Bàn cách cứu sông Thị Vải

Để khôi phục lại chất lượng nước sông Thị Vải thì phải tốn thời gian, cần có những biện pháp tổng thể như: bổ sung nước, bổ sung ôxy và quan trọng hơn cả là không tiếp tục làm ô nhiễm sông…

Nhằm tìm ra các biện pháp để “cứu” sông Thị Vải, vừa qua, tại tỉnh Đồng Nai, Bộ TN&MT phối hợp với 3 tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác quan trắc và giám sát môi trường sông Thị Vải''. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đề xuất các giải pháp như: tăng cường công tác quan trắc, giám sát môi trường, đặc biệt là giám sát nguồn thải ra sông; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra môi trường thường xuyên, có biện pháp buộc các cơ sở sản xuất thực hiện chương trình quan trắc tuân thủ theo luật bảo vệ môi trường.

PV Đài TNVN đã phỏng vấn Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm quan trắc và dữ liệu môi trường, Bộ TN&MT về những giải pháp này.

PV: Thưa ông, là một người nhiều lần đi kiểm tra, quan trắc ở sông Thị Vải thì ông đánh giá như thế nào về mức độ ô nhiễm của sông Thị Vải hiện nay? 

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng: Qua quan trắc sông Thị Vải nhiều năm chúng tôi phân sông Thị Vải thành 3 đoạn sông ô nhiễm. Sông Thị Vải dài khoảng hơn 70km, trong đó có khoảng 15km đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ở khu vực này tập trung nhiều nhà máy, KCN như nhà máy Vedan, KCN Gò Dầu, KCN Mỹ Xuân,… Theo số liệu quan trắc của chúng tôi thì đoạn này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng hầu như không có thực vật cũng như sinh vật phù du sinh sống, chỉ số ô nhiễm ô xy hoà tan gần như bằng 0, các thông số khác như BOD, COD,NH4 đều vượt tiêu chuẩn nhiều lần cho phép. Vùng thứ 2 dưới đó khoảng 20km, mặc dù chỉ số o xy hoà tan đã lên cao nhưng nhiều chỉ số ô nhiễm khác vẫn vượt tiêu chuẩn cho phép và đang có xu hướng tăng. Còn 1 vùng nữa gần biển thì mức độ ô nhiễm giảm đi nhiều. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do sông Thị Vải là một con sông đặc biệt, thực ra nó là một cái Vịnh, nên nó không có nguồn cấp bổ sung, chế độ bán nhật triều, 1 ngày lên xuống 2 lần. Do đó nó cũng có tác động nhất định đến chất lượng nước tại đây. Tuy nhiên, nguồn gây ô nhiễm chính cho sông Thị Vải là các nhà máy, KCN và các hoạt động nông nghiệp. 

PV: Thưa ông, qua vụ công ty Vedan gây ô nhiễm cho sông Thị Vải, hiện các cơ quan vẫn đang tiếp tục kiểm tra và phát hiện ra các đường ống xả thải của Công ty Vedan. Ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này? 

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng: Đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT vẫn đang tiếp tục kiểm tra công ty Vedan do công ty thiếu sự hợp tác, không cung cấp hồ sơ thiết kế nhà máy, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Qua kiểm tra thì Đoàn kiểm tra của Bộ đã liên tục phát hiện ra những sai phạm của Công ty Vedan. Rõ ràng, việc sai phạm đến đâu thì chúng ta xử lý đến đó. Ở đây chúng ta cũng phải ghi rõ trách nhiệm của công ty Vedan, nhiều năm cố tình gây ô nhiễm môi trường. Tôi nghĩ rằng cần phải có những hình thức xử phạt cương quyết vấn đề này. 

PV: Thưa ông để khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải thì cừa qua, Bộ TN&MT đã tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác quan trắc và giám sát môi trường sông Thị Vải''. Các giải pháp được đưa ra ở hội thảo là gì thưa ông? 

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng: Biện pháp tằng cường công tác quan trắc và giám sát môi trường sông Thị Vải, đây chỉ là một trong nhiều biện pháp để cứu sông Thị Vải. Chúng tôi muốn nhấn mạnh điều này vì để giảm thiểu ô nhiễm và khắc phục dần dân tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải thì không thể có một biện pháp đơn độc được mà cần nhiều giải pháp đồng bộ. Quan điểm của chúng tôi là biện pháp hữu hiệu nhất là phải kiểm soát chặt chẽ nguồn thải từ các nhà máy ra sông, tăng cường quan trắc chất lượng nước. Sau đó chúng ta có nhiều biện pháp sau nếu chúng ta làm vấn đề này không tốt sẽ không bao giờ cứu được sông Thị Vải. Tại buổi hội thảo này các nhà khoa học cũng bàn để làm sao tăng cường công tác tuân thủ và quan trắc tác động. Nghĩa là chúng ta phải tăng cường vai trò hơn nữa của các doanh nghiệp hoạt động dọc hai bên bờ sông Thị Vải phải có trách nhiệm tự quan trắc, lắp các hệ thống quan trắc tự động để làm sao tất cả cộng đồng cũng như cơ quan quản lý nhà nước giám sát được công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Ngoài ra, hội thảo cũng đề xuất một số biện pháp khác. Tuy nhiên, theo tôi những biện pháp đó cũng chỉ là mang tính gợi mở. Tôi nghĩ rằng để khôi phục lại chất lượng nước sông Thị Vải thì phải tốn thời gian, cần có những biện pháp tổng thể. Ví dụ như làm thế nào để bổ sung nước? làm thế nào để thoát nước sông Thị Vải ra và bổ sung ô xy? Đương nhiên, biện pháp đầu tiên là phải ngăn chặn không cho các cơ sở sản xuất thải ra sông Thị Vải nước thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép. 

PV: Xin cám ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên