích để cơ quan, tổ chức, đồng nghiệp giám sát tính trung thực trong việc kê khai, góp phần ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, về lâu dài Nhà nước ta phải sớm có kế hoạch, phương án cụ thể trong việc ban hành các văn bản pháp luật để kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội, có như vậy mới bảo đảm cho việc kê khai tài sản, thu nhập thực sự phát huy được tác dụng trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện tham nhũng.

Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay thì cần công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ kê khai tại nơi thường xuyên làm việc, công tác để đơn vị công tác giám sát, kiểm tra, tăng cường trách nhiệm của đối tượng có nghĩa vụ kê khai cũng như trong việc tự giác bảo đảm tính hợp pháp của tài sản, thu nhập do mình quản lý.

Theo Ủy ban Tư pháp, thực tế cho thấy, với cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn, cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay, nếu không có mối quan hệ công tác thì người dân tại nơi cư trú chỉ thuần túy căn cứ vào bản kê khai tài sản, thu nhập để giám sát, phát hiện ra việc kê khai không trung thực, phát hiện tham nhũng là rất khó khả thi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cơ chế tài chính cho KH-CN cần tính đột phá, đổi mới
Cơ chế tài chính cho KH-CN cần tính đột phá, đổi mới

(VOV) - Vướng mắc lớn, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động KH&CN hiện nay chính là cơ chế tài chính.

Cơ chế tài chính cho KH-CN cần tính đột phá, đổi mới

Cơ chế tài chính cho KH-CN cần tính đột phá, đổi mới

(VOV) - Vướng mắc lớn, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động KH&CN hiện nay chính là cơ chế tài chính.

Cần tăng khả năng dự báo để quản lý, điều hành giá tốt hơn
Cần tăng khả năng dự báo để quản lý, điều hành giá tốt hơn

(VOV) -Qua CPI tháng 9 và những lần trước, bài học là nếu có sự phối hợp tốt hơn nữa thì khả năng dự báo có thể phản ánh sát thực hơn.

Cần tăng khả năng dự báo để quản lý, điều hành giá tốt hơn

Cần tăng khả năng dự báo để quản lý, điều hành giá tốt hơn

(VOV) -Qua CPI tháng 9 và những lần trước, bài học là nếu có sự phối hợp tốt hơn nữa thì khả năng dự báo có thể phản ánh sát thực hơn.