Cần từ chối những dự án dễ gây ô nhiễm môi trường

Chúng ta cần thay đổi tư duy, quan niệm về sản xuất sạch và bảo vệ môi trường; coi trọng việc đáp ứng các tiêu chuẩn quy định ngặt nghèo của thị trường và người tiêu dùng.

Phát triển kinh tế và thương mại trong điều kiện toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại đang gây áp lực lớn đối với môi trường. Đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường từ việc nhập khẩu thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, nguyên liệu phế thải, hàng hoá kém chất lượng không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Việc nhập khẩu hàng hoá vật tư nếu không được kiểm tra, giám sát sẽ dẫn đến nguy cơ nước ta trở thành bãi chứa các thiết bị, công nghệ lạc hậu, nơi tiêu thụ những hàng hoá kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng dẫn đến sự suy thoái môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái. Vấn đề đặt ra là phải có chính sách quản lý nhập khẩu hàng hoá để hạn chế nhập khẩu thiết bị, công nghệ lạc hậu, hàng hoá kém chất lượng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình mở cửa thị trường, nới lỏng quy chế nhập khẩu. Trong điều kiện như vậy, chính sách thương mại và môi trường phải tạo điều kiện cho việc mở cửa thị trường nhằm tận dụng cơ hội, đồng thời hạn chế mức tối đa ô nhiễm môi trường qua biên giới.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải thay đổi tư duy, quan niệm về sản xuất sạch và bảo vệ môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn quy định ngặt nghèo của thị trường và người tiêu dùng. Trong quá trình này, vai trò của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia có tầm quan trọng rất lớn trong quá trình tạo lập tính bền vững môi trường của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Thông thường các tập đoàn đa quốc gia có công nghệ sạch, áp dụng những chuẩn môi trường cao hơn so với yêu cầu của nước chủ nhà, do vậy có khả năng góp phần vào quá trình phát triển bền vững môi trường của nước chủ nhà. Tuy nhiên, có trường hợp các tập đoàn đa quốc gia đưa các dây chuyền sản xuất ô nhiễm, hoặc chuyển giao các công nghệ lạc hậu tới nước chủ nhà, mà những công nghệ này không được chấp nhận tại nước đầu tư.

Ông Kim Yong Jin, Giám đốc văn phòng hợp tác quốc tế, Bộ môi trường Hàn Quốc cho biết, đối với các chính sách thúc đẩy sản xuất xanh, sản xuất sạch hơn thì chúng ta thấy một vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp. Chúng ta phải làm thế nào để các doanh nghiệp nhận thấy các chính sách này sẽ có ảnh hưởng tốt đến hình ảnh và có lợi trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khi áp dụng các chính sách này. Chính vì vậy, chúng ta phải có nhiều hơn các chương trình khuyến khích áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Ông Kim Yong Jin chia sẻ: “Chúng tôi áp dụng những tiêu chuẩn môi trường rất nghiêm ngặt, nhưng đồng thời cũng có những chính sách thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Nếu so sánh giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài thì ở Hàn Quốc không có sự phân biệt, tức là, chúng tôi đều áp dụng chung 1 tiêu chuẩn cho cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư trong nước. Bộ môi trường Hàn Quốc cũng có những mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với các doanh nghiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp cùng với các cơ quan quản lý thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường”.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, hiện mới chỉ có 250 doanh nghiệp thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn và đều thông qua các dự án hỗ trợ. Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, sở dĩ số lượng các doanh nghiệp tham gia ít như vậy bởi hiện chưa có cơ sở pháp lý để bắt buộc hoặc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất sạch hơn, nhiều trường hợp ngân hàng không cho doanh nghiệp vay tiền để áp dụng sản xuất sạch hơn vì quan niệm đó là nhiệm vụ môi trường và phải được chi từ ngân sách nhà nước...

Các chuyên gia môi trường cho rằng, để hạn chế ô nhiễm môi trường, Việt Nam cần kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở ô nhiễm nặng, từ chối những dự án đầu tư nước ngoài gây ô nhiễm môi trường nặng. Với xu thế “hội nhập kinh tế quốc tế”, các doanh nghiệp Việt Nam phải hội nhập về các chuẩn mực hành xử trong quy tắc kinh doanh, trong đó có những điều kiện tiên quyết của một doanh nghiệp phát triển bền vững cần tuân thủ, đó là có trách nhiệm với môi trường. Các doanh nghiệp không thể làm ngơ trước những đòi hỏi từ xã hội, thể hiện qua chất lượng sản phẩm, điều kiện lao động và đặc biệt là ảnh hưởng của sản xuất tới môi trường sinh thái.  

Thu hút đầu tư nước ngoài là một việc làm cần thiết để phát triển kinh tế, nhưng không phải vì quá trú trọng phát triển vào kinh tế mà “lãng quên” vấn đề bảo vệ môi trường. Đã đến lúc chúng ta cần phải từ chối những dự án đầu tư dễ gây ô nhiễm môi trường. Bởi theo tính toán của các chuyên gia kinh tế và môi trường, nếu không đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, thì chi phí mà chúng ta phải bỏ ra để xử lý, khắc phục ô nhiễm và suy thoái môi trường, tài nguyên, sẽ lớn gấp 3 lần những gì thu được từ sự tăng trưởng kinh tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên