Chung tay bảo vệ hồ Hà Nội

Các hồ ở Hà Nội ngày càng bị ô nhiễm nặng và thu hẹp…

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), năm 2010, Hà Nội có 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ trong 6 quận Hà Nội gồm: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy và Hai Bà Trưng.

Tiếng kêu cứu từ những ao, hồ

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, phần lớn các hồ của Hà Nội đều bị ô nhiễm chất hữu cơ: 71% hồ có giá trị BOD5 (nhu cầu oxy sinh hóa) vượt quá tiêu chuẩn cho phép, trong đó có 14% hồ bị ô nhiễm chất hữu cơ rất nặng, 25% hồ ô nhiễm nặng và 32% có dấu hiệu ô nhiễm.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR cho biết: “Lần đầu tiên trở về Hà Nội sau nhiều năm du học và công tác ở Mỹ, tôi nhận ra rằng, Hà Nội thật đẹp với các hồ tự nhiên xanh mát và điều này càng làm tôi yêu Hà Nội hơn. Tuy nhiên, những năm gần đây với tốc độ phát triển đô thị một cách chóng mặt, các hồ ở Hà Nội ngày càng bị ô nhiễm nặng và thu hẹp. Đó cũng chính là lý do tôi thành lập Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng với mong muốn kêu gọi, gắn kết các tổ chức, các cá nhân cũng như cộng đồng cùng tham gia bảo vệ các hồ ở Hà Nội”.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, dựa trên cơ sở đánh giá chất lượng nước và môi trường hành lang ven bờ của các hồ trong 6 quận Hà Nội có thể khẳng định phần lớn các hồ bị ô nhiễm chất hữu cơ. Nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do nước thải sinh hoạt và một phần rác thải từ gia đình hoặc cộng đồng thải xuống hồ. Sự ô nhiễm này làm tăng nồng độ các chất hữu cơ làm vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ, dẫn đến suy thoái chất lượng nước, thiếu hụt oxy, tăng lượng trầm tích trong hồ, khiến cho nước của nhiều ao hồ đục bẩn. Có nhiều hồ, ao nước biến thành màu đen, hệ thống sinh thái bị đe dọa và rối loạn nghiêm trọng.

Các hành lang ven bờ của hồ nhiều nơi còn rất bẩn, việc xả các loại rác vô ý thức không bị kiểm soát và ngăn cản. Những loại rác như túi ny-lon, giấy kẹo, các giấy bọc hàng của các hàng quán, rác của các gia đình xung quanh, lâu dần cũng thành đống ngập tích tụ dưới hồ, biến hồ trở thành ao tù, nước đọng, là nguồn phát sinh nhiều dịch bệnh. Nhiều cống thải của các hộ gia đình và hàng quán cũng thải thẳng ra hồ không qua xử lý, là nguồn phốt pho và nitrat làm tăng các loại thực vật nổi và tảo. Các loại tảo có vòng đời rất ngắn, khi chết đi sẽ tích tụ dưới đáy hồ ngày một nhiều, làm giảm thể tích hồ. Mặt khác, quá trình phân huỷ tảo cần có một lượng lớn oxy trong nước, vì vậy sẽ làm giảm lượng oxy hoà tan trong hồ, gây ảnh hưởng đến các loài động vật thuỷ sinh và tạo ra khí có mùi hôi thối, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân sống quanh hồ.

Hiện tượng đổ phế thải xây dựng, đổ đất, lấn chiếm ao, hồ... làm giảm đáng kể diện tích ao, hồ, thậm chí có nhiều hồ đang dần biến mất.

Sức khỏe của hồ chính là sức khỏe của cộng đồng

Hà Nội với những ký ức lịch sử hào hùng, những hồ nước đẹp lung linh, những danh lam thắng cảnh, chùa chiền, đền đài đã đi sâu vào lời văn câu hát.

Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất riêng của thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội đều rất ấn tượng và có tình cảm với các hồ Hà Nội (hồ Tây, Hoàn Kiếm, Trúc Bạch, thiền Quang, Ngọc Khánh, Bảy Mẫu…).

Anh Eric Frater, Bí thư thứ 2, Phòng Môi trường khoa học, Cộng đồng và Y tế (Đại sứ quán Hoa Kỳ) cho biết: “Tôi mới ở Hà Nội được vài tháng. Tôi rất thích Hà Nội và rất quan tâm đến hồ của Hà Nội bởi nó rất đặc biệt. Tôi cũng được biết các hồ đều đang nằm trong trạng thái bị đe dọa bởi sự ô nhiễm và kém nhận thức của những người xung quanh”. Theo anh Frater, sức khỏe của hồ cũng chính là sức khỏe của cộng đồng.

Là người sống gần nửa thể kỷ bên hồ Hoàn Kiếm, đối với ông Nguyễn Đình Thăng, 19 Hàng Khay, Hà Nội, hồ như là ngôi nhà thứ 2 của ông. Mỗi buổi sáng, ông và các thành viên trong gia đình đều sang tập thể dục, hít thở không khí trong lành. Buổi chiều, gia đình lại đi hóng mát. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho khu vực hồ là điều cần thiết không chỉ đối với ông và còn với những người dân sống xung quanh đây nữa.

Ông Thăng cho biết, trước đây hồ sạch, thoáng mát nhưng bây giờ đã khác rất nhiều. “Những năm gần đây, chúng tôi được tổ dân phố tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên nên vấn đề vệ sinh, môi trường cũng đỡ hơn” – ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, để hồ Hoàn Kiếm ngày càng sạch và để lại ấn tượng hơn trong lòng du khách thì mỗi người phải có ý thức và hiểu được giá trị quan trọng của hồ đối với môi trường sống và sức khỏe của con người…

Để hồ Hà Nội xanh, sạch đẹp, là lá phổi của thủ đô, theo bà Nguyễn Thị Lý, chúng ta phải thay đổi cách nhìn  và có ý thức hơn.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quân - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ, ý thức bảo vệ môi trường cần được chuyển thành các hoạt động cụ thể, thay đổi được thái độ và cách tiếp cận về bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường hiện nay./.

Trang web “hồ Hà Nội” tại địa chỉ http://www.cecr.vn/ vừa được CECR xây dựng với mục đích kết nối cộng đồng nhằm gìn giữ và bảo vệ các hồ ở Hà Nội, hỗ trợ sự hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia môi trường, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư quanh hồ.

Đây sẽ là nơi truy cập thông tin khoa học, giúp tìm hiểu các phương thức truyền thống và hiện đại để bảo vệ hồ, đóng góp các sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm để chung tay bảo vệ, giám sát môi trường xung quanh các hồ.

Đặc biệt, trang web bao gồm toàn bộ nội dung cuốn sách thông tin về hồ thuộc 6 quận, phản ánh hiện trạng môi trường của 120 hồ, ao, đầm, kết quả phân tích về tình trạng môi trường nước và hành lang bờ, quản lý hồ.

Bên cạnh trang web “hồ Hà Nội”, CECR còn xây dựng một số bản đồ định vị các hồ trong 6 quận  trên bản đồ Hà Nội. Từ bản đồ này sẽ xác định được toàn cảnh hiện trạng các hồ một cách tương đối chính xác, xây dựng các mô hình bảo tồn, du lịch văn hóa liên quan, các con đường sinh thái, du lịch nối liền các hồ lại với nhau, tạo ra những cảnh quan sinh thái đẹp của Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên